Chính sách tài khoá có trọng tâm, trọng điểm góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, thời gian qua, cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá đã thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần giúp cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển, giữ ổn định cho nền kinh tế. Nhờ đó, kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 về những ưu tiên trong điều hành chính sách tài khoá, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế, phí và khơi thông các nguồn vốn trên thị trường tài chính cho các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, thời gian qua, trước những khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 cũng như những tác động đến từ biến động tình hình kinh tế tài chính thế giới và trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, chúng ta đã thực hiện được nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả, linh hoạt có trọng tâm trọng điểm.
Theo đó, quy mô các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm vừa qua lớn chưa từng có, cao hơn nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng với Việt Nam, trong đó, chính sách tài khoá đóng vai trò quan trọng. Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí. Chỉ tính riêng 3 năm (từ năm 2021 đến nay), đã miễn giảm, giãn khoảng 530 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí… Trong năm 2023, ước tính các chính sách đã ban hành giảm, giãn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khoảng 233 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách cải cách hành chính, thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng hoá đơn điện tử, các biện pháp cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế và hải quan. "Đơn cử như trong việc hoàn thuế, Bộ Tài chính triển khai thực hiện khoảng trên 90% các thủ tục thông qua hệ thống điện tử. Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương cho khu vực công, trợ cấp người có công, lương hưu và các chế độ an sinh xã hội khoảng gần 80 nghìn tỷ đồng", Thứ trưởng Võ Thành Hưng chia sẻ.
Đối với thị trường tài chính, Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện thể chế, điển hình là việc tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP với nhiều quy định mới được sửa đổi, bổ sung liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp nhằm củng cố niềm tin các nhà đầu tư vào thị trường, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp phát hành cũng như cùng các nhà đầu tư ngồi lại bàn thảo các giải pháp có thể hoãn nợ và thay đổi các phương thức thanh toán phù hợp. Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đến ngày 31/8/2023, có 44 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng là 115,1 nghìn tỷ đồng, (giảm 61% so với cùng kỳ năm 2022).
Đáng chú ý, trong tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đến ngày 31/8/2023, đã có 46 mã trái phiếu và 08 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch; tổng giá trị giao dịch của thị trường đạt khoảng 10,08 nghìn tỷ đồng; tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 38,4 triệu trái phiếu; khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1,2 triệu trái phiếu/ngày. Kênh giao dịch này góp phần tạo sức thanh khoản cho thị trường, tăng tính công khai minh bạch và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khẳng định, cùng với chính sách tiền tệ, thời gian qua, chính sách tài khoá cũng đã thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, qua đó góp phần giúp cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế, giúp Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới.