Chính sách tài khóa và tiền tệ thế giới năm 2025

ThS. Hoàng Thị Minh Hà Ban Phân tích và Dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Năm 2024, các chính sách tài chính và tiền tệ thế giới có sự thay đổi lớn. Tại Mỹ, chính phủ tiếp tục mở rộng chi tiêu, đặc biệt trong các lĩnh vực quân sự và y tế, dẫn đến thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng cao. Khu vực đồng tiền chung châu Âu thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt nhằm kiểm soát nợ công và lạm phát, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc triển khai các gói kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Nhiều quốc gia bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ, Mỹ và châu Âu bắt đầu giảm lãi suất, trong khi Nhật Bản từ bỏ chính sách lãi suất âm. Triển vọng năm 2025 cho thấy, căng thẳng địa chính trị tiếp tục phức tạp, đặc biệt là từ các cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza. Bên cạnh đó, rủi ro từ biến đổi khí hậu và nợ công gia tăng sẽ là những thách thức lớn cho các nền kinh tế. Tuy vậy, chính sách tài khóa sẽ giữ vai trò điều tiết kinh tế nhiều hơn so với chính sách tiền tệ trong năm tới.

Vài nét về chính sách tài chính tiền tệ thế giới năm 2024

Năm 2024, các chính sách tài chính và tiền tệ thế giới có sự thay đổi lớn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế trì trệ, chịu ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị, thiệt hại từ biến đổi khí hậu, biến động giá cả thế giới. Cụ thể:

Thay đổi về chính sách tài khóa

- Mỹ: Trong năm tài khóa 2024, chính sách tài khóa của Mỹ tiếp tục theo hướng mở rộng, với việc chính phủ gia tăng chi tiêu trong nhiều lĩnh vực. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách liên bang dự kiến đạt khoảng 1.800 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước, theo đó thâm hụt ngân sách của nước này sẽ ở mức 6,4% GDP, nhiều hơn 0,2 điểm % so với năm 2023 . Nguyên nhân chính dẫn đến mức thâm hụt này bao gồm: (1) Viện trợ quân sự nước ngoài: Chính phủ tăng cường hỗ trợ các đồng minh, đặc biệt trong bối cảnh xung đột và căng thẳng địa chính trị gia tăng. (2) Chương trình vay sinh viên: Các khoản vay được mở rộng nhằm hỗ trợ giáo dục và đào tạo. (3) Chi tiêu cho bảo hiểm y tế: Tăng cường ngân sách để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. (4) Chi phí lãi vay nợ công: Lãi suất tăng dẫn đến chi phí trả lãi cao hơn, đóng góp đáng kể vào thâm hụt ngân sách. Mỹ đã ghi nhận mức nợ chính phủ tương đương 122,3% GDP của quốc gia vào năm 2023. Tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP tại Mỹ trung bình là 65,7% GDP trong giai đoạn từ năm 1940 đến 2023, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 126,3% GDP vào năm 2020 và mức thấp kỷ lục là 31,8% GDP vào năm 1981. Theo Trading Economics, tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP của Mỹ dự kiến sẽ đạt 124,3% vào cuối năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất bình quân đối với các khoản nợ chịu lãi của Chính phủ Mỹ vào cuối tháng 3/2024 đạt mức 3,22%, cao nhất kể từ tháng 4/2010 và tăng khoảng 65 điểm cơ bản so với một năm trước. Mức thâm hụt ngân sách cao và nợ công gia tăng đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế Mỹ, hạn chế không gian tài khóa cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các năm tới.

