Chống chuyển giá: Khó mấy cũng phải làm

Theo Quang Lộc/baocongthuong.vn

Từ đầu năm đến nay, hoạt động chống thất thu thuế tại các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam đẩy mạnh.

Người tiêu dùng Việt Nam cần sử dụng quyền năng của mình để tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của các công ty có hành vi né thuế, chuyển giá. Nguồn: Internet
Người tiêu dùng Việt Nam cần sử dụng quyền năng của mình để tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của các công ty có hành vi né thuế, chuyển giá. Nguồn: Internet

Nhận dạng các “chiêu” chuyển giá
Một báo cáo của Oxfarm mới đây cho biết, hoạt động chuyển giá đã gây thất thu thuế lên đến 170 tỷ USD cho các nước, trong đó có Việt Nam. Có thể hình dung hoạt động chuyển giá để né thuế qua ví dụ sau.
Một chiếc điện thoại được làm ở Việt Nam và xuất bán sang một nước A. Ở Việt Nam, giá chiếc điện thoại này được kê khai giá trị là 1 USD, sau đó, được chuyển đến một nước “thiên đường” thuế dưới dạng giấy tờ và đẩy nguyên giá lên 100 USD. Song cũng chính chiếc điện thoại này lại được xuất bán ở nước A với mức giá 101 USD - người tiêu dùng ở đây phải trả cho mức giá này nhưng lợi nhuận sinh ra tại nước A chỉ là 1 USD.
Sau quá trình trên, Việt Nam và nước A chỉ được trả thuế cho 1 USD còn doanh nghiệp bỏ túi 99 USD. Đây chính là một trong những hình thức lách luật để trốn thuế mà hầu hết các tập đoàn lớn đều đang áp dụng.

Tình trạng nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế đang diễn ra ở một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp FDI làm cả 2 đầu là nâng chi phí đầu vào, tìm cách ép giá đầu ra xuống thấp và xuất khẩu hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam qua một nước trung gian (những nước trung gian có thuế suất thấp), sau đó từ công ty nước trung gian đưa hàng hóa vào châu Âu hay châu Mỹ.

Một số doanh nghiệp tìm đến “chiêu” nâng chi phí đầu vào (nâng giá như thiết bị vật tư, nguyên liệu, định mức tiêu hao vật tư/đơn vị sản phẩm, chi phí phân bổ từ công ty mẹ) để làm lợi nhuận giảm, khi đó DN không có lãi hoặc lãi ít nên không phải nộp hoặc nộp ít thuế thu nhập DN.

Còn nhiều bó buộc trong hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam

Tại một cuộc họp công bố về kết quả thanh tra tài chính của 9 tháng đầu năm nay, thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thông tin, toàn ngành đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết. Nhờ đó truy thu, truy hoàn và phạt 575,75 tỷ đồng; giảm lỗ 2.635,91 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.811,17 tỷ đồng.

Tuy nhiên có vẻ như những con số này không làm hài lòng các cơ quan chức năng. Hiện vẫn còn nhiều bó buộc trong hoạt động này. Theo đó, khó khăn nhất trong chống chuyển giá là thời gian thực hiện thanh tra đối với các giao dịch liên kết quá ngắn. Theo quy định Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, thực hiện thanh tra 45 ngày và kéo dài không quá 70 ngày. Trong khi, trên thế giới hiện nay, việc thanh tra chống chuyển giá có thể kéo dài 575 ngày.

Thêm vào đó hiện ngành thuế chưa có chức năng điều tra thuế (còn hầu hết ngành thuế các nước được điều tra thuế) nên cũng rất khó cho hoạt động thanh tra. Các công ty đa quốc gia có thể luân chuyển hàng hóa qua nhiều nước. Họ nhập một sản phẩm từ công ty mẹ đóng ở Mỹ hay Canada nhưng rồi đi vòng vèo nhiều nơi. “Nó khiến công tác thu thập dữ liệu thông tin về giá và việc áp dụng đơn giá chuẩn để so sánh với giá giao dịch sản phẩm hàng hóa khi vào Việt Nam nhằm phát hiện sai phạm là rất khó khăn”, ông Phạm Ngọc Lai, quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế nhìn nhận.

Theo các chuyên gia, để hoạt động chống chuyển giá ở Việt Nam có hiệu quả, việc tăng cường các khung khổ pháp lý là hết sức cần thiết. Nghị định 20/2017/NĐ-CP có hiệu lực ngày 1/5/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được đánh giá là dấu mốc phát triển quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật, và được xem là một trong những giải pháp đề giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một văn bản dưới luật và Việt Nam cần sớm ban hành Luật Chống chuyển giá.

Kinh nghiệm thành công mà một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đang áp dụng là có hình thức thỏa thuận trước giá với doanh nghiệp để hạn chế việc chuyển giá. Theo đó, có thể thỏa thuận theo hình thức nộp thuế trên 1 đơn vị sản phẩm, hay dựa vào doanh số bán ra.

Một số chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam cần sử dụng quyền năng của mình để tẩy chay hàng hóa, dịch vụ của các công ty có hành vi né thuế, chuyển giá. Thế nhưng không hiểu vì sao danh sách các công ty này vẫn còn được coi là “bí mật” và muốn công bố cần phải được xin phép.