TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế:
Chính sách tài khóa được doanh nghiệp, người dân đón đợi vì trực tiếp đi vào cuộc sống
Trước những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ Tài chính được đánh giá luôn đi đầu trong việc đề xuất và thực thi các chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại. Phóng viên Tạp chí Tài chính đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế về vai trò quan trọng của chính sách tài khóa trong thời gian qua.
Phóng viên: Trên góc nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, ông đánh giá như thế nào về những chính sách tài khóa đã được Bộ Tài chính đề xuất các cấp thẩm quyền và tổ chức thực hiện trong thời gian quan, thưa ông?
TS. Nguyễn Minh Phong: Ngay từ những ngày đầu dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, Bộ Tài chính đã quán triệt và đồng hành cùng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng trong công cuộc phòng, chống dịch cũng như phục hồi nền kinh tế hậu COVID.
Trong đó, những giải pháp được Bộ Tài chính thiết kế, tham mưu với Chính phủ liên quan đến việc lập các Quỹ mà điển hình là Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19, cũng như các gói hỗ trợ, trong đó có sử dụng một phần ngân sách nhà nước để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp đã được đón đợi và đánh giá cao. Các giải pháp được Bộ Tài chính thiết kế đã trực tiếp giúp doanh nghiệp và người lao động có thêm các nguồn lực để duy trì việc làm, cũng như duy trì an sinh xã hội, vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Các chính sách tài khóa nhằm ổn định chi phí đầu vào cho doanh nghiệp (như giảm thuế, phí đối với xăng dầu) đã giúp hoạt động sản xuất – kinh doanh phục hồi tích cực. Mới đây nhất, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng đứng ở mức cao, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về giảm kịch khung mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn (Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022) với quy mô dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng. Chính sách đã được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đón đợi và hoan nghênh, vì vừa gián tiếp vừa trực tiếp giảm yếu tố đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả đầu ra của sản phẩm trong bối cảnh lạm phát đang có xu thế tăng cao.
Phóng viên: Thưa ông, những gói hỗ trợ được triển khai kịp thời trong một bối cảnh đặc biệt, khẩn trương và chưa có tiền lệ, qua thực tế triển khai, các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí được Chính phủ, doanh nghiệp đánh giá “rất nhanh, rất kịp thời”. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã làm rất tốt nhiệm vụ, chức năng thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể khẳng định, chính sách tài khóa có vai trò tiên phong và đóng góp lớn nhất cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế cả trong và hậu đại dịch COVID-19.
Các chính sách đi vào thực thi đã được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh và đánh giá rất cao các biện pháp giảm chi phí tài chính, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp cũng như các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với ngân sách nhà nước. Trong đó, điển hình là các chính sách giảm, giãn, hoãn, miễn các loại thuế, phí, các hỗ trợ tài chính khác từ ngân sách nhà nước, cũng như các chính sách của Chính phủ trong quản lý doanh nghiệp và đất đai...
Có thể thấy, đây là một trong những giải pháp được hoan nghênh nhất vì đã trực tiếp đi vào cuộc sống, doanh nghiệp cũng như người dân được trực tiếp thụ hưởng, giúp giảm bớt các khó khăn trong quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh trong thời gian qua.
Trong Phiên họp Ban Chỉ đạo về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tổ chức mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của các bộ ngành, địa phương. Trong đó, một số chính sách về giảm thuế, phí, lệ phí của ngành Tài chính được triển khai rất nhanh, có tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian tương đối ngắn.
Tính đến hết tháng 7/2022, trong số 48 nghìn tỷ đồng đã giải ngân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có 31 nghìn tỷ đồng miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng…
Phóng viên: Trong thời gian tới, việc thực hiện các chính sách vừa phải đảm bảo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời vẫn phải đảm bảo kiểm soát được trường hợp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để gian lận, trục lợi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ngân sách nhà nước. Ông có thể gợi ý một vài giải pháp giúp cơ quan quản lý có thể sửa đổi, bổ sung?
TS. Nguyễn Minh Phong: Rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai, nhằm nâng cao hiệu quả trong tiếp cận và triển khai các gói hỗ trợ trong thời gian tới, việc tổng kết, rà soát và đánh giá lại hiệu quả của các giải pháp nhằm nhận diện và tháo gỡ được những khó khăn, bất cập là rất cần thiết.
Trong đó, thời gian tới, Bộ Tài chính cần thiết kế quy trình giải ngân thuận lợi hơn nữa, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, có thêm các hướng dẫn công khai, thông tin rộng rãi đến doanh nghiệp, người dân, giúp nắm bắt nhanh hơn về quy trình cũng như tự phân biệt được mình thuộc nhóm đối tượng nào để thụ hưởng chính sách.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần bổ sung thêm đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản hồi của người dân, doanh nghiệp, nhằm kịp thời có giải pháp gỡ vướng cũng như giải quyết các vấn đề tố cáo, khiếu nại; đồng thời sớm nhận diện xử lý các thông tin sai lệch, tiêu cực. Tăng cường các cuộc trao đổi trực tiếp với các chuyên gia cũng như các đối tượng thụ hưởng chính sách nhằm cho công tác đánh giá của cơ quan chức năng thu nhận được các ý kiến cần thiết, cũng như các đề xuất hữu ích...
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!