- Khu vực đồng tiền chung châu Âu: Trong năm 2024, khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt nhằm giảm thâm hụt ngân sách và kiểm soát lạm phát. Các quốc gia thành viên được yêu cầu đặt ra các mục tiêu tài khóa cụ thể để giảm nợ công và bảo vệ đầu tư công quốc gia. Việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ tài chính, đặc biệt là những hỗ trợ liên quan đến chi phí năng lượng cao được thực hiện dần trong năm 2024 nhằm giảm bớt áp lực lên ngân sách. Đồng thời, các khoản đầu tư thông qua chương trình Next Generation EU (NGEU) tiếp tục được triển khai, tập trung vào đảm bảo nguồn cung năng lượng và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chiếm khoảng 1% GDP của Eurozone mỗi năm. Trong năm 2024, Đức tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt nhằm kiểm soát nợ công và duy trì ổn định kinh tế. Việc thắt chặt một phần phản ánh tác động của phán quyết của Tòa án Tối cao vào tháng 11 năm 2023, trong đó tuyên bố việc sử dụng các quỹ đặc biệt để tài trợ cho các khoản đầu tư trong nhiều năm liên tiếp là vi hiến. Phán quyết này đã dẫn đến việc cắt giảm 60 tỷ EUR từ Quỹ Khí hậu và Chuyển đổi (KTF) và đóng cửa quỹ hỗ trợ năng lượng . Điều này đã làm giảm đáng kể chi tiêu cho các khoản đầu tư công và các ưu đãi tài khóa cho đầu tư tư nhân của các hộ gia đình và doanh nghiệp nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh. Các kế hoạch gia hạn trợ cấp để giảm chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp đến năm 2030 cũng bị hủy bỏ. Tổng chi tiêu của KTF đã bị cắt giảm một phần tư, xuống còn 1,1% GDP vào năm 2024. Chính phủ Đức đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách, tuân thủ các quy định của Liên minh châu Âu về giới hạn mức thâm hụt cơ cấu ở mức 0,35% GDP trong khi ước tính thực tế đang là 0,6% GDP. Tỷ lệ nợ công của Đức có khả năng tăng nhẹ từ 63,6% GDP vào năm 2023 lên khoảng 64% vào năm 2024. Mặc dù tập trung vào thắt chặt tài khóa, vẫn tồn tại lo ngại về mức đầu tư công tương đối thấp. Nhu cầu đầu tư công mang tính chuyển đổi để giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh dự kiến nước này vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng, dự kiến GDP năm 2024 sẽ không tăng so với năm 2023, cho thấy khả năng xem xét lại các hạn chế tài khóa trong thời gian tới.

- Nhật Bản: Chính sách tài khóa của Nhật Bản có xu hướng mở rộng trong năm 2024 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách lên tới 112,6 nghìn tỷ yên vào ngày 2/3/2024. Trong đó, chi tiêu xã hội chiếm khoảng một phần ba tổng chi tiêu, tăng 2,3% và đạt mức kỷ lục 37,7 nghìn tỷ yên, do dân số già hóa và các biện pháp chống suy giảm tỷ lệ sinh. Chi phí trả lãi và hoàn trả nợ công tăng 7% lên 27 nghìn tỷ yên, chiếm gần một phần tư tổng chi tiêu. Chi tiêu quốc phòng cũng tăng 16,6% lên 7,9 nghìn tỷ yên để đối phó với tình hình an ninh nghiêm trọng hơn. Đến tháng 11/2024, Nhật Bản tiếp tục thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 39 nghìn tỷ Yên (tương đương 250 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp cũng như kiềm chế tình trạng giá năng lượng tăng cao. Ước tính mức thâm hụt ngân sách của nước này sẽ khoảng 3,7% GDP trong năm 2024, đây là mức đã giảm xuống sau mức kỉ lục là 6,4% GDP trong năm 2022. Tuy vậy, nợ Chính phủ trên GDP của nước này tiếp tục ghi nhận mức kỉ lục, lên tới 255,2% GDP năm 2023 và dự kiến sẽ lên tới 268% GDP trong năm 2024.

- Trung Quốc: Chính sách tài khóa của Trung Quốc đã chuyển sang hướng mở rộng trong quý 3 năm 2024, sau khi duy trì trạng thái trung lập trong phần lớn thời gian của năm do chi tiêu chậm. Vào tháng 11 năm 2024, Trung Quốc đã thông qua gói kích thích tài khóa trị giá 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,4 nghìn tỷ USD) nhằm hỗ trợ các chính quyền địa phương tái cơ cấu nợ và thúc đẩy đầu tư công ngay sau gói kích thích tiền tệ. Gói này bao gồm các khoản vay trị giá tối đa 6 nghìn tỷ nhân dân tệ trong vòng 3 năm để giải quyết "nợ ẩn" và hạn ngạch 4 nghìn tỷ nhân dân tệ để phát hành trái phiếu đặc biệt trong vòng 5 năm. Dự báo thâm hụt ngân sách ở mức 7,1% GDP trong năm 2024, tăng so với mức 5,8% của năm ngoái. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định rằng gói kích thích này quy mô qua nhỏ dự kiến cũng không tạo ra tác động đáng kể nào tới nền kinh tế.

