“Chạy” quy hoạch, rủi ro khó lường!
Điều chỉnh quy hoạch là công việc rất bình thường của các nhà quản lý đô thị, bởi lẽ cuộc sống thì động mà bản quy hoạch lại tĩnh. Phần nữa, chẳng mấy ai dám tài giỏi nói rằng mọi quy định được nhà quản lý đặt ra vĩnh viễn đúng cho mọi hoàn cảnh.
Thế nhưng, nếu lợi dụng “công việc rất bình thường của các nhà quản lý đô thị” này để “chạy” quy hoạch thì nhiều rủi ro khó lường sẽ xảy ra.
Câu chuyện khu “đất vàng” số 4 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) để không nhiều năm nay là một ví dụ. Các thông tin cho hay, đây vốn là khu đất rộng 4.382m2 của Công ty Cơ điện công trình (MESC).
Ngày 27/8/2003, ban lãnh đạo MESC đã thanh lý hợp đồng thuê 4.382m2 đất giữa MESC với Sở Địa chính - Nhà đất Hà Nội và ký hợp đồng thuê đất mới với mục đích sử dụng làm trụ sở và cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu, cho thuê nhà, dịch vụ vui chơi giải trí...
...Theo đó, MESC chỉ còn sở hữu 281m2, số diện tích còn lại 4.086m2 được chuyển cho Công ty cổ phần Sông Hồng. Cả hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đều có thời hạn sử dụng là 30 năm, kể từ ngày 21/8/2000 đến ngày 21/8/2030.
Sau nhiều lần trao đi đổi lại, hiện giờ toàn bộ khu đất đang thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần Sông Hồng. Chủ đầu tư dự kiến trên khu đất này sẽ xây dựng tòa cao ốc 21 tầng. Tuy nhiên, hiện có thông tin lan truyền trên website rằng, chủ đầu tư đang xin phép để xây dựng tòa nhà cao 45 tầng.
Muốn như vậy là lại phải “chạy” quy hoạch rồi! Đầu tiên là “chạy” thay đổi quyền sử dụng đất để có thể dành một phần làm nhà ở mới có hy vọng sinh lời. Tiếp nữa là “chạy” gia hạn quyền thuê đất vì chỉ còn có khoảng hơn 10 năm nữa là hết hạn. Rồi “chạy” sao cho số tầng càng cao càng tốt để nâng cao hiệu quả đầu tư... Quả là muôn vàn thách thức!
Hôm mới đây, tại diễn đàn Quốc hội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở các đô thị hiện nay còn tùy tiện. Theo ông, điều chỉnh quy hoạch là do những yêu cầu khách quan và chủ quan của các chủ thể liên quan. Điều chỉnh quy hoạch “do Nhà nước yêu cầu, do người dân yêu cầu, do nhà đầu tư yêu cầu”. Tuy nhiên, dư luận xã hội, cử tri và ĐBQH đang rất bức xúc về tình trạng điều chỉnh quy hoạch chạy theo nhà đầu tư, điều chỉnh tùy tiện.
Thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, có nhiều dự án “chạy” quy hoạch cực siêu nên đã tồn tại khá suôn sẻ. Nhưng không vì thế mà từ nay trở đi, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ dễ dàng như trước. Cho nên, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng về rủi ro trong lĩnh vực này.