Chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa

TS. Lê Huy Chính Khoa kinh tế - Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hồng Đức

Bài viết đánh giá thực trạng thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thông qua việc phân tích số liệu thứ cấp giai đoạn 2016 - 2022 về thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp với chi ngân sách cho hoạt động thu hút đầu tư và các chỉ số phản ánh quản lý nhà nước trong giai đoạn này để thấy rõ thực trạng, cũng như những tồn tại, hạn chế về vấn đề này. Trên cơ sở kết quả phân tích, tác giả đưa ra một số khuyến nghị chính sách để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tại Thanh Hóa.

Đặt vấn đề

Doanh nghiệp (DN) là động lực phát triển kinh tế trên bình diện quốc gia cũng như phạm vi của một địa phương. Vì vậy, thu hút đầu tư, phát triển DN luôn là vấn đề quan trọng được Chính phủ, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện, trong đó có Thanh Hóa. Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước. Để thúc đẩy tăng trưởng và cụ thể hóa mục tiêu phát triển thành hiện thực thì thu hút đầu tư, phát triển DN là việc làm cần thiết.

Thời gian qua, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung chỉ đạo phát triển DN trên địa bàn Tỉnh. Tuy có những thành công nhất định, song việc thu hút đầu tư đã có dấu hiệu chững lại, đó là sự sụt giảm trong thu hút đầu tư với trung tâm khác, phát triển DN cũng đối mặt với khó khăn. Do đó, việc thu hút đầu tư và phát triển DN cần phải được đánh giá xem xét. Nghiên cứu này đánh giá thực trạng thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển DN trên địa bàn Thanh Hóa xuất phát từ việc nghiên cứu chi ngân sách cho tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư phát triển DN và các chỉ số phản ánh quản lý nhà nước của Tỉnh trong giai đoạn nghiên cứu...

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu: Nghiên cứu này sử dụng số liệu thứ cấp trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2022, về chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động thu hút đầu tư; số DN thành lập mới cũng như số vốn đăng ký; số dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); các chỉ số về Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Cải cách Hành chính (PAR Index), Sự hài lòng về phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để phân tích.

Phương pháp phân tích: Phương pháp thống kê mô tả, phương pháp so sánh được tác giả sử dụng để đánh giá, phân tích và kết luận những vấn đề trong phạm vi nội dung nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp

- Về thu hút đầu tư:

Bảng 1 thể hiện kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2022.

Bảng 1: FDI của tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2022

Năm

Số dự án được cấp phép

Tổng vốn đăng ký (Triệu USD)

Vốn thực hiện (Triệu USD)

2016

11

155,60

7,47

2017

10

3.059,4

197,92

2018

14

103,00

15,26

2019

26

344,71

23,82

2020

14

240,30

21,10

2021

11

155,25

14,70

2022

7

71,2

-

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa và tổng hợp của tác giả

Số liệu Bảng 1 cho thấy, số trong giai đoạn nghiên cứu, số dự án, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện không theo một xu hướng rõ ràng. Những năm có số vốn đăng ký lớn như 2017 là do có dự án có vốn đầu tư lớn như dự án nhiệt điện Nghi Sơn II với vốn đầu tư 2,54 tỷ USD. Là một trong những tỉnh có nhiều Cụm công nghiệp, Khu công nghiệp và có Khu kinh tế Nghi Sơn là một trong 18 Khu kinh tế ven biển với tổng vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn trong số các Khu kinh tế của cả nước, tỉnh Thanh Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục thu hút FDI, phát triển kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp phụ trợ trên địa bàn Tỉnh. Tuy nhiên, việc thu hút FDI có dấu hiệu chững lại so với trung tâm khác trong khu vực.

- Phát triển DN:

Bảng 2 thể hiện số DN thành lập mới và số vốn đăng ký giai đoạn 2016-2022 trên địa bàn tỉnh. Có thể thấy, trong giai đoạn này, số DN Thanh Hóa thành lập mới tăng lên qua từng năm, trừ năm 2019 và 2022 có sự giảm nhẹ so với năm trước đó, và luôn thuộc nhóm đầu, từ thứ 7 đến thứ 4/63 tỉnh thành trong cả nước về thành lập doanh nghiệp mới. Sự thay đổi nhanh chóng về số lượng DN được thành lập mới có thể giải thích bởi hiệu ứng “Năm quốc gia khởi nghiệp” do Chính phủ phát động vào năm 2016 với những đề án, chính sách hỗ trợ phát triển DN từ cấp trung ương đến địa phương ở những năm tiếp theo đã tạo điều kiện cho các DN thành lập và hoạt động.

Bảng 2: Doanh nghiệp thành lập mới tỉnh Thanh Hóa

Năm

Doanh nghiệp thành lập mới

Vốn đăng ký (tỷ đồng)

Xếp hạng thành lập mới

2016

1.466

8.984

7

2017

3.098

16.425

7

2018

3.392

21.203

7

2019

3.275

23.495

7

2020

3.494

48.500

7

2021

3.729

37.745

4

2022

3.600

-

6

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

Tương tự việc tăng lên về số lượng DN thành lập mới, số vốn đăng ký cũng tăng lên. Hình 1 thể hiện số DN thành lập mới và số vốn đăng ký tăng lên theo cùng xu thế.

Về xu thế của DN thành lập mới, tuy xu thế chung trong giai đoạn nghiên cứu tăng lên nhưng lại suy giảm cả về số lượng DN và thứ hạng trên cả nước trong năm nghiên cứu gần nhất và trên thực tế, Thanh Hóa cũng đang đối mặt với khó khăn về phát triển DN mới.

Chi ngân sách phục vụ thu hút đầu tư và quản lý hành chính nhà nước

Chi ngân sách nhà nước cho thu hút đầu tư

Chi ngân sách cho thu hút đầu tư được xem xét trên khía cạnh chi cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Tại Thanh Hóa, tùy từng nhiệm vụ cụ thể, các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài nước do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Thanh Hóa, VCCI tỉnh Thanh Hóa, Sở Kế hoạch và đầu tư Thanh Hóa làm chủ trì hoặc đầu mối thực hiện như vận động, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Tỉnh; thực hiện các hoạt động dịch vụ tư vấn về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đối với các tổ chức, cá nhân và DN. Chi ngân sách cho hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong nước cũng được phân bổ cho các hoạt động như: Tổ chức gặp mặt kiều bào tỉnh Thanh Hóa, tiếp các đoàn công tác nước ngoài đến làm việc và đầu tư, tổ chức và tham gia các hội chợ trong nước nhằm giới thiệu các sản phẩm do tỉnh Thanh Hóa sản xuất; chi ngân sách cho các hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh Thanh Hóa ở nước ngoài… Bảng 3 thể hiện số chi ngân sách cho xúc tiến đầu tư trong những năm gần đây.

Bảng 3: Chi ngân sách nhà nước cho xúc tiến đầu tư
(Triệu đồng)

Năm

Tuyên truyền quảng bá

Xúc tiến đầu tư trong nước

Xúc tiến ở nước ngoài

Tổng cộng

2018

2.022

2.478

18.800

23.300

2019

2.980

10.020

3.250

16.250

2020

3.170

10.380

4.700

18.250

2021

1.000

19.100

12.000

32.100

2022

2.000

19.000

10.000

31.000

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

 

Bảng 3 cho thấy, trong tổng chi xúc tiến đầu tư năm 2018, chi ngân sách cho xúc tiến ở nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi. Điều này là do trong năm này hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài được đẩy mạnh với nhiều đoàn đi sang Singapore, Hàn Quốc, Ireland…

Năm 2019, năm 2020, tổng chi cho xúc tiến đầu tư đều giảm so với năm 2018, mặc dù chi xúc tiến đầu tư trong nước tăng lên trong đó chi cho xúc tiến đầu tư ở nước ngoài có sự sụt giảm lớn. Nguyên nhân là do trong thời gian này dưới tác động của đại dịch COVID-19, việc xuất nhập cảnh đã bị hạn chế ở mức thấp nhất, do đó các hoạt động xúc tiến đầu tư với các đoàn ra đoàn vào ít diễn ra trong giai đoạn này. Để khắc phục hạn chế bởi tác động của đại dịch, trong thời gian này, công tác tuyên truyền quảng bá thông qua các nền tảng xã hội khác nhau được chú trọng đầu tư thể hiện ở số chi ngân sách nhà nước trong giai đoạn này tăng mạnh, lần lượt là 2.980 triệu đồng và 3.170 triệu đồng.

