Tổng cục Thuế:

Mạnh tay xử lý doanh nghiệp mua, bán hóa đơn bất hợp pháp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Để ngăn chặn tình trạng các tổ chức mua bán hóa đơn bất hợp pháp, kịp thời phát hiện sai phạm, Tổng cục Thuế tiếp tục có văn bản chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm về mua bán, in, phát hành quản lý và sử dụng hóa đơn hàng hóa, dịch vụ.

Tình trạng bán hóa đơn bất hợp pháp đang gây thất thu lớn cho NSNN.
Tình trạng bán hóa đơn bất hợp pháp đang gây thất thu lớn cho NSNN.

Hóa đơn “lậu” làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng

Theo Tổng cục Thuế, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập doanh nghiệp (DN), cơ chế tự khai tự nộp thuế, cơ chế DN tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn… để thành lập DN hoặc mua bán DN với mục đích in, phát hành và mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

Các vụ buôn bán hóa đơn lậu quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi với số lượng lên đến hàng trăm tỷ đồng ngày một nhiều.

Mới đây nhất, ngày 11/10, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định đối với 18 DN (bên mua) sử dụng 349 tờ hóa đơn của DN bỏ trốn, với tổng số tiền trên 201,6 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) trên 19,7 tỷ đồng, có dấu hiệu của việc mua bán hóa đơn, vi phạm pháp luật.

Trước đó, vào ngày 10/8, thông qua các chứng cứ được cung cấp từ cơ quan thuế, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 3 bị can bắt giam Hoàng Lệ Hằng, Vũ Kim Oanh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn An Tuấn (ở quận Hai Bà Trưng) để điều tra về tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” với số tiền lên tới gần 1.000 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế yêu cầu ngay trong tháng 10/2016, 63 cục thuế thành lập 63 tổ chuyên trách thực hiện việc phân tích, lựa chọn tối thiểu 20 DN có rủi ro cao về in, phát hành, mua bán và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để tổ chức kiểm tra.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 6/2014 đến khi bị bắt, nhóm đối tượng này đã xuất khống hóa đơn với tổng giá trị trên 780 tỷ đồng của hơn 33 công ty “ma” với 3.150 hóa đơn cho khoảng trên 500 công ty, gây thất thu thuế khoảng trên 78 tỷ đồng cho ngân sách.

Giữa tháng 6/2016, Phòng Cảnh sát kinh tế, công an TP. Đà Nẵng đã ra quyết định khởi tố 7 đối tượng, trong đó có Trần Thị Anh, Võ Ngọc Quý và một số đối tượng khác về hành vi  lập công ty “ma”, “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước”, chiếm đoạt trên 160 tỷ đồng.

Tiêu chí nhận dạng doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp

Để ngăn chặn và phát hiện các hành vi mua bán, in và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, căn cứ vào Thông tư 39/2014/TT-BTC, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế, chi cục thuế lưu ý các tiêu chí nhận dạng DN có khả năng in, phát hành, bán hóa đơn bất hợp pháp. Đó là: Các cơ sở mới thành lập (hoạt động dưới 12 tháng) có một trong các dấu hiệu: Không đóng góp vốn điều lệ theo quy định, đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, chủ DN đăng ký kinh doanh tại địa phương khác nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Các DN có doanh thu lớn nhưng kho hàng không tương xứng (hoặc không có kho hàng hóa), không có xưởng sản xuất, lực lượng lao động không tương xứng (dưới 10 lao động).

Các DN xin ngừng nghỉ, bỏ kinh doanh, tạm ngừng, có công văn giải thể sau đó xin hoạt động trở lại, thay đổi người đại diện trước pháp luật, thay đổi trụ sở kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý thuế. Các DN mua bán, sáp nhập với giá trị dưới 100 triệu đồng.

Các DN nhỏ, DN vừa có doanh thu đột biến tăng (từ 50% trở lên) nhưng số thuế GTGT phát sinh nộp thấp. Các DN có số lượng hóa đơn sử dụng trong kỳ tăng đột biến so với lượng hóa đơn sử dụng bình quân các kỳ trước (tăng 2 đến 3 lần).

Các DN không có thông báo phát hành hóa đơn, hoặc có thông báo phát hành nhưng không có báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn (hoặc chậm báo cáo). Các DN có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2.000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn đã sử dụng.  Các DN không nộp báo cáo tài chính, hoặc có nộp nhưng thu nhập chịu thuế trong kỳ phát sinh thấp (dưới 100 triệu đồng).

Giám sát chặt chẽ hoạt động của DN

Tổng cục Thuế yêu cầu các chi cục thuế, báo cáo tình hình và diễn biến DN có rủi ro về in, phát hành, bán hóa đơn bất hợp pháp đến HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, công an phường, xã và đề nghị phối hợp giám sát quá trình hoạt động kinh doanh của các DN này.

Các chi cục thuế phân công cho công chức phòng kiểm tra, đội điểm kiểm tra thuế và đội thuế liên phường, xã theo dõi địa bàn danh sách DN cụ thể, yêu cầu lập hồ sơ quản lý, tiến hành xác minh địa điểm kinh doanh, giám sát quán trình hoạt động kinh doanh và kê khai nộp thuế của DN này.

Các cục thuế, chi cục thuế căn cứ cơ sở dữ liệu về khai thuế, sử dụng hóa đơn, tài khoản giao dịch và các giao dịch đáng ngờ tập trung phân tích dấu hiệu vi phạm đối với DN có tên trong danh sách rủi ro về mua bán hóa đơn bất hợp pháp để có giải pháp kịp thời tổ chức kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế khi có dấu hiệu bất thường qua kiểm tra, rà soát tại cơ quan thuế. Đối với trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý theo pháp luật.