Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp: Kinh nghiệm một số nước và gợi ý cho Việt Nam
Tính đến 2016, Việt Nam có hơn 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp, dự kiến trong những năm tới số doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ tiếp tục tăng nhanh. Kinh nghiệm từ các nước sẽ là những gợi ý hữu ích để các doanh nghiệp phát triển sau bước khởi nghiệp đầy gian nan.
Ở nhiều nước phát triển, Nhà nước tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) trong giai đoạn đầu hoạt động thông qua đầu tư kinh phí để phát triển ý tưởng (khoảng từ 200.000 - 500.000 USD) đến một giai đoạn nhất định, các công ty tư nhân mới tham gia đầu tư.
Bên cạnh đó, tại một số nước, Nhà nước hỗ trợ các DNKN về sản phẩm đầu ra, những sản phẩm từ công nghệ thử nghiệm được Nhà nước ưu tiên mua phục vụ cho lợi ích công cộng… Hình thức hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu thông qua các quỹ hoặc theo vốn đối ứng với nhà đầu tư/quỹ đầu tư tư nhân hoặc thông qua các chính sách miễn, giảm thuế hoặc chính sách tín dụng và một số chính sách khác.
Chính sách ưu đãi về thuế
Thực hiện chính sách miễn giảm thuế đối với các DNKN nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí kinh doanh, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư. Chính sách ưu đãi thuế của các nước thực hiện ưu đãi theo đối tượng hoặc đưa ra các tiêu chí về ngành nghề và thời gian hưởng ưu đãi. Cụ thể:
Các nước thuộc OECD (Economic Co-operation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế): Ưu đãi hoặc giảm thuế được áp dụng trên 3 cấp độ: các doanh nhân, các DNKN và các nhà đầu tư.
Trong đó, ưu đãi thuế đối với doanh nhân bao gồm việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập hoặc giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội. Ưu đãi thuế đối với DNKN bao gồm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc các quy định về khấu hao, lao động trong các doanh nghiệp này được miễn một số khoản đóng góp an sinh xã hội.
Ưu đãi đối với các nhà đầu tư bao gồm miễn thuế một phần lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào DNKN, cho phép bù lỗ đối với các khoản lỗ phát sinh từ việc đầu tư vào DNKN. Bên cạnh đó, một số nước như Hà Lan cho phép giảm thuế thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản lương, thưởng nhận được từ việc nghiên cứu và phát triển (R&D) trong các DNKN.
Singapor: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp được áp dụng cụ thể như sau: Trong 3 năm đầu, các DNKN có doanh thu dưới 100.000 đô la Sing sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh thu từ 100.000 - 300.000 đô la Sing áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 8,5%; doanh thu trên 300.000 đô la Sing áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17%. Các DNKN từ năm thứ 4 trở đi có doanh thu dưới 300.000 sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 8,5%; doanh thu trên 300.000 đô la Sing áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 17%.
Ấn Độ: Những DNKN thông qua đổi mới sáng tạo, đáp ứng các điều kiện là một Startup trong Chương trình hành động của Ấn Độ sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm (đối với các Startup thành lập sau ngày 1/4/2016); miễn thuế đối với thặng dư vốn đầu tư vào các quỹ được chính phủ công nhận, áp dụng đối với cả các Startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được thành lập và đang có ý định mở rộng hoạt động; miễn thuế đối với các khoản đầu tư cao hơn giá trị thị trường trong trường hợp các quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tư vào các Startup cao hơn giá trị thị trường.
Thái Lan, Chính phủ ưu đãi không đánh thuế thuế thu nhập cá nhân trong vòng 10 năm đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào 10 lĩnh vực công nghiệp chủ chốt về công nghệ và sáng tạo gồm: Ô tô thế hệ kế tiếp, điện tử thông minh, du lịch trải nghiệm đa dạng phong phú và du lịch chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và công nghệ sinh học, thực phẩm, rô-bốt công nghiệp, vận chuyển và hàng không, chất đốt sinh học... Ngoài ra, các công ty đầu tư mạo hiểm cũng được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 5 năm đầu.
