Chính sách kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia Đông Nam Á và khuyến nghị cho Việt Nam


Mô hình kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia trên thế giới, hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt trước các tác động của con người. Kinh tế tuần hoàn là giải pháp cho cho bài toán giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm. Bài viết phân tích một số chính sách kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore Malaysia và Thái Lan. Qua đó đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn được xem là mô hình kinh tế bền vững, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Kinh tế tuần hoàn được xem là mô hình kinh tế bền vững, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh hiện nay, kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là mô hình kinh tế bền vững, nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang mô hình KTTH là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.

Nếu như mô hình kinh tế tuyến tính chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất, phát thải ra môi trường sau khi đã tiêu dùng thì mô hình KTTH chú trọng đến quản lý, tái sử dụng tài nguyên theo một vòng khép kín. Sự chuyển đổi này diễn ra do nhu cầu sử dụng nguyên liệu thô phục vụ cho các ngành kinh tế ngày càng gia tăng, trong khi nguồn tài nguyên của trái đất đang bị cạn kiệt.

Bên cạnh đó còn là sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ các quốc gia khác, dẫn đến nguy cơ mất sự tự chủ trong quá trình phát triển, làm gia tăng xung đột. Mô hình kinh tế tuyến tính (phát thải khí nhà kính) làm gia tăng quá trình biến đổi khí hậu cực đoan, tác động nghiêm trọng đến môi trường. Ngoài ra, sự chuyển đổi này cũng tạo ra những cơ hội kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp trong các ngành khoa học lĩnh vực đổi mới, thiết kế, tái tạo và sáng tạo.

Với vị trí địa lý gần gũi và những nét tương đồng về kinh tế - xã hội, bài viết này phân tích một số mô hình KTTH tại Singapore, Malaysia và Thái Lan, từ đó đề xuất một số kiến nghị cho hoạt động hoạch định chính sách phát triển KTTH tại Việt Nam.

Chính sách kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia Đông Nam Á

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã và đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng và thực thi chính sách KTTH. Những yếu tố như biến đổi kinh tế toàn cầu, sự biến động trong thị trường lao động, tăng trưởng dân số, sự cạnh tranh quốc tế và các yếu tố địa phương đặc thù đã ảnh hưởng đến quyết định và hiệu quả của các chính sách này. Để đạt được sự ổn định kinh tế và phát triển bền vững, các quốc gia Đông Nam Á đã đưa ra nhiều chính sách KTTH khác nhau. Trong đó, hệ thống chính sách phát triển KTTH đồng bộ nhất ở Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Singapore

Singapore là quốc gia đi đầu khu vực trong xây dựng chính sách chuyển đổi sang mô hình KTTH. Hiện nay, Singapore đang áp dụng một số chính sách và mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Cụ thể như sau:

Một là, triển khai mô hình “Hệ thống quản lý rác thông minh tại Singapore”. Hệ thống này sử dụng công nghệ để theo dõi, thu thập và xử lý chất thải một cách hiệu quả, bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như cảm biến, trí tuệ nhân tạo và hệ thống quản lý thông minh để tối ưu hóa quy trình thu gom và tái chế chất thải. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ tái chế chất thải đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ khoảng 20% vào năm 2000 lên trên 60% vào năm 2020. Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore (NEA) báo cáo mỗi ngày nước này thải ra khoảng 21.023 tấn rác các loại, trong đó 58% lượng rác được đưa đến các nhà máy tái chế, 41% chuyển đến các nhà máy đốt rác phát điện, 2% không đốt được, mang đến bãi chôn lấp Semakau xử lý. Việc đốt rác phát điện giúp Singapore giảm đến 90% lượng chất thải rắn phải chôn lấp, đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng cả nước (Huệ Bình, 2021).

