Chặt chẽ, căn cơ chi tiêu ngân sách

Theo baohaiquan.vn

(Taichinh) - Mặc dù những tháng đầu năm, thu ngân sách đạt kết quả khả quan, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng (giá dầu thô diễn biến phức tạp), đảm bảo chi tiêu Ngân sách Nhà nước cần chặt chẽ, căn cơ hơn nữa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm phát huy hiệu quả

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách quý I-2015 đạt 226 nghìn tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thu nội địa tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng đạt khá so với cùng kỳ, với 173,19 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so cùng kỳ năm 2014. Với tốc độ thu này, Bộ Tài chính cho rằng thu nội địa đã đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so cùng kỳ (quý I-2012 đạt 22,7% dự toán; quý I-2013 đạt 20,9% dự toán; quý I-2014 đạt 24,8% dự toán). Ước tính có 48 địa phương thu đạt trên mức bình quân chung (25% dự toán).

Theo nhận định của Bộ Tài chính, kết quả thu nội địa quý I đạt khá là do tình hình kinh tế vĩ mô ổn định; hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước duy trì được đà phục hồi tốt nhờ có những cải thiện đáng kể cả về tổng cầu và tổng cung. Bên cạnh đó, việc cải cách hành chính, nhất là cải cách về thủ tục hành chính thuế thực hiện từ năm 2014 đã giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với cơ quan Thuế, chủ động kê khai nộp thuế khi đến hạn, góp phần từng bước đưa số thu phát sinh sát hơn với thực tế hoạt động của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các nhiệm vụ chi ngân sách được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, kinh phí phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi... Chi NSNN quý I ước đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2014...

Những kết quả trên cho thấy, việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính tiếp tục phát huy hiệu quả. Trên thực tế, giai đoạn 2011-2015, chính sách tài khóa đã được điều chỉnh theo hướng thắt chặt chi tiêu, cơ cấu lại các khoản chi, đặc biệt là chi đầu tư công. Trong khi đó, chính sách thuế được thực hiện theo hướng miễn, giảm, gia hạn một số sắc thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Chính sách thu được xác định theo hướng thu đúng, thu đủ vào ngân sách, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách qua việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Năm ngân sách 2015 mặc dù đã qua hơn 1/4 chặng đường, nhưng vẫn không thể chủ quan. Bởi trong bối cảnh tình hình kinh tế- chính trị trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Kinh tế thế giới vẫn tăng trưởng chậm, kinh tế châu Âu chưa phục hồi, xung đột địa chính trị ở một số khu vực, đặc biệt giá dầu thế giới giảm là một thách thức lớn cho Việt Nam trong điều hành chính sách tài khóa. Hiện nay, không gian chính sách tài khóa đã chật hẹp, chi NSNN đã ở mức cao, các chính sách miễn, giảm thuế đã được thực hiện trên diện rộng, bội chi đã vượt mục tiêu đề ra, nợ công cũng tiệm cận mức trần Quốc hội cho phép... là những thách thức đặt ra trong quá trình điều hành chính sách tài khóa 2015.

"Sử dụng hiệu quả tiền thuế của dân"

Từ kinh nghiệm thực tế của chính sách tài khóa năm 2014, chính sách tài khóa năm 2015 hiện đang tập trung vào thực hiện mục tiêu sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo nền kinh tế phát triển bền vững, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Dự toán NSNN năm 2015 được Quốc hội quyết định với tổng số thu cân đối NSNN 911,1 nghìn tỷ đồng, tổng số chi NSNN 1.147,1 nghìn tỷ đồng, bội chi NSNN 226 nghìn tỷ đồng (5,0% GDP).

Theo TS. Trần Văn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, để đạt được mục tiêu này, chính sách tài khóa năm 2015 đang được điều hành theo hướng: Tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách qua việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; Tăng cường quản lý thu, chi ngân sách thông qua kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế, nợ đọng thuế. Đồng thời rà soát, cơ cấu lại, phân bổ các khoản chi ngân sách hợp lý hơn theo các thứ tự ưu tiên chi.

Cũng theo TS. Trần Văn, trong lúc cân đối ngân sách tiếp tục căng thẳng (giá dầu thô diễn biến phức tạp và dự báo sẽ giao động ở mức 50-60 USD/thùng), đảm bảo chi tiêu ngân sách Nhà nước chặt chẽ, căn cơ, “hiệu quả, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật” và theo đúng dự toán được giao. Bên cạnh đó, cần tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công và không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm.

Đồng tình với quan điểm trên, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, chính sách tài khóa năm 2015 cần tiếp tục thực hiện theo hướng thắt chặt, tiết kiệm chi tiêu, cơ cấu lại các khoản chi bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng những hỗ trợ từ phía Nhà nước liên quan đến chính sách thuế đã được mở rộng trong mấy năm qua, việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cắt giảm thuế là khó thực hiện. Do đó, theo TS. Vũ Nhữ Thăng, chính sách hỗ trợ nên chuyển sang hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí cho việc tuân thủ chính sách thuế.

Nhìn xa hơn, TS, Vũ Nhữ Thăng đề nghị cần thực hiện khuôn khổ chi tiêu trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn; Nâng cao chất lượng công tác dự báo thu, khắc phục tình trạng chi vượt dự toán và thực hiện tốt kỷ luật tài khóa. Đối với giá dầu ảnh hưởng tới cân đối ngân sách trong năm tài khóa, TS. Vũ Nhữ Thăng đề nghị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thế giới để có các điều chỉnh chính sách thích hợp. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thu ngân sách, đôn đốc công tác thu nợ, tăng thu nội địa để bù đắp giảm thu ngân sách từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu. Về trung và dài hạn cần rà soát các chính sách thu, nghiên cứu ban hành các chính sách thu nội địa khác như thuế tài sản/thuế bất động sản để giảm sự phụ thuộc của NSNN vào nguồn thu từ dầu, tăng cường sự bền vững của thu ngân sách.

TS. Trần Văn cho hay, ông không quá kỳ vọng vào sự thay đổi “một sớm, một chiều” trong điều hành NSNN, nhưng chắc chắn sẽ phải có những chuyển biến tích cực sau những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. "Năm 2015 là năm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 với kế hoạch tài chính và kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ được xây dựng theo quy trình, chuẩn mực mới, chắc chắn sẽ nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng tiền thuế của dân, chống thất thoát, lãng phí và tiêu cực trong phân bổ nguồn lực vật chất quốc gia", vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhấn mạnh.