Australia, để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào DNKN sáng tạo, Chính phủ Australia đã ban hành các chính sách ưu đãi thuế đối với nhà đầu tư như miễn thuế đối với thặng dư vốn đầu tư trong vòng 10 năm đối với những khoản vốn đã đầu tư được ít nhất 12 tháng và cho phép bù trừ thuế không hoàn lại bằng 20% tổng vốn đầu tư, tối đa lên đến 200.000 Đô la trong một năm.
Các ưu đãi này áp dụng đối với nhà đầu tư thỏa mãn 02 điều kiện: đầu tư vào doanh nghiệp đang ở giai đoạn đầu thành lập; và doanh nghiệp phải có liên quan đến sự đổi mới sáng tạo được đánh giá dựa vào 02 bài kiểm tra của Chính phủ hoặc được xác nhận bởi cơ quan thuế Australia.
Trung Quốc: DNKN do sinh viên tốt nghiệp làm chủ trong lĩnh vực tư vấn, thông tin, dịch vụ kỹ thuật, sau khi được cơ quan thuế phê chuẩn thì được miễn thu thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm; trong lĩnh vực giao thông vận tải, thông tấn điện tử được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên, năm thứ 2 giảm ½ thuế thu nhập doanh nghiệp; trong lĩnh vực sự nghiệp công cộng, thương nghiệp, vật tư, thương mại quốc tế, du lịch, kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, sự nghiệp văn hóa giáo dục, vệ sinh được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 1 năm.
Chính sách tín dụng
Chính sách tín dụng tập trung vào các chính sách như bảo lãnh tín dụng và các quỹ hỗ trợ vay vốn đối với các DNKN trong giai đoạn đầu thành lập nhằm giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể:
Bảo lãnh tín dụng: Chính phủ đứng ra bảo lãnh tín dụng cho những DNKN đi kèm các cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu… như chính phủ Hà Lan đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp khởi nghiệp với điều kiện: Doanh nghiệp không thể cung cấp tài sản thế chấp; doanh nghiệp có triển vọng thuận lợi; sử dụng khoản vay đúng mục đích; đảm bảo 25% khoản vay của doanh nghiệp bằng vốn chủ sở hữu.
Cho vay khởi nghiệp: Các nước thuộc OECD cho vay khởi nghiệp được thực hiện thông qua NHNN và các NHTM với khoản cho vay ưu đãi từ 50.000-250.000 EUR đối với một DNKN.
Hỗ trợ thông qua các quỹ như quỹ đầu tư khởi nghiệp; quỹ đầu tư mạo hiểm… Tại các nước thuộc OECD, các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC-Venture Capital) của tư nhân thường tập trung đầu tư vào các giai đoạn sau (từ giai đoạn mở rộng trở đi) để giảm thiểu rủi ro.
Vì vậy, các quỹ VC của nhà nước sẽ tập trung vào giai đoạn ý tưởng, giai đoạn hạt giống và khởi động để bù đắp cho sự thiếu hụt. Mức đầu tư của nhà nước thông qua các quỹ VC khoảng 100.000-2.000.000 EUR đối với một DNKN.
Singapor hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm cho giai đoạn đầu (EVFS - Early-Stage Venture Funding Scheme) được quản lý bởi Quỹ nghiên cứu quốc gia (the National Research Foundation -NRF).
Quỹ là một chương trình đồng tài trợ giữa nhà nước và các nhà đầu tư mạo hiểm, trong đó các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư ít nhất là 10 triệu USD vào DNKN công nghệ, EVFS sẽ đầu tư một số tiền tương ứng, tối đa là 10 triệu USD để đầu tư giai đoạn đầu tiên của DNKN công nghệ; bên cạnh đó, quỹ đầu tư thiên thần do một công ty thuộc Chính phủ Singapor và một nhóm nhà đầu tư thiên thần theo hướng vốn đối ứng vào các DNKN phát triển theo định hướng, sáng tạo với số vốn tối đa lên đến 1,5 triệu USD; Seeds Spring là một công ty đại diện cho chính phủ Singapore cùng với bên thứ 3 độc lập, sẽ đầu tư vào DNKN trong lĩnh vực thương mại với số vốn đầu tư tương xứng, tối đa lên đến 1 triệu USD và vòng đầu tiên của vốn đầu tư thường được giới hạn là 300.000 USD.
