Giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: Tiến độ đã cải thiện rõ rệt
Nghị quyết số 60 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/7.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết, tiến độ giải ngân của các bộ, ngành đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp cho tỷ lệ giải ngân tính chung 9 tháng qua tăng lên rõ rệt.
Chuyển động mạnh 3 tháng gần đây
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư thanh toán trong cả nước đến hết ngày 30/9/2016 gần 142.717 tỷ đồng, đạt 56% dự toán. Như vậy, so với số liệu giải ngân của 8 tháng trước đó (42,9%), tỷ lệ giải ngân của riêng tháng 9 đã tăng thêm hơn 13%. Cụ thể, các bộ, ngành trung ương giải ngân được gần 41.612 tỷ đồng, đạt 60,6% dự toán; các địa phương giải ngân trên 101.105 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán. Về nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), cũng hết ngày 30/9/2016, cả nước thanh toán được trên 17.302 tỷ đồng, đạt 38,8% dự toán.
Có thể thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực vào cuộc ngay khi nghị quyết (NQ) 60 có hiệu lực. Ngoài các quy định chung, các bộ, ngành, địa phương đã tùy vào từng điều kiện cụ thể để có thêm các giải pháp riêng nhằm đạt tỷ lệ cao nhất trong giải ngân vốn đầu tư.
Đơn cử như tại các tỉnh miền núi Lào Cai, Lai Châu, nhiều dự án phải thi công trên địa hình núi cao, hiểm trở, trong khi thời tiết diễn biến phức tạp, không thuận lợi dẫn đến tiến độ thi công, giải ngân dự án không được đảm bảo. Do đó, để thúc đẩy việc thanh toán vốn đầu tư, 2 tỉnh này đã thường xuyên có những cuộc họp với chủ đầu tư, cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn năm 2016. Riêng tỉnh Lào Cai còn bắt buộc tất cả các dự án phải giải ngân tối thiểu đạt 30% kế hoạch vốn giao, tỷ lệ giải ngân chung của chủ đầu tư không được thấp hơn 50% kế hoạch vốn giao.
Tại Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều dự án trọng điểm cũng có những giải pháp riêng song song với những quy định tại NQ 60. Cụ thể, chính quyền thành phố đã tổ chức từng cuộc họp riêng với các chủ đầu tư được giao kế hoạch vốn năm 2016 lớn và cuộc họp riêng với một số chủ đầu tư, UBND quận, huyện có tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài đạt thấp. Tại mỗi cuộc họp đều có lãnh đạo thành phố chủ trì và lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kho bạc Nhà nước Hà Nội.
Lãnh đạo và đại diện các ngành nghe báo cáo những khó khăn, vướng mắc từ các chủ đầu tư, ban quản lý dự án; từ đó đưa ra các biện pháp để khắc phục ngay, giúp cho việc giải ngân được thuận lợi hơn.
Đồng thời, các sở, ngành có lãnh đạo là thành viên tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 đã và đang tích cực triển khai nhiệm vụ theo dõi, kiểm tra tiến độ thực hiện, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Điều chuyển vốn ODA, tăng khả năng hấp thụ
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 9 tháng qua đã có chuyển biến tích cực, nhất là trong 3 tháng 7, 8, 9 khi thực hiện NQ 60. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân được Bộ Tài chính chỉ ra là do việc giao kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 cho các bộ, ngành còn chậm và giao thành nhiều đợt (tháng 8 mới giao kế hoạch đợt 3) dẫn đến việc, các bộ, ngành không chủ động được trong việc thực hiện kế hoạch và giải ngân.
Việc giao kế hoạch vốn ngoài nước không bám sát với nhu cầu giải ngân thực tế. Cụ thể, một số bộ, ngành, địa phương được giao vốn với số kế hoạch lớn nhưng số liệu giải ngân thấp, trong khi một số bộ, ngành, địa phương có nhu cầu và khả năng giải ngân vượt cao so với kế hoạch. Vốn trái phiếu chỉnh phủ giải ngân thấp do một số dự án có kế hoạch năm 2016 được giao rất lớn nhưng hiện đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh dự án nên chưa thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng và phát triển, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ trình cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn ngoài nước (ODA) năm 2016 của các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở nhu cầu và khả năng giải ngân của các dự án.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo sớm giao nốt kế hoạch vốn TPCP năm 2016 theo nghị quyết của Quốc hội.