Chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì tích cực


Theo đánh giá của Viện Kinh tế Mastercard, bất chấp giá cả leo thang, chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì tích cực.

Chi tiêu tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương duy trì tích cực Báo cáo "Chuyển đổi Ví tiền: Thói quen chi tiêu mới của người tiêu dùng" do Viện Kinh tế Mastercard vừa công bố, cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch quốc tế sau khi mở cửa biên giới, bất chấp việc chi phí di chuyển bằng đường hàng không tăng cao. Xu hướng này đặc biệt đáng chú ý tại các thị trường như Singapore và Úc, với nhu cầu vốn tồn tại mạnh mẽ ngay cả khi đã nới lỏng các hạn chế ban đầu.

Tương tự, việc chi tiêu cho trải nghiệm vẫn đang tiếp tục vượt qua các chi tiêu cho hàng hoá, và được phản ánh thông qua những thói quen chi tiêu cho dịch vụ ăn uống hoặc giải trí.

Theo Viện Kinh tế Mastercard, người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn đặt đồ ăn từ nhà hàng - cả trực tiếp hoặc trực tuyến – thay vì tự nấu ăn tại nhà. Chi tiêu cho việc ăn uống tại nhà hàng đã tăng lên 16% vào tháng 8 năm 2022 so với hồi tháng 1 năm 2022, trong khi chi tiêu tại các cửa hàng bách hóa giảm 5%.

“Người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đang tìm cách bù đắp cho khoảng thời gian đã mất trong những năm đầy thử thách vừa qua. Nhu cầu du lịch đến các địa điểm mới và có những trải nghiệm mới bị dồn nén, tác động mạnh mẽ đến hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. Với sự ưu tiên hiện tại dành cho các hoạt động nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải trí và trải nghiệm, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy được sự phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực du lịch và giải trí” - theo ông David Mann, Nhà Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông - Châu Phi của Mastercard.

Ông David Mann cũng cho biết thêm, “Ngoài ra, chúng tôi còn nhìn thấy những cơ hội mới được mở ra đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, do sự phân bố thời điểm chi tiêu cho mua sắm và trải nghiệm không còn chỉ tập trung vào dịp cuối tuần. Khi mua sắm trực tuyến và làm việc từ xa tiếp tục tác động đến những thói quen hàng ngày, người tiêu dùng sẽ điều chỉnh lại cách thức chi tiêu để phù hợp với nhịp sống đang thay đổi”.

Theo Viện Kinh tế Mastercard, các phát hiện chính bao gồm: Bất chấp tình trạng thiếu nhân sự và giá dầu thô tăng cao dẫn đến việc tăng giá vé máy bay, chi tiêu cho du lịch và trải nghiệm vẫn duy trì mạnh mẽ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đơn cử như Singapore có nhu cầu di chuyển quốc tế cao nhất trong khu vực, với lượng đặt vé máy bay tính đến tháng 6 năm 2022 cao hơn 10% so với năm 2019, bất chấp những thách thức gia tăng về logistic và áp lực giá cả.

Tại Úc, lượng đặt vé máy bay chặng dài tăng 92% vào tháng 8 năm 2022 so với cùng kỳ năm 2019, và lượng đặt vé máy bay chặng ngắn tăng 155%.

Chi tiêu của người tiêu dùng ở khu vực ASEAN cho thấy sự phục hồi trong các danh mục chính, bao gồm bán lẻ, du lịch và giải trí, với chi tiêu bán lẻ tính đến tháng 6 năm nay tăng trưởng gấp 1,5 lần so với trước đại dịch.

Trên toàn thế giới, các doanh nghiệp lớn đang giữ ưu thế vượt trội hơn trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số so với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Mặc dù vậy, các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến nhỏ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang tìm cách để phát triển.

Tại Singapore, các dịch vụ kinh doanh trực tuyến quy mô nhỏ như dịch vụ gia sư, chăm sóc sức khoẻ và chăm sóc cá nhân đã tăng trưởng 3,5 lần so với năm 2019.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa các doanh nghiệp trực tuyến quy mô lớn và nhỏ thể hiện đặc biệt rõ trong lĩnh vực bán lẻ tại các nền kinh tế phát triển hơn. Tháng 8 năm 2022, doanh số thương mại điện tử của các doanh nghiệp lớn tại Singapore đã tăng 200% so với năm 2019, và tăng 59% đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn. Tương tự tại Úc, các doanh nghiệp lớn đạt mức tăng trưởng 93%, so với mức 24% ở các doanh nghiệp trực tuyến nhỏ...

Ngoài ra, người tiêu dùng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã không còn những ngày cố định để chi tiêu. Xu hướng làm việc tại nhà và chuyển đổi số đã làm mờ đi các ranh giới truyền thống: một buổi hẹn hò có thể diễn ra vào bất cứ ngày nào trong tuần, và hoạt động mua sắm không còn chỉ giới hạn vào dịp cuối tuần. Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề nhân sự và chuỗi cung ứng đối với các nhà bán lẻ, nhà hàng và các doanh nghiệp.

Thay vì hòa vào các đám đông vui chơi dịp cuối tuần, sang năm 2022, người tiêu dùng ở Malaysia, Singapore và New Zealand lựa chọn mua vé trong tuần tại các rạp chiếu vắng khách hơn vào thứ Hai và thứ Ba.

Đối với các hoạt động chi tiêu cuối tuần thông thường, ranh giới mờ nhạt này cũng dễ thấy tại các trung tâm thương mại. Tại Hong Kong, tỷ trọng chi tiêu vào các ngày thứ Bảy và Chủ Nhật tại các trung tâm thương mại đã giảm lần lượt 1,22% và 1,42% so với năm 2019, trong khi chi tiêu vào các ngày thứ Ba lại tăng đến 2,84%.

Hiệu ứng tương tự cũng được diễn ra tại đất nước ưa chuộng bán lẻ - Singapore, với chi tiêu tại các trung tâm thương mại lần lượt giảm 2,80% và 2,46% vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy, nhưng lại tăng 1,87% vào các ngày thứ Năm.

Ngược lại, mức độ chi tiêu tại các địa điểm ăn uống các cuối tuần lại bùng nổ, với mức thay đổi mạnh mẽ vào các ngày thứ Bảy, tăng 2,75% tại Hong Kong, 2,10% tại Malaysia và 1,80% tại Singapore.

Theo Hoàng Lan/congthuong.vn