Thái Lan, hiện đang có quỹ cạnh tranh để hỗ trợ DNKN ở 5 ngành nghề: Chăm sóc sức khỏe, công nghệ tài chính, công nghệ nông nghiệp, du lịch và công nghệ kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xúc tiến thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp với số tiền 20 tỷ Baht tương đương khoảng 571 triệu USD và sẽ phân bổ 10 tỷ Baht trong năm 2016. Quỹ dự kiến sẽ tài trợ cho 2.500 DNKN nhằm chuyển đổi chiến lược phát triển truyền thống sang mô hình mới hơn để thúc đẩy đổi mới.
Chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua mô hình vườn ươm
Mô hình vườm ươm khá phổ biến trên thế giới và tăng khá nhanh từ 5.000 vào năm 2005 lên khoảng 7.000 vào năm 2012. Hoa Kỳ là quốc gia có số vườm ươm lớn nhất thế giới với 1.250 cơ sở ươm cho 41.000 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2012, các vườm ươm tạo ra 200.000 việc làm và đạt doanh thu trung bình khoảng 15 tỷ USD/năm.
Tại các nước Asean, Thái Lan có 90 vườm ươm, Malaysia có 85 vườm ươm. Nhà nước có vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của các vườm ươm, đặc biệt là những trợ giúp về mặt tài chính, ở nhiều mô hình khác nhau.
Trong đó, nhà nước hỗ trợ trực tiếp thông qua điều tiết ngân sách trung ương và địa phương cho vườn ươm nhằm hỗ trợ các chi phí trong quá trình hoạt động hoặc kết hợp giữa vốn ngân sách và vốn vay ưu đãi từ ngân hàng theo tỷ lệ (60% - 40% hoặc 70% - 30%) (Trung Quốc, Hoa Kỳ); hoặc kết hợp giữa khu vực tư nhân và Nhà nước theo tỷ lệ 50%-50% (Đài Loan) hoặc kết hợp ba cấp ngân sách trung ương (40%) – ngân sách địa phương (40%) – tư nhân (20%) và Chính phủ đầu tư trực tiếp về cơ sở hạ tầng thiết yếu vào các phòng nghiên cứu tại các trường đại học, khu nghiên cứu… (Ấn Độ); thực hiện các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư thành lập vườn ươm (Hoa Kỳ) và trang bị, cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết cho vườn ươm và các hỗ trợ khác cho vườn ươm hoạt động (Hàn Quốc).
Bên cạnh hỗ trợ cho vườn ươm hoạt động, Chính phủ các nước còn có chính sách hỗ trợ DNKN hoạt động trong vườn ươm. Theo đó, các hỗ trợ đa dạng ở các nước, như: Hỗ trợ về giá thuê mặt bằng thấp hơn 10 – 20% so với ngoài hàng rào vườn ươm; cung cấp cơ sở hạ tầng (dịch vụ văn phòng, địa điểm sản xuất, điện, nước, lò sưởi, máy điều hòa, máy in và các thiết bị văn phòng khác) và cung cấp miễn phí các dịch vụ đào tạo thường xuyên, các dịch vụ tư vấn về kế hoạch kinh doanh, tìm kiếm thị trường (Trung Quốc); được hỗ trợ kinh phí hoạt động từ vườn ươm tư nhân (15%) và từ Chính phủ (85%), khoản hỗ trợ này doanh nghiệp phải hoàn trả lại khi hoạt động có lợi nhuận (Israel); hỗ trợ của Chính phủ từ 10-50 nghìn Đô la Úc cho các dự án triển khai tại các vươn ươm có thời hạn tối đa 24 tháng (Úc).
