Chỉ số công khai ngân sách của việt Nam có xu hướng tăng

PV.

Ngày 27/10, Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) và Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về thực hiện luật ngân sách nhà nước 2015” tại Hà Nội.

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá việc thực hiện Điều 15 Luật Ngân sách nhà nước 2015 về công khai ngân sách nhà nước; Chia sẻ nhu cầu thông tin và các ưu tiên trong dự thảo ngân sách nhà nước năm 2017; Đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Theo Báo cáo đề dẫn về công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam và việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 công bố tại Hội thảo, Chỉ số công khai ngân sách của Việt Nam có xu hướng tăng qua các kỳ đánh giá.

Tính công khai của các tài liệu ngân sách (bao gồm 8 loại tài liệu như: định hướng xây dựng ngân sách, dự thảo dự toán ngân sách, dự toán ngân sách, ngân sách công, báo cáo quý (kỳ), báo cáo giữa kỳ (6 tháng), báo cáo cuối năm, báo cáo kiểm toán) đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt là dự toán ngân sách nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua, các báo cáo giữa kỳ và cuối năm.

Năm 2015 cũng là năm đầu tiên Chính phủ Việt Nam công bố bản Sách về ngân sách nhà nước - ấn phẩm này được xem như là bản ngân sách dành cho công dân.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của giới chuyên gia thì mức công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam cần tiếp tục được cải thiện. Dựa trên các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về công khai minh bạch ngân sách, tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tế đề xuất một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, nên ưu tiên những nội dung sau để cải thiện mức độ minh bạch ngân sách, đó là: Công bố dự thảo dự toán ngân sách của cơ quan hành pháp khi dự thảo ngân sách được trình lên Quốc hội; công bố kịp thời báo cáo kiểm toán và báo cáo giữa kỳ.

Thứ hai, tăng cường sự tham gia của công chúng vào quy trình ngân sách.

Thứ ba, củng cố năng lực giám sát thông qua việc thiết lập một bộ phận nghiên cứu ngân sách riêng cho cơ quan lập pháp…