Hai là, “Mô hình 3Rs (3R: Reduce, Reuse và Recycle)” được khuyến khích và áp dụng rộng rãi trên toàn lãnh thổ Singapore. Quốc gia này hướng đến không chỉ một bộ phận dân cư tham gia vào việc giảm thiểu chất thải và bảo vệ môi trường, mà còn muốn tác động đến yếu tố cốt lõi nhất là ý thức của người dân. Thông qua tuyên truyền, vận động và quy định hóa công tác giảm thiểu rác thải bằng mô hình 3Rs ngay từ nguồn, Singapore đã thành công giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác và từng bước thiết lập thành công nền KTTH.

Có thể thấy cách thức thực thi chính sách KTTH tại Singapore dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật và nhận thức của người dân về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường nhằm xây dựng một xã hội không còn rác thải. Tuy nhiên, Singapore vẫn chưa ban hành một luật riêng về KTTH, dẫn tới việc thực hiện còn chưa đồng bộ và đạt hiệu quả tối ưu.

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Malaysia

Malaysia nổi bật trong khu vực chủ yếu nhờ những quy định cụ thể về sản xuất sạch hơn ở cấp độ doanh nghiệp. Tương tự như Singapore, Malaysia vẫn chưa ban hành một luật riêng cho KTTH. Tuy nhiên, các Luật và Đạo luật về quản lý chất thải và bảo vệ môi trường (nổi bật nhất là Đạo luật Quản lý chất thải rắn) đã được thực thi từ năm 2007 và vẫn đang được áp dụng và hoàn thiện bởi Chính phủ nước này.

Hệ thống các Luật và văn bản quy phạm liên quan đến bảo vệ môi trường và sản xuất sạch hơn tại quốc gia này được tổng hợp trong Bảng Các chính sách về bảo vệ môi trường và lưu thông tài nguyên tại Malaysia. (Xem Bảng)

Bảng 1: Các chính sách về bảo vệ môi trường và lưu thông tài nguyên tại Malaysia

STT

Tên văn bản

Năm ban hành

Chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường và lưu thông tài nguyên

1.                   

Đạo luật Chất lượng môi trường

1974

2.                   

Quy định về chất lượng môi trường (chất thải theo lịch trình)

2005

3.                   

Đạo luật quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng

2007

Chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường

1.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Dầu cọ thô)

1977

2.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Cao su thiên nhiên thô)

1978

3.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Không khí sạch)

1978

4.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Nước thải và Nước thải công nghiệp)

1979

5.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Kiểm soát nồng độ chì trong xăng xe máy)

1985

6.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Quản lý Chất làm lạnh)

1999

7.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Quản lý Halon)

1999

8.                   

Quy định về Chất lượng môi trường (Dioxin và Furan)

2004

9.                   

Quy định Chất lượng môi trường (Nước thải công nghiệp)

2009

10.               

Quy định về chất lượng môi trường (Kiểm soát ô nhiễm từ trạm trung chuyển chất thải rắn và bãi chôn lấp)

2009

11.               

Quy định về Chất lượng môi trường (Đánh giá tác động môi trường)

2015

       

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Cột mốc quan trọng và mang tính bước ngoặt trong quá trình xây dựng chính sách KTTH tạiMalaysia là việc ban hành các sáng kiến quốc gia về KTTH. NICE (Network Initiative Circular Economy) là mạng lưới sáng kiến KTTH, cung cấp một lộ trình chuyển đổi để thúc đẩy thực hành tuần hoàn và hiệu quả tài nguyên ở Malaysia. NICE được phát triển thông qua tham vấn rộng rãi với các bên liên quan bao gồm các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội. NICE đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi tuần hoàn, tập trung vào các lĩnh vực chính như sản xuất, nông nghiệp, xây dựng và quản lý chất thải.

Tóm lại, Malaysia đã thúc đẩy KTTH thông qua việc xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn để đánh giá mức độ chuyển đổi tuần hoàn và xây dựng mạng lưới kết nối các bên liên quan, nhằm phát triển KTTH.

Chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Thái Lan

Chiến lược 20 năm Quốc gia của Thái Lan (The 20-Year National Strategy) là một khuôn khổ toàn diện được phát triển để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang KTTH, nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm thiểu phát sinh chất thải và tối đa hóa thu hồi tài nguyên thông qua tái chế và tái sử dụng. Chiến lược nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức xã hội để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ nhất, Chiến lược nhấn mạnh đến việc xây dựng khung chính sách và quy định thuận lợi để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang KTTH. Điều này bao gồm việc xem xét và sửa đổi các luật, quy định và khuyến khích hiện hành để phù hợp với các nguyên tắc KTTH. Chiến lược này nhằm mục đích tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích thực hành tuần hoàn thông qua việc giới thiệu các công cụ kinh tế, ưu đãi thuế và cơ chế hỗ trợ tài chính phù hợp. Chính phủ Thái Lan đã ban hành Luật về Quản lý chất thải, trong đó có quy định về quản lý chất thải và khuyến khích tái chế. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý và giảm thiểu chất thải thông qua các biện pháp như phân loại, tái chế và xử lý chất thải một cách bền vững.

Thứ hai, Thái Lan đã đẩy mạnh hoạt động quản lý và tái chế chất thải nhựa. Theo Heinrich-Böll-Stiftung (2021), một sáng kiến thành công là "Lộ trình Quản lý chất thải nhựa" nhằm giảm thiểu chất thải nhựa và thúc đẩy việc tái chế. Lộ trình này bao gồm các biện pháp như thiết lập các cơ sở tái chế nhựa, khuyến khích sử dụng nhựa tái chế trong sản xuất và tăng cường nhận thức của công chúng về việc giảm thiểu chất thải nhựa. Việc ban hành "Lộ trình Quản lý chất thải nhựa" đã giúp Thái Lan đạt được một số kết quả đáng kể trong việc tái chế và tái sử dụng các sản phẩm nhựa. Theo World Bank Group, (2021), báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Môi trường Quốc tế (WWF) cho biết Thái Lan đã giảm lượng chất thải nhựa đổ vào biển từ 1,03 triệu tấn vào năm 2016 xuống còn 0,27 triệu tấn vào năm 2020, cho thấy những nỗ lực quyết liệt của Thái Lan trong việc giảm thiểu chất thải nhựa thông qua tái chế và tái sử dụng. Còn theo số liệu từ Hiệp hội Tái chế Nhựa Thái Lan, khối lượng nhựa tái chế tại Thái Lan đã tăng từ khoảng 100.000 tấn vào năm 2016 lên đến hơn 300.000 tấn vào năm 2020, cho thấy sự phát triển của ngành Tái chế nhựa trong nước. Có nhiều sản phẩm nhựa tái chế đang được sản xuất và tiêu thụ tại Thái Lan như các loại các túi và bao bì nhựa tái chế đã trở thành một lựa chọn phổ biến trong nhiều cửa hàng và siêu thị. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa tái chế khác như ống nước, pallet nhựa và đồ dùng gia đình cũng đang được sản xuất và sử dụng rộng rãi.

Một số khuyến nghị cho Việt Nam

Trên cơ sở phân tích các mô hình KTTH đã được áp dụng tại Singapore, Malaysia và Thái Lan, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện đồng bộ để thúc đẩy phát triển KTTH, cụ thể như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật. Để phát triển KTTH trước hết cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý nhất là quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối về khâu thu hồi, phân loại và tái chế sản phẩm trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc hoàn thiện và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp môi trường, trong đó khuyến khích phát triển công nghiệp tái chế. Ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường, sản phẩm tái chế cũng như thúc đẩy phát triển thị trường trao đổi sản phẩm phụ, sản phẩm thải bỏ để kết nối chuỗi giữa thải bỏ - tái chế - tái sử dụng để rác thải, chất thải trở thành tài nguyên thứ cấp trong hệ thống vòng kín của chu trình sản xuất mới.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và sinh khối. Việc đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo có thể giúp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon. Cần xây dựng các chính sách khuyến khích và cung cấp hỗ trợ cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và xây dựng lộ trình chuyển đổi công nghệ dựa trên các tiêu chí tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải để tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các thị trường KTTH ở Việt Nam.

