Phát triển doanh nghiệp gắn với cơ cấu lại nền kinh tế
Phát triển doanh nghiệp là một trong những mục tiêu có tầm quan trọng đặc biệt trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu, năng lực tự chủ của nền kinh tế.
Trong báo cáo đánh giá giữa kỳ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho biết phát triển doanh nghiệp là một trong 13 chỉ tiêu gặp nhiều thách thức, cần được chú trọng theo dõi, giám sát đặc biệt để đem lại kết quả khả quan trong thời gian tới.
Số lượng doanh nghiệp liên tục tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, sau hai năm triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đã ghi nhận những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước đã được sắp xếp lại thực chất, hiệu quả hơn, số lượng doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm giữ chỉ còn chiếm một tỷ lệ nhỏ 0,08% trong tổng số doanh nghiệp nhưng lại nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Quy mô tài sản, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp này tăng trưởng dương (lãi phát sinh trước thuế bình quân tăng 25%), là động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp nguồn thu vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Không chỉ đóng vai trò là “đầu tàu” trong nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế như dịch vụ vận tải hàng không với thương hiệu Vietnam Airlines, dịch vụ cảng biển và logistics với thương hiệu Saigonnewport...
Đối với khu vực kinh tế tư nhân, mặc dù chịu ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của địa chính trị thế giới và tốc độ phục hồi chậm của các nền kinh tế lớn, nhưng từ năm 2021 đến nay, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động vẫn tăng liên tục qua các năm. Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô, từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới, góp phần khẳng định vị trí của nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế khi tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu.
Đáng lưu ý, năng suất lao động bình quân toàn bộ khu vực doanh nghiệp tiếp tục tăng; nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của chuyển đổi số đã có bước tiến rõ rệt, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ hơn.
Trong hơn hai năm triển khai kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng được chỉnh sửa bổ sung nhằm huy động nguồn vốn chất lượng cao, phát huy tốt hơn vai trò của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhờ đó, thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực; xuất khẩu của khu vực FDI liên tục tăng lên trong các năm 2021, 2022 với mức tăng tương ứng 20,8% và 11,8% so với cùng kỳ năm trước đó, các doanh nghiệp FDI luôn xuất siêu trong cán cân thương mại của cả nước.
Tăng cường năng lực nội sinh
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ nêu rõ những hạn chế trong mục tiêu phát triển doanh nghiệp. Đó là quá trình phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh, trong khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao. Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp tư nhân trong nước tuy đã từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng chủ yếu vẫn ở giai đoạn tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi liên kết. Mức độ liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu và chưa có nhiều cải thiện…
TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nhận định, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp FDI sẽ dẫn đến nhiều rủi ro, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương và khó phục hồi trước những biến động của kinh tế thế giới. Để khắc phục tình trạng này, một mặt cần thực hiện có hiệu quả chiến lược thu hút vốn FDI chất lượng cao, mặt khác cần quyết liệt cải cách thể chế, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp trong nước.
“Chính sách phát triển doanh nghiệp không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thực hành sản xuất xanh thông qua phát triển kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải. Phải đa dạng hóa thị trường, tạo thuận lợi cao nhất cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thay đổi chế độ khuyến khích đầu tư nhằm tăng cường năng lực nội sinh của doanh nghiệp trong nước”, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của lực lượng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế- xã hội, PGS. TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, cần có chính sách kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, khơi thông mọi điểm nghẽn của nền kinh tế và tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính, đất đai để doanh nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình trạng “chậm lớn”, vươn lên sống động trở lại, giữ vai trò là lực lượng nòng cốt cho quá trình phát triển của đất nước.
Thúc đẩy phát triển lực lượng doanh nghiệp đông về số lượng, mạnh về chất lượng được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm của quá trình thực hiện cơ cấu nền kinh tế đến năm 2025. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ cho biết sẽ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách cải thiện, nâng cấp chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển; đồng thời tăng cường thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị, chuyển đổi số, nâng cao năng suất, khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ pháp lý… cho cộng đồng doanh nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo, thời gian tới, các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước.