Doanh nghiệp là động lực cho tăng trưởng
Khu vực doanh nghiệp trong nước hoạt động hiệu quả sẽ kéo cả nền kinh tế vào guồng máy tăng trưởng.
Theo tính toán của Cục Phát triển doanh nghiệp (DN), Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ thuế, trên tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh. Như vậy tỷ lệ giữa DN thực sự hoạt động so với DN đăng ký là 61,5%. Con số của năm nay tuy chưa phải cao, song đã là cải thiện hiếm hoi nếu tính trong cả quãng thời gian từ năm 2005 tới nay.
Động cơ ì ạch
Cụ thể là tính trung bình giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ giữa các DN đăng ký và DN thực sự đi vào hoạt động trong năm chỉ đạt 45%. Cá biệt, có những năm tỷ lệ này đạt rất thấp, ví dụ như năm 2009 là 35,2% hoặc năm 2012 là 32,7%. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đó, cho thấy sự cần thiết phải có các hoạt động hỗ trợ nhằm nuôi dưỡng DN đã đăng ký đi vào hoạt động và duy trì một cách bền vững để có đóng góp thực sự cho nền kinh tế.
TS. Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê đã phác thảo kỹ hơn về thành tựu phát triển DN kể từ năm 2000, sau khi Luật DN thống nhất được ban hành.
Theo đó, DN lớn mạnh không ngừng cả về quy mô và tốc độ phát triển. Số DN thực tế hoạt động năm 2014 là trên 400.000 DN, gấp 10,4 lần năm 2000, bình quân tăng 18,2%/năm. Tổng số vốn cho sản xuất kinh doanh năm 2014 của DN đạt 20,75 triệu tỷ đồng, gấp 19,1 lần năm 2000, bình quân tăng 22,5%/năm và là chỉ tiêu tăng nhanh nhất trong các chỉ tiêu về phát triển DN.
Cũng trong cùng khoảng thời gian trên, doanh thu tăng 17,2 lần, bình quân tăng 22,5%/năm; lợi nhuận tăng 13,6 lần, bình quân tăng 20,5%/năm; đóng góp cho ngân sách Nhà nước của lực lượng DN tăng 11,6 lần, bình quân tăng 18,7%/năm; số lao động thu hút tăng 3,7 lần, bình quân mỗi năm tăng 9,7%...
Nếu chỉ nhìn trên tăng trưởng bề nổi, thành tựu phát triển DN có vẻ không có điểm nào đáng quan ngại. Song ông Thuý cho biết, số lượng DN và lao động của các DN có quy mô lớn đã giảm dần theo thời gian, trong khi cho tới nay các DN lớn vẫn là lực lượng đầu tư nhiều vốn, tạo ra nhiều lợi nhuận và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo về số lượng và số lao động nhưng quy mô vốn nhỏ, tạo ra lợi nhuận thấp, đóng góp không nhiều cho ngân sách Nhà nước.
Điều đáng ngại khác là trình độ công nghệ của các DN ngành chế biến chế tạo có xu hướng kém đi theo thời gian. DN có trình độ công nghệ thấp chiếm áp đảo với tỷ lệ 57,3% số DN; trình độ trung bình chiếm 30,2% số DN. Hai loại hình công nghệ này có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi đó các DN công nghệ cao kinh doanh hiệu quả hơn nhưng lại có tỷ lệ số DN, lao động giảm trong 15 năm qua.
Xốc lại để kéo guồng máy tăng trưởng
Bức tranh DN cho thấy một nguồn lực lớn cho tăng trưởng kinh tế đã được khai thác song chưa hiệu quả. Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra một kịch bản tích cực khi lực lượng DN được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển, theo đó sẽ giải phóng một nguồn lực lớn, kéo cả nền kinh tế vào guồng máy tăng trưởng.
Cụ thể, với mục tiêu có 1 triệu DN thực sự đi vào sản xuất kinh doanh và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới. Các DN này sẽ tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất qua chuyển dịch kinh tế ngành.
Với quy mô vốn đăng ký bình quân của DN hiện nay là 7,5 tỷ đồng, sẽ có ít nhất 3,07 triệu tỷ đồng (136,7 tỷ USD) được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh. Nếu con số này được hiện thực hóa trong 4 năm tới, mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ USD được các DN trong nước đăng ký đưa vào sản xuất kinh doanh, trong đó chưa bao gồm số tăng vốn của các DN hiện tại.
Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015 và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm. Con số này càng có ý nghĩa hơn khi các nguồn lực cho phát triển từ nguồn vốn ODA ngày càng thu hẹp. Với mức nộp ngân sách Nhà nước của một doanh nghiệp nhỏ và vừa trung bình đạt khoảng 0,5 tỷ đồng/năm thì 410.000 DN mới thành lập và đi vào hoạt động sẽ hình thành một cơ sở nguồn thu thuế mới vô cùng quan trọng trong trung hạn.
Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thành lập và đi vào hoạt động, dự báo tới năm 2020 sẽ có thêm khoảng 7 triệu việc làm mới được tạo ra bởi các DN, đóng góp quan trọng cho việc mở rộng số lượng lao động trong khu vực chính thức.
Theo một số nghiên cứu ban đầu, hiện nay thu nhập tại khu vực phi nông nghiệp cao gấp 3,2 lần khu vực nông nghiệp (4,8 triệu/năm so với 1,5 triệu/năm). Như vậy tổng thu nhập tăng thêm của người dân nhờ quá trình chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp thuần túy sang khu vực DN trong 4 năm tới dự kiến là 22.400 tỷ đồng.
Với 1 triệu DN được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng ngàn chủ DN, nhà quản lý DN, nhà đầu tư vào các DN… Điều này hỗ trợ cho việc hình thành một tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu này sẽ có mức chi tiêu và tiêu dùng cao hơn và góp phần trực tiếp cho việc mở rộng tiêu dùng – cũng đang được coi là một động lực quan trọng cho tăng trưởng.