Chống chuyển giá: Sòng phẳng khi thu hút đầu tư
Chuyển giá không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo “Chuyển giá - những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 19/7.
Thất thu ngân sách
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, cách đây khoảng chục năm “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới ở nước ta thì nay đã trở thành hoạt động phổ biến không chỉ với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn xảy ra ở cả doanh nghiệp trong nước.
Mục đích của hoạt động chuyển giá là tối thiểu hóa nghĩa vụ tính nộp thuế trong tập đoàn, doanh nghiệp nhằm tối đa hóa lợi nhuận dựa vào chính sách ưu đãi hoặc sự khác biệt về thuế giữa các vùng, miền hay quốc gia. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã thu hồi hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, trong đó có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
Theo nhiều chuyên gia, giai đoạn 2015-2017, có khoảng 50% doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến hành vi chuyển giá được Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Ngô Minh Kiểm chỉ ra rằng, doanh nghiệp và các tập đoàn đa quốc gia không bao giờ từ bỏ các cơ hội, các biện pháp nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Đồng thời, do chính sách ưu đãi miễn, giảm các khoản thuế để thu hút đầu tư vào một số địa bàn dẫn đến có sự chênh lệch thuế suất, doanh nghiệp sẽ chuyển lợi nhuận từ nơi không được ưu đãi sang nơi có ưu đãi để hưởng lợi. Sự chuộng ngoại để đạt thành tích thu hút vốn FDI đã tạo ra sự lỏng lẻo trong công tác giám sát doanh nghiệp FDI.
Đồng quan điểm này, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VI Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, với việc báo lỗ, đa phần các doanh nghiệp FDI không phải đóng thuế và còn lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho doanh nghiệp FDI để hoàn thuế. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề gia công như may mặc, da giày...
Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. Hồ Chí Minh có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù, thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Minh chứng cho điều này, theo ông Tuấn, phải kể đến công ty Coca Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 lên tới 3.768 tỷ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% năm. Đáng chú ý là mặc dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam.
Cần có Luật Chống chuyển giáChuyển giá không chỉ làm thất thu ngân sách nhà nước, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Những vụ chuyển giá đã được phanh phui và xử lý chỉ là những con số rất nhỏ so với số lượng thực tế các doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá.
Thực trạng trên xuất phát từ những bất cập trong quản lý; hành lang pháp lý về chống chuyển giá chưa hoàn thiện, quy định về chuyển giá và chống chuyển giá chưa đầy đủ, rõ ràng; Chưa có quy chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, như công an, tham tán kinh tế để giúp ngành thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá.
Vụ trưởng Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát chuyển giá, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá và tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá; xây dựng chính sách thuế bảo đảm công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, khu vực và địa bàn; thu hẹp khoảng cách về các ưu đãi thuế giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Đồng thời, phải có chế tài xử phạt theo hướng tăng mức phạt và hình thức phạt đối với các trường hợp chuyển giá để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Ngành thuế, cơ quan cấp phép đầu tư, hải quan, công an, ngân hàng... cần tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối liên thông dữ liệu, thông tin về người nộp thuế (đặc biệt là các doanh nghiệp FDI) để có được một hệ thống thông tin đảm bảo cho quá trình quản lý thuế nói chung và hoạt động phân tích rủi ro, thanh tra, xử lý vi phạm về giá chuyển giao giữa các thành viên liên kết nói riêng.
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc đặt ra các tiêu chuẩn cao trong thu hút đầu tư, Việt Nam cũng cần đặt ra các điều kiện sòng phẳng với doanh nghiệp FDI liên quan đến các nghĩa vụ thuế.
Thay vì o bế quá mức, nhượng bộ và dành quá nhiều ưu đãi thuế, đã đến lúc Việt Nam cần khẳng định lại vị thế của mình, không chấp nhận thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam nhờ tận dụng các lợi thế kinh doanh để có lợi nhuận thì phải có trách nhiệm nộp thuế cho Việt Nam. Cần xem đây là nguyên tắc mới trong thu hút đầu tư ở Việt Nam ở cả tầm quốc gia lẫn địa phương.