Kịp thời hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước, đảm bảo sát thực tiễn
Việc ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) vừa cụ thể các nội dung Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, vừa kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài chính - NSNN đáp ứng các vấn đề thực tiễn và bối cảnh phát triển mới.

Ngày 07/7/2025, tại TP. Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị thảo luận, xin ý kiến các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN số 89/2025/QH15. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể các nhiệm vụ đã được Quốc hội giao cho Chính phủ tại Luật.
Tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Luật NSNN là một dự án luật quan trọng, có phạm vi rất rộng, tác động tới toàn bộ các ngành, lĩnh vực và các địa phương, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên “vươn mình” của Dân tộc.
Tại Luật này, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết 04 nội dung, giao Chính phủ quy định chi tiết 26 nội dung. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xác định chủ trì xây dựng 03 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 06 Nghị định của chính phủ. Dự thảo Nghị định xin ý kiến tại Hội nghị này là một nghị định với phạm vi quy định chi tiết 20/26 nội dung Quốc hội đã giao Chính phủ, thay thế Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN năm 2015.

Bám sát quy định của Luật, dự thảo Nghị định tập trung giải quyết 3 vấn đề trọng tâm: Một là, quy định chi tiết công tác xây dựng dự toán, chấp hành, quyết toán và công khai NSNN; khắc phục những điểm hạn chế, bất cập để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Luật và phù hợp với thực tiễn. Hai là, việc sử dụng vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ địa phương khác. Ba là, tổng hợp hướng dẫn xây dựng kế hoạch tài chính 05 năm.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm sâu sắc hơn các nội dung cần thiết phải quy định cụ thể tại Nghị định, đề xuất và kiến nghị cụ thể từng nội dung quy định tại các điều, khoản của Nghị định để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý NSNN trong tình hình mới.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Gonzalo Serrano - Phó Trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật NSNN trong thời gian gấp rút. Điều này đã thể hiện sự cống hiến, đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ.
Cho rằng Luật được thông qua là bước đầu tiên, ông Gonzalo Serrano đánh giá, việc hoàn thiện dự thảo nghị định hướng dẫn cũng rất gấp rút. Theo ông, Luật NSNN có hiệu lực ngày 1/1/2026, do đó, cần bám sát các đối tượng được điều chỉnh tại Luật, từ đó xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn dễ hiểu để tất cả các đối tượng đều dễ dàng áp dụng trong thực tiễn.
Đánh giá việc xem xét tham khảo kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết, ông Gonzalo Serrano khẳng định, EU vinh dự đồng hành cùng Việt Nam thông qua Chương trình quản lý tài chính công. EU sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm để hỗ trợ Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật, để Luật NSNN đi vào cuộc sống, tận dụng tối đa đầu tư công và hệ thống thuế công bằng, có nguồn thu bền vững, ổn định hơn để đạt được mục tiêu phát triển.
Tháo gỡ vướng mắc trước đây, phân cấp mạnh mẽ
Giới thiệu về dự thảo Nghị định, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ NSNN (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo Nghị định quy định chi tiết các nội dung từ quy định chung, lập dự toán, chấp hành, quyết toán, công khai NSNN, giám sát cộng đồng, đến việc sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương cho các dự án kết cấu hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi của cấp trên và lập kế hoạch tài chính 05 năm.
Đối tượng áp dụng Nghị định bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập, và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến NSNN.
Theo ông Tân, dự thảo Nghị định đã sửa đổi, hoàn thiện quy định về bội chi ngân sách. Trong đó, làm rõ xác định bội chi ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cấp tỉnh. Điểm mới tại dự thảo quy định ngân sách địa phương cấp tỉnh được phép bội chi nhưng phải đáp ứng điều kiện chặt chẽ (phạm vi Quốc hội quyết định, chỉ cho đầu tư phát triển trung hạn, không phát sinh nợ quá hạn).
Trong tổ chức điều hành NSNN, dự thảo Nghị định làm rõ quy trình tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác khi thiếu hụt tạm thời (thời hạn hoàn trả 12 tháng). Trong sử dụng dự phòng NSNN, dự thảo bổ sung quy trình xử lý đề xuất bổ sung dự toán từ dự phòng.

Tại dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định thẩm quyền HĐND cấp tỉnh được quyết định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách địa phương trong phạm vi được giao. Đối với giao dự toán NSNN, dự thảo Nghị định quy định, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi chi tiết theo lĩnh vực cho từng Bộ, địa phương (bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên cho giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số). Bộ Tài chính giao chi tiết nhiệm vụ thu, chi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chức năng quản lý ngành...
Thảo luận tại Hội thảo, đại diện các bộ, ngành, địa phương đều đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời Luật NSNN cũng như dự thảo Nghị định hướng dẫn.
Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong xây dựng Luật, Nghị định, đại diện lãnh đạo Sở Tài chính Vĩnh Long cho rằng, Luật đã sửa đổi cơ bản triệt để những vướng mắc trước đây, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương. Các nội dung được sửa đổi rõ ràng, mở ra nhiều nội dung cho địa phương thực hiện như: quy định về quỹ tài chính, tạm ứng quỹ tài chính cho dự án quan trọng, gỡ nhiều điểm vướng trước đây...
Theo ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật NSNN với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung. Bộ cũng tham mưu xây dựng ngay nghị định hướng dẫn Luật theo tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính.
Góp ý cho dự thảo Nghị định, ông Sơn đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể hơn quy định nhiệm vụ chi phát sinh thường xuyên chia đều trong năm để chi; quy trình, trình tự phân bổ vốn đối với dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi xoay quanh các quy định tại dự thảo Nghị định như: cách thức quản lý và hỗ trợ từ NSNN cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện; các quy định liên quan đến phân bổ và giao dự toán; tổ chức thu, chi ngân sách; nguyên tắc, tiêu chí và điều kiện ứng trước dự toán; xử lý chuyển nguồn; trình tự quyết toán của các đơn vị sử dụng ngân sách, các cấp ngân sách; xử lý kết dư ngân sách...