Chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh mới

TS. Nguyễn Thị Kim Chi - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Nguồn nhân lực là một trong những nguồn lực có vai trò quyết định đối với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Với phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, chất lượng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay tương đối thấp. Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như yêu cầu phát triển dài hạn đòi hỏi cần nâng cao cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, thời gian qua, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bài viết đánh giá thực trạng chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực cho khu vực doanh nghiệp này trong thời gian tới.

Thực trạng chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kết quả đạt được

Trước năm 2017, Chính phủ đã ban hành một số nghị định, quyết định quy định về kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV như: Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/04/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện quy hoạch nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 13/8/2014 của liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các DNNVV...

Năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DNNVV số 04/2017/QH14. Theo đó, Điều 15 của Luật quy định các nội dung về hỗ trợ phát triển nhân lực cho DNNVV như: Được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng NSNN về khởi sự kinh doanh và quản trị DN, đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DNNVV; Nhà nước tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo trực tuyến, chương trình đào tạo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác cho DNNVV; hỗ trợ hoạt động đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2018/Đ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Trong đó, quy định rõ về việc hỗ trợ đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho các DNNVV như: NSNN hỗ trợ tối thiểu 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị DN cho DNNVV; Học viên của DNNVV thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, DNNVV do nữ làm chủ được miễn học phí tham gia khóa đào tạo…

Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV. Thông tư quy định rõ về mức hỗ trợ từ NSNN và nội dung các khóa học và đào tạo để hỗ trợ DNNVV, cụ thể:

- Mức hỗ trợ từ NSNN trong tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh tối đa là 100%, quản trị DN cơ bản tối đa là 70% và quản trị DN chuyên sâu là 50%.

- Các khóa đào tạo trực tiếp tại DN sản xuất: Tổng chi phí tổ chức khóa đào tạo trực tiếp tại DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ từ NSNN là tổng các khoản chi phát sinh thực tế gồm: chi phí chiêu sinh, gọi điện thoại, gửi thư mời, đăng thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, chi thuê hội trường, phòng học, máy chiếu, thiết bị phục vụ học tập; chi điện, nước, vệ sinh, trông giữ xe. Các chi phí này được chi trả từ nguồn NSNN - hỗ trợ 50% tổng chi phí tổ chức một khóa đào tạo trực tiếp tại DNNVV hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nhưng không quá 01 lần một năm; phần kinh phí còn lại được chi trả từ các nguồn kinh phí tài trợ, huy động từ DN, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho khóa đào tạo (nếu có).

- Chi phí đào tạo nghề và chính sách hỗ trợ cho lao động trong DNNVV: DNNVV khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 02 triệu đồng/người/khóa học; mỗi người một lần. Ngoài ra, người lao động, cán bộ quản lý của DNNVV được cấp tài khoản, để tham gia học tập tại hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng web hoặc trên thiết bị di động thông minh.

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV đã hướng dẫn cụ thể thêm về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV gồm:

- Hỗ trợ đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh và quản trị DN: Hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khóa đào tạo về khởi sự kinh doanh; tối đa 70% tổng chi phí của một khoá quản trị DN. Miễn học phí cho học viên của DNNVV thuộc địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là DN xã hội khi tham gia khóa đào tạo quản trị DN.

- Hỗ trợ đào tạo trực tuyến về khởi sự kinh doanh và quản trị DN: Miễn phí truy cập; tham gia các bài giảng trực tuyến có sẵn trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến: Hỗ trợ tối đa 70% tổng chi phí của một khóa đào tạo tại DNNVV nhưng không quá 01 khoá/năm/DN; hỗ trợ 100% tổng chi phí của một khoá đào tạo tại DNNVV do phụ nữ làm chủ, DNNVV sử dụng nhiều lao động nữ và DNNVV là DN xã hội nhưng không quá 01 khoá/năm/DN.

- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực trong việc đào tạo nghề: Hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động của DNNVV khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống. Các chi phí còn lại do DNNVV và người lao động thỏa thuận.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả tích cực, chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực đối với DNNVV vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam hiện chưa có một chương trình công cụ thể nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật của lực lượng lao động trong DNNVV. Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu tập trung đào tạo kỹ năng cơ bản cho người mới tham gia thị trường lao động và người thất nghiệp, chứ không phải các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động hiện tại.

Thứ hai, thể chế tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho liên kết, mở rộng quyền tự chủ cho một số lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phối hợp đào tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn thiếu. Nghiên cứu chuyển giao, phối hợp nghiên cứu gắn với những yêu cầu thực tiễn của DN còn ở mức khiêm tốn. Cơ cấu các ngành đào tạo về cơ bản tự phát, chưa có định hướng rõ nét, xu hướng lựa chọn ngành học, chưa chú ý đúng mức đến tiềm năng, kỳ vọng cá nhân, xu hướng phát triển của thời đại và yêu cầu của Đất nước...

Thứ ba, một số văn bản hướng dẫn chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV còn được ban hành chậm; một số quy định hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích DNNVV do mức hỗ trợ còn thấp. Ở một số địa phương, nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV còn hạn chế so với nhu cầu của DN.

Giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhằm hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, từ đó góp phần phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV nói riêng. Cần có chính sách thỏa đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới, nhất là trong những ngành mũi nhọn về công nghệ của quốc gia; nâng cao chất lượng hoạt động của các vườn ươm công nghệ và DN công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở đào tạo về công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng đủ nhu cầu số lượng và chất lượng nhân lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa DN và cơ sở đào tạo; quy hoạch và phát triển đào tạo theo nhu cầu sử dụng của DN và thị trường.

Thứ ba, có cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi, tạo khung pháp lý cho mối quan hệ giữa Nhà trường và DN, giữa đào tạo nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với sản xuất - kinh doanh, trong đó cần quan tâm đến chính sách đầu tư, cơ chế tài chính, tạo động lực cho việc liên kết bền vững. Khuyến khích phát triển thị trường sản phẩm khoa học - công nghệ, ngoài khoa học cơ bản, cần trao quyền tự chủ đối với các lĩnh vực khoa học ứng dụng cho nhà trường, các viện nghiên cứu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động nghiên cứu. Đối với DN, cần chủ động đề xuất nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, lựa chọn các đề tài, dự toán kinh phí, chọn cử cán bộ có năng lực tham gia...

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao; thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu, qua đó, làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Chính phủ có thể xem xét thiết lập một chương trình đào tạo lực lượng lao động dành riêng cho DNNVV. Sáng kiến này phải là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và DN. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học đào tạo về công nghệ; gắn kết chặt chẽ giữa các vườn ươm khởi nghiệp với trường đại học và DN...

Kết luận

Nguồn nhân lực ngày càng chiếm vị trí quan trọng hơn trong mỗi DNNVV. Phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV chỉ có thể thành công thông qua chính sách hợp lý của Nhà nước. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, vấn đề chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV luôn là tâm điểm của Đảng, Nhà nước ta và toàn xã hội.

Hàng loạt chính sách phát triển nguồn nhân lực cho các DNNVV được đưa ra với mục tiêu giải pháp, lộ trình phát triển phù hợp nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực cho các DNNVV có cơ cấu, số lượng, chất lượng hợp lý, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2017), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14:
  2. Chính phủ (2018), Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  3. Chính phủ (2021), Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  5. Phạm Minh Hạc (2012), Về phát triển toàn diện con người thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá, NXB. Chính trị Quốc Gia, Hà Nội;
  6. Ngân hàng Thế giới (2020), Việt Nam Năng động tạo nền tảng cho một nền kinh tế thu nhập cao, Chương trình đối tác chiến lược Australia - Nhóm WB: “Việt Nam 2035: Từ chiến lược đến hành động”.
  7. OECD (2021), Báo cáo chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp tại Việt Nam, https://www.oecd.org/cfe/smes/VN%20SMEE%20Policy%20highlights%20VN.pdf.
 
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023