Thứ ba, đặc biệt chú trọng quản lý chất thải và tái chế để giảm tác động tiêu cực lên môi trường. Theo đó, cần ban hành các chính sách và quy định về phân loại chất thải, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động tái chế và chế biến chất thải. Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý chất thải hiệu quả, kết hợp công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa quá trình quản lý và tái chế chất thải.

Thứ tư, tăng cường nhận thức và giáo dục cộng đồng thông qua xây dựng chiến lược truyền thông về KTTH. Việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về KTTH đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi tuần hoàn. Cần đưa ra các chương trình giáo dục, thông tin và tư vấn cho cộng đồng, nhà sản xuất và người tiêu dùng về lợi ích của KTTH và cách thức tham gia vào quá trình này nhằm nâng cao nhận thức về trách nhiệm của các bên liên quan đối với các sản phẩm tuần hoàn.

Thứ năm, mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác trong việc phát triển KTTH. Hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sẽ giúp Việt Nam nắm bắt được những tiến bộ mới nhất và áp dụng chúng vào việc phát triển KTTH. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình KTTH hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới.

Kết luận

 Trong bối cảnh hiện nay, phát triển KTTH là sự lựa chọn đúng đắn để hướng đến phát triển bền vững. Việc xây dựng một khung chính sách đồng bộ, hiệu quả cao và sát với nhu cầu thực tiễn là một đòi hỏi tất yếu đối với Việt Nam. Từ kinh nghiệm của Singapore, Malaysia và Thái Lan, Việt Nam nên hoàn thiện khung văn bản pháp lý, thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới hoạt động quản lý chất thải, tăng cường nhận thức của cộng đồng, cũng như hoạt động hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học để góp phần phát triển KTTH như định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn - ICED (2021). Khái niệm kinh tế tuần hoàn. Truy cập tại: https://iced.org.vn/khai-niem-kinh-te-tuan-hoan/
  2. Huệ Bình (2021). “Tuyệt chiêu” xử lý rác của Singapore. Truy cập tại: https://nld.com.vn/moi-truong/tuyet-chieu-xu-ly-rac-cua-singapore-20210615213410924.htm
  3. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (2019). Xử lý rác ở Singapore: 90% rác biến thành điện, 10% trở thành đảo du lịch. Truy cập tại: http://www.vacne.org.vn/xu-ly-rac-o-singapore-90-rac-bien-thanh-dien-10-tro-thanh-dao-du-lich/218386.html
  4. Từ Minh Thuận, Nguyễn Ngọc Duy Phương, Nguyễn Hồng Quân (2022). Đánh giá chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giai đoạn 2000-2022. Tạp chí Kinh tế và Dự báo, 23 (8), 7-11.
  5. Singapore National Environment Agency (2023). Waste Management. Available at: https://www.nea.gov.sg/our-services/waste-management/overview
  6. Heinrich-Böll-Stiftung (2021). Thailand’s Plastic Waste Conundrum. Heinrich-Böll-Stiftung. Available at: https://th.boell.org/en/2021/10/26/thailands-plastic-waste-conundrum
  7. World Bank Group (2022). Thailand Economic Monitor June 2022: Building Back Greener: The Circular Economy. World Bank. Available at: https://www.worldbank.org/en/country/thailand/publication/thailand-economic-monitor-june-2022-building-back-greener-the-circular-economy
  8. World Bank Group (2021). Market Study for Thailand: Plastics Circularity Opportunities and Barriers. In World Bank. Available at: https://www.worldbank.org/en/country/thailand/publication/market-study-for-thailand-plastics-circularity-opportunities-and-barriers
Theo Tạp chí Công Thương