Chính sách tài khóa và tiền tệ đúng đắn có thể “dẫn dắt” nền kinh tế vượt qua khó khăn

Văn Trường (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính về vai trò điều phối quan trọng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế, PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đúng đắn có thể “dẫn dắt” nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Phóng viên: GDP quý I/2023 tăng khoảng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong kịch bản điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng khoảng 5,6%). Ông đánh giá thế nào về những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng?

PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính).
PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính).

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt thấp hơn so với mục tiêu đề ra, nhưng tựu chung lại ở một số yếu tố sau:

Một là, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu do tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới; bất ổn của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và giới đầu tư; cuộc xung đột ở Ucraina và kể cả những ảnh hưởng về chuỗi cung ứng và nhân công hậu COVID-19. Những yếu tố tác động này đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I/2023. Điều này có thể thấy rõ qua số liệu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Hai là, giá dầu thô neo ở mức khá cao và biến động bất thường khiến chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực tăng cao.

Ba là, tuy Việt Nam đã kiềm chế lạm phát khá tốt, nhưng tính chung quý I/2023, lạm phát cao hơn dự kiến (CPI tăng 4,18%; lạm phát cơ bản tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2022). Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức khá cao so với trước đại dịch COVID-19, khiến chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) tăng, khả năng tiếp cận vốn tín dụng cũng khó khăn hơn.

Bốn là, những di chứng bởi COVID-19, các bất ổn của thị trường chứng khoán, thị trường vốn, thị trường bất động sản đã xảy ra từ năm trước tiếp tục gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đáng chú ý là, một số DN đã phải thu hẹp thị trường, sa thải bớt nhân công lao động để tiết giảm chi phí.

Tâm lý không lạc quan về triển vọng kinh tế và thu nhập kỳ vọng giảm cũng khiến một bộ phận không nhỏ người dân tiết giảm chi tiêu. Điều này tác động giảm cầu của nền kinh tế. Những yếu tố này đã được tính đến khi xác định mục tiêu tăng trưởng, nhưng có những biến động khó lường, không như dự báo.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được cấp có thẩm quyền điều hành thời gian qua?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Về cơ bản, cấp có thẩm quyền đã điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thời gian qua khá phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn nước ta.

Về điều hành vĩ mô của Chính phủ, đã có sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt giữa các công cụ chính sách. Đặc biệt, chính sách tài khoá đã phối hợp chặt chẽ, hợp lý và hiệu quả với chính sách tiền tệ để hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ đã góp phần tích cực trong việc kiềm chế lạm phát. Nếu so với những diễn biến lạm phát trên thế giới và những bất ổn của hệ thống ngân hàng ở nhiều nước trên thế giới, thì diễn biến lạm phát ở Việt Nam đã được kiềm chế rất tốt.

Chính sách tiền tệ phù hợp đảm bảo sự hoạt động lành mạnh và có hiệu quả của thị trường vốn, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chính sách tiền tệ phù hợp đảm bảo sự hoạt động lành mạnh và có hiệu quả của thị trường vốn, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Chính sách tài khóa cũng được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí tuy có thu hẹp hơn so với năm 2022 nhưng vẫn duy trì ở một số lĩnh vực đang gặp khó khăn như xăng dầu và một số lĩnh vực sản xuất.

Phóng viên: Tác động của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đến việc hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong thời gian qua thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Chính sách tiền tệ phù hợp đảm bảo sự hoạt động lành mạnh và có hiệu quả của thị trường vốn, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận vốn phát triển sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy đầu tư.

Với nhiều động thái quyết liệt và phù hợp trong thời gian qua, Chính phủ đã đảm bảo những yếu tố then chốt “khơi thông” các kênh huy động vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính sách tài khóa đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng DN phục hồi sản xuất kinh doanh, dần chiếm lĩnh thị trường và phát triển trở lại.

Có thể thấy, các nghĩa vụ thuế đối với DN là khá phù hợp, mức độ điều tiết từ thuế của Việt Nam so với các nước phát triển là tương đối thấp. Đặc biệt, việc tiếp tục duy trì chính sách thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu đã tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho DN.

Bên cạnh đó, chính sách chi ngân sách và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, một mặt tạo tiền đề phát triển kết cấu hạ tầng sớm cho nền kinh tế, còn là “vốn mồi” thúc đẩy các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, để tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới thì cần phát huy hơn nữa vai trò “dẫn dắt” của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ông nhìn nhận thế nào về ý kiến này?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Do có tác động đến các biến số kinh tế vĩ mô quan trọng như: Lạm phát, tiết kiệm, tích lũy, cung và cầu của nền kinh tế, nên hiển nhiên chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đúng đắn có thể dẫn dắt nền kinh tế vượt qua khó khăn.

Tuy vậy, nếu chính sách không phù hợp thì vai trò điều phối, điều tiết thị trường của hai chính sách này có thể có tác động ngược, làm chậm quá trình tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên: Theo ông, trong thời gian tới, việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?

PGS.TS. Lê Xuân Trường: Nguyên lý chung để thành công là cần kết hợp hài hòa cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Đồng thời, phải đảm bảo chính sách có tính ổn định, có thể dự báo và điều chỉnh linh hoạt khi cần thiết trước những diễn biến bất thường do ảnh hưởng của tình hình kinh tế - chính trị thế giới.

Khi điều chỉnh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các điều kiện thực tiễn và đánh giá tác động đến các bên liên quan. Đặc biệt, cần tính toán cả tác động ngắn hạn và tác động dài hạn của các chính sách, tính toán tác động của các chính sách này trong mối cân bằng tổng thể.

Định hướng cụ thể trong thời gian tới, cấp có thẩm quyền có thể nghiên cứu, áp dụng một số chính sách giảm, gia hạn tiền nộp thuế như năm 2022, nhưng xem xét điều chỉnh cho phù hợp hơn trên cơ sở điều kiện thực tế của nền kinh tế năm 2023.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu một số chính sách hỗ trợ tín dụng và chi ngân sách nhà nước cho các đối tượng để tạo điều kiện hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn trong điều kiện hậu COVID-19.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!