Chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa gửi kho ngoại quan
Tổng cục Hải quan vừa có Công văn số 3361/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý, giám sát hàng hóa gửi kho ngoại quan.
Theo Tổng cục Hải quan, qua công tác phối hợp kiểm tra kho ngoại quan tại một số Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy, hiện tượng một số Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan còn để tình trạng doanh nghiệp (DN) kinh doanh kho ngoại quan chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm liên quan theo quy định.
Để chấn chỉnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa gửi kho ngoại quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm một số nội dung sau:
Một là, về thủ tục hải quan, công tác quản lý, giám sát đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan trực thuộc thực hiện nghiêm thủ tục hải quan với loại hình hàng gửi kho ngoại quan theo đúng quy định tại Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC và các hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu DN thực hiện cập nhật thông tin hàng hóa getin kho bãi, địa điểm đến Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động (VASSCM) ngay sau khi hoàn thành việc xếp dỡ hàng hóa tại kho bãi, địa điểm; cập nhật kịp thời thông tin hàng hóa rút khỏi container đưa vào kho; thông tin getout kho bãi, địa điểm; cập nhật thông tin trên Hệ thống VASSCM trong trường hợp Hệ thống gặp sự cố và đã được khắc phục theo đúng quy định.
Trường hợp phát hiện DN kinh doanh kho ngoại quan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm có liên quan theo quy định dẫn đến sơ hở để DN lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại thì tiến hành kiểm tra, xác minh đánh giá và có văn bản báo cáo đề xuất chấm dứt hoạt động của kho ngoại quan.
Hai là, về điều kiện hoạt động của kho ngoại quan theo quy định tại Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 1/7/2012 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan.
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra, rà soát toàn bộ kho ngoại quan do đơn vị quản lý; yêu cầu DN thực hiện kết nối phần mềm quản lý của DN với Hệ thống VASSCM theo đúng quy định tại Nghị định số 68/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2020/NĐ-CP và Thông tư số 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC. Trường hợp DN nào không đáp ứng điều kiện thì báo cáo Tổng cục Hải quan để chấm dứt hoạt động theo quy định.
Ba là, về công tác tăng cường quản lý với hàng hóa thực phẩm đông lạnh, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt gửi kho ngoại quan.
Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát kho ngoại quan đang lưu giữ hàng hóa là thực phẩm đông lạnh, hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt; thực hiện đúng theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại Công văn số 3475/TCHQ-GSQL ngày 9/7/2021 trong việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra tình trạng hàng hóa, hạn sử dụng, chất lượng của hàng hóa đánh giá hàng hóa có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không, có khả năng gây ô nhiễm môi trường không?
Bên cạnh đó, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra hàng hóa có thời gian gửi kho ngoại quan quá thời hạn theo quy định tại Luật Hải quan.
- Đối với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh gửi kho ngoại đã quá thời hạn gửi kho ngoại quan, không được áp dụng gia hạn theo Nghị quyết số 10/2021/NQ-UBTVQH15 (hàng vào kho trước ngày 1/4/2018) thì yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa.
Trường hợp kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu hư hỏng, hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó xác định trách nhiệm của chủ hàng/chủ kho ngoại quan; mời cơ quan môi trường địa phương phối hợp để buộc xử lý tiêu hủy đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ hàng/chủ kho ngoại quan cam kết chi trả toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tiêu hủy.
Trường hợp có chứng thư xác nhận việc hàng hóa chưa hư hỏng vẫn còn giá trị sử dụng thì xử phạt vi phạm hành chính và buộc tái xuất, nếu không tái xuất thì thực hiện theo quy định về xác lập quyền sở hữu toàn dân để xử lý theo quy định về hàng hóa tồn đọng trong địa bàn hải quan.
- Đối với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh gửi kho ngoại quan được áp dụng Nghị quyết số 10/2021/NQ-UBTVQH15 thì yêu cầu giám định chất lượng hàng hóa.
Trường hợp kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu hư hỏng, hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ đó xác định trách nhiệm của chủ hàng/chủ kho ngoại quan; mời cơ quan môi trường địa phương phối hợp để buộc xử lý tiêu hủy đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường. Yêu cầu chủ hàng/chủ kho ngoại quan cam kết chi trả toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình tiêu hủy.
Trường hợp có chứng thư xác nhận về việc hàng hóa chưa hư hỏng vẫn có giá trị sử dụng thì thực hiện giám sát chặt chẽ với hàng hóa gửi kho ngoại quan theo quy định.
- Trước khi thực hiện việc tiêu hủy với hàng hóa là thực phẩm đông lạnh có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì đơn vị chủ trì phải báo cáo và có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý môi trường sở taij về phương án tiêu hủy, biện pháp tiêu hủy và giám sát việc thực hiện tiêu hủy đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
Cục Hải quan quản lý kho phải cử đại diện tham gia giám sát việc tiêu hủy, đồng thời báo cáo thông tin chi tiết về phương án tiêu hủy, thời gian địa điểm thực hiện việc tiêu hủy về Tổng cục Hải quan trước khi thực hiện để Tổng cục Hải quan đánh giá rủi ro, chỉ đạo các đơn vị phối hợp giám sát trong trường hợp cần thiết.
Quá trình tiêu hủy phải được lập biên bản có xác nhận của các đơn vị tham gia giám sát và xử lý việc tiêu hủy, được quay phim, chụp ảnh từ lúc bắt đầu đến khi hết quá trình thực hiện, file lưu trữ kèm biên bản hồ sơ tiêu hủy. Kết thúc quá trình tiêu hủy, đơn vị chủ trì báo cáo kết quả về Tổng cục Hải quan.