Một số chính sách hỗ trợ khác
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ thông qua thuế, tín dụng, môi trường để cho DNKN (vườn ươm), hỗ trợ doanh nghiệp trong vườn ươm, các hình thức hỗ trợ đa dạng khác (trực tiếp và gián tiếp) thông qua hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho R&D ngay từ giai đoạn đầu cho các sinh viên khi còn đang học trong các trường đại học, đến hỗ trợ về cơ sở hạ tầng… Cụ thể:
Hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ cho các DNKN tiềm năng cao (HPSUs) như tài trợ nghiên cứu tính khả thi của HPSUs góp phần thiết lập các kế hoạch kinh doanh phù hợp với chi phí cấp vốn bẳng 50% chi phí nghiên cứu tối đa lên đến 15.000 EUR (Ireland); hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt dao động trong khoảng 10.000 đến 50.000 EUR để tài trợ cho các trang trải chi phí trong giai đoạn đầu (giai đoạn ý tưởng, giai đoạn hạt giống và giai đoạn khởi động) của các DNKN khi thu nhập do doanh nghiệp tạo ra còn thấp hoặc tài trợ cho các chi phí phát triển sản phẩm mới (OECD); hỗ trợ theo một tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền cần thiết cho hoạt động nghiên cứu tại các DNKN (Singgapor); hỗ trợ bằng tiền mặt lên đến 100 triệu Đài tệ cho hoạt động R&D và hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các DNKN theo từng giai đoạn ý tưởng, nghiên cứu R&D và giai đoạn triển khai (Đài Loan)
Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho DNKN: Chính phủ cung cấp cơ sở hạ tầng như văn phòng làm việc, dịch vụ viễn thông, thiết bị kỹ thuật, dịch vụ văn phòng miễn phí hoặc chi phí thấp hơn so với giá thị trường.
Cơ sở hạ tầng thường có sẵn trong các vườn ươm hoặc trung tâm tài trợ khởi nghiệp cho tất cả các khởi nghiệp ở các ngành, một số ngành được khuyến khích như: Công nghệ nano, công nghệ sinh học, các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ môi trường (OECD). Hoặc Chính phủ khuyến khích các tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp cho DNKN theo hướng ưu đãi, hỗ trợ (Trung Quốc).
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng như: Đơn giản hóa thủ tục pháp lý về đăng ký, về lao động, thanh kiểm tra đối với các startup nhằm giảm bớt gánh nặng pháp lý và chi phí tuân thủ cho Startup để họ tập trung vào kinh doanh.
Trong đó, thiết lập một cơ quan trung tâm (Startup Hub) để thực hiện các mục tiêu kết nối chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài, mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, các ngân hàng, các vườn ươm, các đối tác pháp lý, tư vấn, các trường đại học và R&D (research & development - nghiên cứu và phát triển); cung cấp một ứng dụng di động phục vụ đăng ký thành lập Startup; hỗ trợ pháp lý và cấp bằng sáng chế nhanh hơn với chi phí thấp hơn (Ấn Độ); cấp giấy phép cư trú tạm thời cho các chủ sở hữu DNKN nhằm thu hút hoạt động khởi nghiệp từ các nước khác (Hà Lan, Singapor, Hoa Kỳ).
Một số khuyến nghị
Tính tới 2016, Việt Nam đã có khoảng hơn 1.500 DNKN và dự kiến sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo (theo Techinasia), tỷ lệ DNKN trên đầu người tại Việt Nam là 15 doanh nghiệp/1 triệu dân, nhiều hơn các quốc gia như Indonesia (2.100 DNKN/260,6 triệu dân) tại Indonesia; Trung Quốc ( 2.300 DNKN/1.378,6 triệu dân) và Ấn Độ (7.500 DNKN/1.330,6 triệu dân).
Tuy nhiên sự phát triển của các DNKN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn do một số yếu tố: Cơ chế, chính sách hỗ trợ DNKN thiếu tính đồng bộ và hệ thống, đan xen trong các chính sách chung hoặc chính sách đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động vốn đối với các DNKN còn khó khăn do khung pháp lý và chính sách cho các nhà đầu tư thiên thần cũng như việc hình thành và phát triển quỹ đầu tư mạo hiểm còn sơ khai.
Đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam trong những năm qua không ổn định, thiếu bền vững và phụ thuộc vào nguồn tài trợ nước ngoài; khung pháp lý và chính sách cho việc thành lập cũng như cơ chế vận hành của các vườm ươm vẫn còn những bất cập về nguồn tài chính, phương thức quản lý, các dịch vụ tư vấn… Chính vì vậy, trên cơ sở thực tiễn tại Việt Nam và xu hướng của các nước, cần thiết ban hành các chính sách tài chính để hỗ trợ DNKN, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 35 và thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2020, cụ thể:
Xác định đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung hay chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới(Invation Startup); doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (Tech Startup); doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao (high-potential start-ups – HPSUs).
Chính sách thuế:
Đối với DNKN cho phép miễn thuế thu nhập từ 3-5 năm đầu kể từ khi thành lập doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tiên), sau đó áp dụng mức thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế suất phổ thông hiện hành đang áp dụng đối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với nhà đầu tư/tổ chức đầu tư tại các DNKN: Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các nhà đầu tư được miễn thuế trong trường hợp đầu tư tại thời điểm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa có lợi nhuận tính thuế.
Chính sách tín dụng:
Thành lập các quỹ hỗ trợ cho giai đoạn đầu khởi nghiệp như quỹ Sáng kiến giai đoạn đầu… dành riêng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là các quỹ thuộc sở hữu nhà nước bởi vì theo kinh nghiệm của các nước (Hà Lan, Chi Lê, Australia) giai đoạn đầu khởi nghiệp, đặc biệt là giai đoạn ý tưởng và thử nghiệm sản phẩm mang tính rủi ro cao, các nhà đầu tư bên ngoài rất ít đầu tư vào giai đoạn này.
Thành lập quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp (quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm) theo mô hình hợp tác công tư. Đây là mô hình đầu tư được nhiều nước như Singapor, Hà Lan, Canada, Hàn Quốc… áp dụng. Theo đó, Nhà nước sẽ bỏ một khoản vốn nhất định hoặc đầu tư vào DNKN thông qua các quỹ này theo tỷ lệ vốn đối ứng.
Quỹ đầu tư mạo hiểm: Hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thiên thần thành lập và vận hành các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Trong đó, xem xét miễn thuế, hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp theo lộ trình, miễn/giảm thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập phát sinh khi nhà đầu tư mạo hiểm kết thúc thương vụ đầu tư; nhà nước đầu tư theo hướng vốn đối ứng đối với khoản đầu tư của các quỹ cũng như nhà đầu tư và có kế hoạch thoái vốn cụ thể để tạo điều kiện cho các các nhà đầu tư tư nhân tham gia (sau 05 năm).
Nhà nước ban hành quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp theo hướng tạo khung pháp lý để quản lý, đặc biệt là mức trần đầu tư nhằm bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn.
Thúc đẩy vườn ươm doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tăng tính độc lập và tự chủ tài chính cho vườn ươm. Để vườm ươm công lập hoạt động có hiệu quả thì nhà nước sẽ thực hiện các hỗ trợ ban đầu như cấp đất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành, sau đó để vườm ươm hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Nguồn thu của các vườn ươm bao gồm: Tiền cho thuê mặt bằng, cơ sở vật chất; tiền tư vấn; tiền đầu tư tại các doanh nghiệp ươm tạo được các doanh nghiệp ươm tạo trả khi bắt đầu có doanh thu.
Cơ chế này góp phần tạo động lực thúc đẩy vườm ươm tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp một cách tối ưu để doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng ban hành các cơ chế chính sách cho sự ra đời và phát triển của các vườm ươm tư nhân.
Phát triển thêm các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, chú trọng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Nghiên cứu và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành cho các DNKN, giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội góp phần tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.