Chống thất thuế thương mại điện tử cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành

PV.

Chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử là nhiệm vụ quan trọng hiện nay và việc áp dụng các giải pháp riêng lẻ sẽ không thể kiểm soát số thuế thất thu, cần các giải pháp đồng bộ, sự phối kết hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các hoạt động kinh doanh qua các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội như Google, Facebook... là những mô hình kinh doanh mới nhưng thâm nhập ngày một sâu vào nền kinh tế Việt Nam.

Theo các quy định pháp luật về thuế hiện hành của Việt Nam, các cá nhân phải tự kê khai thuế, tự nộp và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thông qua cơ sở dữ liệu mà người nộp thuế kê khai, nếu phát hiện gian lận, cơ quan thuế sẽ có những biện pháp ấn định và truy thu, xử phạt. Tuy nhiên, ý thức chủ động của các chủ thể kinh doanh chưa cao, cùng với những khó khăn trong việc quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử nên tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này còn phổ biến.

Để thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử, vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa mở rộng cơ sở thu thuế, theo các chuyên gia kinh tế, ngoài các biện pháp tuyên truyền, phổ biến về trách nhiệm và nghĩa vụ nộp thuế đối với hình thức kinh doanh điện tử, cần có các quy định pháp luật liên quan, đồng thời các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với nhau chống thất thu thuế.

Thương mại điện tử hiện được tạm chia thành hai phạm vi: Phạm vi trong nước với việc chuyển trả tiền mua hàng hóa và dịch vụ qua tài khoản ngân hàng, các ví điện tử hoặc sử dụng tiền mặt; Phạm vi cung cấp sản phẩm, dịch vụ kinh doanh online xuyên biên giới với việc thanh toán hầu như 100% qua tài khoản ngân hàng.

Như vậy, chỉ có các ngân hàng mới nắm rõ dòng tiền ra, vào trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh doanh online trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, tại Hội thảo góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được tổ chức mới đây, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang định kỳ thông tin về những giao dịch lớn cho cơ quan thuế, đồng thời cũng có thông tư hướng dẫn các khoản thanh toán bằng thẻ quốc tế (như Visa/Master) phải thực hiện qua những đơn vị do Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Như vậy, cơ quan thuế đã kết hợp các dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để quản lý được một số khoản thuế.

Bên cạnh đó, theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện chưa có công cụ để kiểm soát, thống kê được lượng bán hàng cũng như ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Do đó, để kiểm soát được vấn đề này, Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử. Dự kiến, việc sử dụng hóa đơn điện tử trong kinh doanh thương mại điện tử sẽ được bổ sung vào các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Công Thương cũng chỉ quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên các website có tên miền Việt Nam. Đối với kinh doanh thương mại điện tử không phải tên miền Việt Nam thì không nằm trong quản lý của Bộ Công Thương, mà thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, theo ông Lưu Đức Huy, Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này đã bổ sung thêm các bộ, ngành có liên quan trong đó có Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… trong việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Tương tự, đối với các giao dịch thương mại điện tử sử dụng phương thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, cơ quan Thuế sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát dữ liệu triển khai đăng ký thuế, bổ sung thông tin thay đổi về thuế với các tổ chức, cá nhân đang tiến hành kinh doanh thương mại điện tử; nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế… Trong trường hợp đối tượng nộp thuế xóa cơ sở dữ liệu để che dấu doanh thu thì các cơ quan chức năng có quyền khôi phục dữ liệu để điều tra, tính lại số thuế mà đối tượng kinh doanh trốn, gây thất thu.