Chậm trễ - kéo dài, do đâu?

Theo Song Hà/daibieunhandan.vn

Trong tờ trình Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ gửi tới Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chính phủ thẳng thắn nhận định, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm. Vậy, do đâu tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chậm trễ, kéo dài?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhìn lại kết quả thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta có thể mừng vì những kết quả đạt được, có 17/22 mục tiêu đã được hoàn thành. Tuy vậy, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại hạn chế, đó là vẫn còn tới 5/22 mục tiêu đề ra nhưng chưa thể chạm đích, trong đó, có mục tiêu thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn. Trong suốt giai đoạn 2016 - 2020, chỉ có 39/128 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đạt 30% theo kế hoạch.

Ủy ban Kinh tế cũng thẳng thắn nhận định, việc sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DNNN còn chậm tiến độ, đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài chậm được xử lý dứt điểm, yếu kém trong công tác định giá doanh nghiệp, triển khai phương án sử dụng đất trong quá trình cổ phần hóa gây thất thoát vốn, tài sản công.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương lớn nhằm huy động nguồn lực của xã hội đầu tư vào doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cũng như góp phần vào phát triển kinh tế. Tuy vậy, quá trình thực hiện chủ trương này vẫn vấp phải những rào cản, gây ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn lực để phát triển kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2016. Qua giám sát cho thấy, quá trình cổ phần hóa DNNN còn chậm. Và tiếc rằng, trong giai đoạn tiếp theo, từ 2016 - 2020 tình trạng chậm cổ phần hóa DNNN vẫn tiếp tục tái diễn. Cử tri và nhân dân đặt câu hỏi, tồn tại này bao giờ mới kết thúc?

Tại Kỳ họp thứ Hai, vấn đề này một lần nữa được đại biểu Quốc hội đặt ra. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, chậm thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là tồn tại năm nào Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội. Thời gian tới, cần quy định trong nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ và thời hạn xử lý, giải quyết dứt điểm về hạn chế này, đại biểu đề nghị.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa chậm trễ, trong đó, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN vẫn còn chồng chéo. Hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu cổ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả. Cùng với đó là năng lực quản trị, quản lý của người đại diện chủ sở hữu, người điều hành doanh nghiệp chưa cao.

Đành rằng, những lỗ hổng về pháp lý, về giám sát, kiểm soát cổ phần hóa DNNN là có. Nhưng còn rào cản rất lớn đó là tâm lý “sợ trách nhiệm”, tâm lý yên vị của một số người đứng đầu tập đoàn, DNNN đã trở thành lực cản vô hình làm chậm tiến độ cổ phần hóa thời gian qua.

Đáng nói là, dù tồn tại trong một thời gian dài nhưng cho đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý. Chính khoảng trống xử lý trách nhiệm này là nguyên nhân dẫn đến cổ phần hóa ì ạch thời gian qua.

Để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm, Nghị định 140/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm, chế tài xử lý đối với địa phương không có ý kiến và cơ quan đại diện chủ sở hữu không phê duyệt phương án sử dụng đất đúng thời hạn.

Theo đó, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, UBND cấp tỉnh  phải có ý kiến trả lời về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chậm có ý kiến chính thức về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Việc chậm có ý kiến về phương án sử dụng đất của doanh nghiệp được xem xét là một căn cứ để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức...

Ngoài sự công khai, minh bạch, cơ chế kiểm soát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa, để không còn “tồn tại mà năm nào Chính phủ cũng báo cáo với Quốc hội”, rất cần xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp. Tránh tình trạng, thực hiện quyết liệt cổ phần hóa cũng được, mà không làm cũng chẳng sao.