Chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự giảm thiểu tổn thất từ tai nạn giao thông


Thời gian qua, chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được thực hiện đã góp phần giảm thiểu những tổn thất do tai nạn giao thông gây ra, tăng cường trật tự và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã sớm được Chính phủ quy định triển khai. Từ năm 1988, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm này là bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành Nghị định số 30/HĐBT ngày 10/3/1988, Nghị định số 115/1997/NĐ-CP ngày 17/12/1997 để quy định cụ thể.  

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 10 năm qua, số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu; đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ.

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũng được quy định là một trong số các loại hình bảo hiểm bắt buộc tại Điều 8 Luật kinh doanh bảo hiểm. Ngày 16/9/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2008/NĐ-CP về chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới.

Sau 12 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã góp phần giảm thiểu những tổn thất do tai nạn giao thông gây ra, tăng cường trật tự và bảo đảm an sinh xã hội.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hơn 10 năm qua, số lượt xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới lên đến trên 110,3 triệu (trong đó, số lượt xe máy vào khoảng 93,5 triệu); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ (trong đó có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).

Ngoài thực hiện bồi thường bảo hiểm theo hợp đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn đóng góp doanh thu từ loại hình bảo hiểm này vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới nhằm thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và chi cho các mục tiêu khác như: đề phòng, hạn chế tổn thất; tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông và chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới…

Hơn 10 năm qua, Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới đã thực hiện chi hỗ trợ nhân đạo 20 triệu đồng/người cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm. Đến hết năm 2019, Quỹ đã hỗ trợ xây dựng 75 công trình đề phòng hạn chế tổn thất tai nạn giao thông tại hơn 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với số kinh phí tài trợ trên 90 tỷ đồng.

Thực tế triển khai cho thấy, chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã thể hiện rõ ý nghĩa nhân đạo của chính sách, kịp thời hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhanh chóng khắc phục tổn thất về người và tài sản, giúp không chỉ nạn nhân mà còn chủ xe, người điều khiển xe nhanh chóng ổn định cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.