Thay đổi về chính sách tiền tệ

- Tại Mỹ: Chính sách tiền tệ tại Mỹ bắt đầu chu kỳ nới lỏng sau thời gian dài thắt chặt. Lạm phát của Mỹ sau khi chạm ngưỡng đỉnh 9,1% trong tháng 6/2022 đã bắt đầu xu hướng giảm, đặc biệt từ tháng 6/2023 trở lại đây, thậm chí chỉ còn 2,5% trong tháng 9/2024 cho thấy kết quả nỗ lực kiểm soát lạm phát của nước này. Theo đó, cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau hơn bốn năm vào ngày 18/9/2024, FED giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất từ mức đỉnh 5,5% xuống còn 5%. Ngay sau đó, trong tháng 11 và tháng 12/2024, FED tiếp tục cắt giảm thêm mỗi lần 25 điểm cơ bản, cho đến hết năm 2024, lãi suất còn 4,5%. Việc cắt giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm chi phí vay mượn, từ đó kích thích chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp tuy vậy cũng làm cho đồng USD suy yếu so với các đồng tiền khác. Việc giảm lãi suất làm giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư và lợi nhuận, từ đó hỗ trợ giá cổ phiếu tăng lên, thúc đẩy thị trường. Chỉ số S&P500 đã vượt ngưỡng 6.000 điểm trong tháng 11/2024, kết thúc năm 2024 với mức tăng trưởng đạt 23,3%, đây cũng là mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của nước này đã tăng trở lại và vượt 4,6% trong tháng 12/2024, vượt mức lãi suất cơ bản. Trong khi đó, với chi phí vay giảm cũng kích thích nhu cầu tiêu của của nước này. Việc FED giảm lãi suất thường mang lại tác động tích cực ngắn hạn đối với thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, về dài hạn, nó có thể tạo ra rủi ro liên quan đến lạm phát, bong bóng tài sản và dòng vốn bất ổn ở các thị trường mới nổi. Các quốc gia cần có chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp để tận dụng lợi ích mà vẫn duy trì ổn định kinh tế.

- Khu vực đồng tiền chung châu Âu: Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở khu vực này giảm mạnh, dẫn đến không gian nới lỏng cho chính sách tiền tệ. Lạm phát của khu vực này đã giảm từ mức 10,6% trong tháng 10/2022 xuống 2,4% trong tháng 11/2023 và dự kiến sẽ chỉ ở mức 2,4% trong năm 2024. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từ tháng 6/2024 đã bắt đầu hạ lãi suất chủ chốt của mình xuống 25 điểm cơ bản, từ mức đỉnh 4,5% xuống 4,25%. Động thái này tiếp tục diễn ra liên tiếp sau đó với 3 lần hạ lãi suất vào các tháng 9, tháng 10 và tháng 12, theo đó, lãi suất cơ bản còn 3,15%. Việc duy trì mức lãi suất cao trong thời gian dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế của khu vực này. Ước tính, tăng trưởng của khu vực đồng Euro chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024 do còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất. Nền kinh tế Đức dự báo không tăng trưởng trong năm 2024 so với năm trước vẫn cần các biện pháp mạnh hơn từ chính sách tài khóa và tiền tệ.

- Nhật Bản: Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Nhật Bản từ bỏ chính sách lãi suất âm khi lạm phát tiếp tục leo dốc. Trong nhiều năm, Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng giảm phát, do đó nước này đã duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng nhằm kích thích lạm phát. Lạm phát của nước này bắt đầu đà tăng kể từ tháng 4/2022 và đạt đỉnh là 4,3% trong tháng 1/2023 và vượt quá kì vọng của nước này là 2%. Lạm phát tăng cao đã tạo ra nhiều áp lực tới tiêu dùng và chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất cũng như làm giảm mức tiền lương thực nhận theo đó, lần đầu tiên sau nhiều năm Nhật Bản thắt chắt tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã đẩy lãi suất ngắn hạn chủ chốt từ mức -0,1% lên 0,1% trong tháng 3/2024 và tiếp tục đẩy lên 0,25% trong tháng 7/2024. BoJ đã quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn chủ chốt ở mức khoảng 0,25% trong cuộc họp cuối cùng của năm, giữ nguyên tại mức cao nhất kể từ năm 2008 và phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Đồng Yên đã có thời điểm ở mức yếu nhất so với đồng USD trong 37 năm khi tỷ giá chỉ là 162 JPY/USD vào tháng 6/2024 nhưng việc điều chỉnh lãi suất đã giúp đồng Yên bắt đầu phục hồi trở lại khi sự chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản đang dần thu hẹp. Sự điều chỉnh này nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế. Đây là một bước đi quan trọng trong việc khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư và người tiêu dùng, đồng thời phản ánh sự thay đổi trong chiến lược tiền tệ của Nhật Bản để đối phó với áp lực lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- Trung Quốc: Nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, nước này đã thực hiện kết hợp nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ. Gói kích thích tiền tệ được coi là có quy mô lớn nhất kể từ sau dịch Covid-19 của nước này đã được đưa ra vào tháng 9/2024. Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hàng thương mại và lãi suất đối với các khoản vay mua nhà thế chấp hiện tại 0,5 điểm phần trăm, đồng thời giảm tỷ lệ trả trước đối với người vay thế chấp mua căn nhà thứ hai từ 25% xuống 15% giá trị căn nhà. Lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày sẽ được giảm từ 1,7% xuống 1,5%. Trong khi đó, lãi suất trung hạn có thể giảm 0,3 điểm phần trăm. Động thái này được cho là sẽ giúp cung cấp thanh khoản khoảng 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (141 tỉ USD) cho thị trường tài chính. Kết quả trong những tháng cuối năm cũng cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường khi chỉ số PMI Sản xuất Tổng hợp Caixin của Trung Quốc đã tăng mạnh lên 51,5 điểm trong tháng 11 tuy nhiên không rõ tác động này có kéo dài khi chỉ số này giảm nhẹ xuống 50,5 trong tháng 12/2024.

Triển vọng năm 2025

Theo các chuyên gia kinh tế, triển vọng kinh tế năm 2025 được dự báo như sau:

Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị trên thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, là một vấn đề đáng lo ngại trong năm 2025.

Bối cảnh địa chính trị thế giới có thể sẽ được đánh dấu bởi sự thay đổi cán cân quyền lực trong nền chính trị toàn cầu. Ngoài ra, những gì diễn ra của hai cuộc xung đột tại Ukraine và Gaza sẽ có ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc tế, vượt ra ngoài khu vực đến cả phương Tây lẫn phương Đông. Xung đột giữa Ukraine và Nga vẫn đang diễn biến phức tạp và đang mở rộng trong năm 2024 trong khi căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng cho thấy một số dấu hiệu không tốt. Căng thẳng địa chính trị vẫn sẽ tiếp tục là một nhân tố gây bất ổn cho kinh tế, chính trị thế giới, với những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, rủi ro từ biến đổi khí hậu tiếp tục gây áp lực đến tăng trưởng tại nhiều quốc gia.

Biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và khó lường. Năm 2025 được dự đoán là một trong ba năm có thời tiết nóng nhất trong bối cảnh xu hướng nóng lên toàn cầu không có dấu hiệu chậm lại (Theo Cơ quan khí tượng Anh). Dự báo này càng làm dấy lên lo ngại về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Một số nghiên cứu cảnh báo Dòng Hải lưu Kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC) có thể sụp đổ từ năm 2025, dẫn đến khí hậu Trái Đất rơi vào hỗn loạn, với sự gia tăng của các cơn bão và hiện tượng thời tiết cực đoan. Dự báo cho thấy hiện tượng La Nina có thể xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, với khả năng chuyển sang trạng thái trung tính ENSO vào khoảng tháng 3-5/2025, ảnh hưởng đến các mô hình thời tiết toàn cầu.

Thứ ba, rủi ro từ những biến động về chính sách hợp tác giữa các quốc gia.

Một ẩn số rất lớn đến từ sự thay đổi chính sách gây ra bởi tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 1/2025. Trước sự kiện này, nhiều tổ chức quốc tế và trong nước đã đưa ra những dự báo về chủ trương, cách thức điều hành nước Mỹ của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ông Trump dự kiến tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và rút lại các hoạt động của Mỹ trong nhiều Hiệp định chung có thể sẽ gây ra các áp lực đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Chính quyền Trump có thể tiếp tục áp dụng các mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia nhằm giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ ngành công nghiệp trong nước như đã từng thực hiện trước đó.

Thứ tư, các quốc gia có mức nợ công lớn đang đối mặt với áp lực chi tiêu lớn do nợ công tích lũy từ nhiều thập kỷ và sự tăng lãi suất toàn cầu khiến không gian nới lỏng tài khóa bị thu hẹp.

Lãi suất trong thời gian qua tại nhiều quốc gia đã đạt mức kỉ lục trong hàng chục năm trở lại đây, điều này có nghĩa rằng chi phí trả lãi trên nợ hiện tại cũng tăng lên, buộc các chính phủ phải dành một phần lớn ngân sách hàng năm để trả nợ thay vì đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, và cơ sở hạ tầng. Việc nợ công tăng cao tại nhiều quốc gia dẫn đến tình trạng áp lực trả nợ lớn, không gian tài khóa cho các hoạt động từ ngân sách phục vụ cho tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn hơn. Các quốc gia có nợ công lớn, như Mỹ, Nhật Bản, và các nước châu Âu, đang phải đối diện với thách thức duy trì khả năng chi trả trong khi vẫn phải đối phó với áp lực từ các nhóm lợi ích trong nước yêu cầu tăng chi tiêu công. Nợ công của Mỹ ước tính hết năm 2024 khoảng 124,3% GDP và dự báo tiếp tục tăng lên 126,4% năm 2025. Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu dự kiến có thể chạm mốc nợ công là 82,1% GDP đến cuối năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng lên 82,9% GDP năm 2025. Trong khi đó dự kiến nợ công của Nhật Bản sẽ lên tới 268% GDP cuối năm 2024 và tiếp tục tăng thêm 4 điểm % nữa trong năm 2025 (theo dự báo của Trading Economics). Áp lực tài khóa sẽ càng trở nên nặng nề hơn khi các quốc gia phải cân đối nguồn ngân sách hạn chế sau đại dịch để đối phó với nhiều mục tiêu cấp bách như biến đổi khí hậu và an ninh quốc gia. Chính sách tài khóa tại nhiều quốc gia có thể trở buộc phải trở nên linh hoạt hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đối phó với các rủi ro vĩ mô.

Thứ năm, năm 2025, áp lực lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với trước kỳ đại dịch COVID-19.

Lạm phát dự kiến thấp hơn sẽ làm giảm bớt áp lực lên chính sách tiền tệ và chu kỳ nới lỏng tiền tệ tại nhiều quốc gia tiếp tục được diễn ra. Trong báo cáo World Economic Outlook (tháng 10/2024), IMF dự báo lạm phát toàn cầu năm 2025 giảm còn 4,3%, tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2023 trở lại đây. Đây là kết quả của nhiều nỗ lực tạo ra bởi chính sách tiền tệ thắt chặt, sự cải thiện của chuỗi cung ứng và giá năng lượng giảm. Việc lạm phát dần đi vào quỹ đạo có thể kiểm soát được tạo ra dư địa cho các chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn sẽ duy trì ở mức cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch, chủ yếu do áp lực giá cả vẫn tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Theo ngân hàng Deutsche Bank của Đức, chu kỳ nới lỏng tiền tệ của FED đang tiến gần đến điểm kết thúc khi kinh tế Mỹ dường như không hướng đến viễn cảnh suy thoái, điều này giảm áp lực buộc FED phải hỗ trợ tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất. Tiêu dùng hộ gia đình và dữ liệu việc làm đang tích cực trong khi lạm phát không phải vấn đề quá lo ngại, khi thường xuyên trên dưới 2%, dự báo lạm phát của nước này ở mức 2,4% trong năm 2025, nằm trong phạm vi 2% – 2,9% của FED, điều này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang có thể phải giảm lãi suất một cách thận trọng.

Các yếu tố như tình trạng lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tình hình tài chính toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ. Tại khu vực EU, ECB có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi thận trọng, từ mức 3,25% xuống 2,0% vào cuối năm 2025, nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh phục hồi chậm. Trong khi ngược lại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể tiếp tục bình thường hóa chính sách tiền tệ với việc tăng lãi suất từ 0,25% lên 1,0%, đánh dấu sự thay đổi lịch sử trong cách tiếp cận của BoJ với vai trò trung tâm trong việc duy trì nhu cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục quan sát tác động của các chính sách tài khóa của Mỹ trước khi đưa ra các biện pháp kích thích lớn hơn.

Thứ sáu, chuyển dịch trong vai trò điều tiết kinh tế từ chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa.

Trong những năm gần đây, chính sách tiền tệ là tâm điểm của các nền kinh tế lớn, với vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, năm 2025 đánh dấu sự chuyển dịch trong vai trò điều tiết kinh tế khi chính sách tiền tệ dự kiến sẽ giảm dần sức chi phối, nhường chỗ cho chính sách tài khóa trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2025, chính sách tài khóa được dự báo sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển kinh tế toàn cầu, đặc biệt khi lạm phát giảm dần và vai trò của chính sách tiền tệ suy giảm. Các Chính phủ dự kiến sẽ gia tăng chi tiêu công để hỗ trợ tăng trưởng, cải thiện cơ sở hạ tầng và giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm và an ninh kinh tế.

Theo dự báo của Ngân hàng Deutsche năm 2025 cho thấy thâm hụt tài khóa tại nhiều quốc gia lớn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, phản ánh sự phụ thuộc vào chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh còn nhiều thách thức vĩ mô. Tại Mỹ, thâm hụt tài khóa dự kiến tăng lên -7,3% GDP cho thấy chính phủ vẫn duy trì các biện pháp chi tiêu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Thượng viện Mỹ ngày 18/12 đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), tài khóa 2025 (1/10/2024 - 30/9/2025) cho phép nâng chi tiêu quân sự hằng năm của Mỹ lên mức kỷ lục 895 tỷ USD, bao gồm các thương vụ mua sắm tàu chiến, máy bay và vũ khí, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh. Ở khu vực Eurozone, thâm hụt tài khóa dự kiến ổn định ở mức -3% GDP, nhờ các quốc gia thành viên tập trung vào việc giảm nợ công và đầu tư hiệu quả từ Quỹ Phục hồi và Kiên cường (RRF).

Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục duy trì thâm hụt tài khóa cao ở mức -13,1% GDP, với các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ nhằm hỗ trợ lĩnh vực bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Nhật Bản dự báo thâm hụt giảm mạnh xuống -4% GDP, nhờ các cải cách thuế và nỗ lực kiểm soát chi tiêu công. Những con số này cho thấy các nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với bài toán cân bằng giữa duy trì tăng trưởng và đảm bảo bền vững tài chính trong trung và dài hạn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Deutschewealth (2024), Perspective annual Outlook 2025, https://www.deutschewealth.com/content/dam/deutschewealth/insights/investing-insights/economic-and-market-outlook/2025/PERSPECTIVES-Annual-Outlook-2025.pdf;
  2. FITCH WIRE (2024), China’s New Fiscal Proposals Unlikely to Immediately Boost Growth, https://www.fitchratings.com/research/international-public-finance/chinas-new-fiscal-proposals-unlikely-to-immediately-boost-growth-12-11-2024;
  3. IMF (2024), Executive Board Concludes 2024 Article IV Consultation with Japan, https://www.imf.org/en/News/Articles/2024/05/13/pr24156-japan-imf-executive-board-concludes-2024-article-iv-consultation;
  4. IMF (2024), World Economic Outlook, https://www.imf.org/external/datamapper/datasets/WEO ;
  5. OECD (2024), Economic Outlook, Volume 2024 Issue 2, https://www.oecd.org/en/publications/2024/12/oecd-economic-outlook-volume-2024-issue-2_67bb8fac/full-report/germany_0686f49c.html.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2025