Năm 2021, 2022, khi đại dịch COVID-19 đã được khống chế, đời sống kinh tế - xã hội nói chung, các hoạt động xúc tiến đầu tư nói riêng cũng trở về trạng thái bình thường và được đẩy mạnh. Chi ngân sách nhà nước năm 2021, 2022 cho thấy, sự gia tăng gần gấp hai lần ở tổng chi và các nội dung chi xúc tiến đầu tư trong nước và chi xúc tiến đầu tư nước ngoài so với 2 năm trước đó, trong đó chi cho xúc tiến đầu tư trong nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi. Tỷ trọng và cơ cấu các khoản chi thể hiện nỗ lực của các đơn vị làm công tác xúc tiến đầu tư cũng như sự điều chỉnh trong đối tượng xúc tiến đầu tư với sự tập trung vào đối tượng nhà đầu tư trong nước.

Song song với việc đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, để thu hút đầu tư các dự án lớn vào Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, Thanh Hóa cũng ban hành chính sách thưởng cho các tổ chức, cá nhân có công vận động đầu tư thành công các dự án vào các khu vực này. Tùy vào số vốn đầu tư của dự án, mức thưởng có thể lên tới 500 triệu đồng. Đây là mức chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư tương đối lớn vào thời điểm ban hành.

Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, Cải cách Hành chính, Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh, Sự hài lòng về phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước của Thanh Hóa

Thu hút đầu tư, phát triển DN không thể tách rời với các chính sách hỗ trợ và sự quản lý điều hành của chính quyền, được thể hiện thông qua các chỉ số đánh giá như: Hiệu quả Quản trị và Hành chính công, Cải cách Hành chính, Sự hài lòng của của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là những yếu tố có tác động lớn đến phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Bảng 4 thể hiện thứ hạng các chỉ số này của Thanh Hóa trên 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Sự hài lòng về phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Bảng 4: Xếp hạng PAPI, PAR Index, SIPAS và PCI
của tỉnh Thanh Hóa

Năm

PAPI

PAR Index

SIPAS

PCI

2016

27

35

-

31

2017

20

61

29

28

2018

11

57

18

25

2019

28

43

22

24

2020

26

29

29

28

2021

3

14

24

43

2022

3

10

5

47

Nguồn: Tác giả tổng hợp

 

Đối với PAPI, đây là chỉ số đo lường và so sánh trải nghiệm, cảm nhận của người dân, DN về hiệu quả và chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương. Có thể thấy đây là chỉ số có thứ bậc tốt nhất trong nhóm 4 chỉ số của Thanh Hóa trong khoảng thời gian xem xét với vị trí luôn trong nửa trên bảng xếp hạng trở lên. Đặc biệt, trong 2 năm gần nhất, Thanh Hóa đã xếp thứ 3 trên toàn quốc, hiện thực hóa thành công mục tiêu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI. Trên khía cạnh phát triển DN, lãnh đạo tỉnh định kỳ tiếp doanh nhân để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập DN.

PAR Index tại Bảng 4 cho thấy: Cải cách Hành chính của Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có bước cải thiện so với trước đây và hiện đứng thứ hạng cao trong số 63 tỉnh thành được đánh giá. Điều này thể hiện trong giai đoạn từ 2016-2019, Cải cách Hành chính của Thanh Hóa luôn nằm trong nửa dưới và nhóm cuối trong các tỉnh, thành phố trên cả nước nhưng trong 3 năm gần đây chỉ số này đã được cải thiện một cách liên tục và hiện xếp thứ 10 trên 63 tỉnh thành.

Chỉ số SIPAS của Thanh Hóa tại Bảng 4 phản ánh sự hài lòng về phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của người dân và doanh nghiệp luôn đạt thứ hạng khá. Đặc biệt, năm 2022, chỉ số này có sự cải thiện đặc biệt với vị trí xếp hạng thứ 5 trên toàn quốc.

Có thể thấy, nhóm chỉ số PAPI, PAR-Index và SIPAS có sự tương đồng nhất định, đặc biệt trong những năm gần đây phản ánh nỗ lực của chính quyền về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thứ hạng của chỉ số PCI giảm sâu trong những năm gần đây thể hiện những hạn chế còn tồn tại, đặt ra yêu cầu phải phân tích và cải thiện CPI của Tỉnh trong giai đoạn tới, góp phần thu hút đầu tư, phát triển DN trên địa bàn Tỉnh.

Thảo luận và khuyến nghị chính sách

Qua phân tích có thể thấy, việc thu hút đầu tư, phát triển DN tại Thanh Hóa đã đạt một số kết quả tích cực như: Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động quảng bá, xúc tiến tăng lên, vượt xa mức chi trước đại dịch; các chỉ số phản ánh về cải cách hành chính, năng lực điều hành của bộ máy quản lý nhà nước đa số đều có sự cải thiện tích cực; cơ chế chính sách hỗ trợ thành lập và hoạt động DN, thu hút đầu tư vào Thanh Hóa được chú trọng dẫn tới sự gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập thành lập và hoạt động cũng như sự tăng lên của vốn đăng ký đầu tư.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: (i) Kinh phí cho hoạt động quảng bá tuy có tăng lên nhưng còn khiêm tốn so với danh mục các chương trình dự án cần kêu gọi xúc tiến đầu tư vào Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp, mức chi còn thấp sẽ không thể làm các chương trình quảng bá trên các kênh truyền hình nước ngoài cũng như các Hội nghị xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; (ii) Bên cạnh nhiều chỉ số thể hiện năng lực quản lý, cải cách hành chính của Thanh Hóa rất tốt trong những năm gần đây, chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa giảm liên tục trong bốn năm gần đây, nằm dưới nhóm trung bình của cả nước. Điều này thể hiện những nội dung cấu thành nên chỉ số này cần phải được cải thiện như công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ giữa các yếu tố như điện, nước, phòng cháy chữa cháy, xả thải...; (iii) Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của DN trong tình hình mới, đa số doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên của mình. Đối với nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều nhân lực không thể tuyển được trên địa bàn mà phải thu hút từ các địa phương khác dẫn tới tăng chi phí.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, một số giải pháp có thể xem xét thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tăng mức chi ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư, nhất là tập trung kinh phí để làm các chương trình quảng bá, xúc tiến lớn trên các kênh truyền hình nước ngoài, tổ chức các Hội nghị xúc tiến tại nước ngoài một cách thường xuyên.

Thứ hai, tập trung toàn lực cả hệ thống chính trị để tháo gỡ vướng mắc hiện tại của các DN nói chung, các DN trong các cụm, khu công nghiệp nói riêng như: Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, chuyển đổi DN; tập trung công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng của các cụm, khu công nghiệp với quy hoạch 1/500 chi tiết. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức trong lĩnh vực này.

Thứ ba, đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động đào nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh với sự tập trung vào những ngành nghề có nhu cầu cao từ DN, những ngành mũi nhọn mà Tỉnh tập trung đầu tư phát triển.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 153/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: phê duyệt quy hoạch tỉnh thanh hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
  2. UBND tỉnh Thanh Hóa (2013), Quyết định số 3667/2013/QĐ-UBND ngày 18/10/2013 về việc ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư vào khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;
  3. Cục Thống kê Thanh Hóa, 2018, 2019, 2020, 2021, Niên giám thống kê Thanh Hóa;
  4. Báo Thanh Hóa, 2023, Gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, https://thanhhoa.dcs.vn/tinhuy/pages/2023-2-10/Gia-tang-loi-the-thu-hut-von-dau-tu-nuoc-ngoaid9swjgm0g8sj.aspx.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023