IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2015
(Taichinh) - Trong báo cáo Tổng quan kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố cho thấy, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, nâng mức dự báo tắng trưởng của Việt Nam thêm 0,4% (so với mức dự báo 5,6% trước đó) cho năm 2015.
Báo cáo của IMF cho thấy, triển vọng kinh tế ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương vẫn tiếp tục khả quan. Dự kiến khu vực này sẽ dẫn đầu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Điều đáng chú ý, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại còn 5,8% trong năm 2016.“Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại so với năm nay, vì giá dầu năm 2016 có khả năng sẽ tăng trở lại. Ngoài ra, lãi suất trên thị trường thế giới cũng sẽ tăng cao hơn năm 2016”, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam ông Sanjay Kalra giải thích: “Báo cáo của IMF khẳng định Việt Nam nằm trong một số nước có tăng trưởng tốt lên. Tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2015 cao hơn cùng kỳ năm 2014 và 2013.
IMF dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2015, nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam thêm 0,4% (so với dự báo 5,6% trước đó) cho năm nay. Trong khi, tăng trưởng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ giữ ở mức ổn định 5,6% trong năm 2015 và giảm nhẹ xuống 5,5% trong năm 2016.
Theo ông Sanjay Kalra, năm 2014, Việt Nam thâm hụt ngân sách nhưng lại thặng dư tài khoản vãng lai. Mức dự trữ ngoại hối quốc gia năm 2014 so với các nền kinh tế tương tự như Việt Nam, thì vẫn thuộc loại nhỏ nhất.
Về tỷ giá hối đoái, ông cho rằng: thông điệp chung của IMF là càng có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt thì càng tránh được các cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, cũng cần cân đối, vì nếu để tỷ giá thay đổi quá linh hoạt, lên xuống trong thời gian ngắn, sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính. Với các nước vay nợ nhiều, việc tỷ giá thay đổi nhiều cũng gây khó khăn…
Chính vì vậy, ông Sanjay Kalra cho rằng, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực cần phải có những cải cách về cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa. “Chính sách kinh tế vĩ mô cần tạo ra vùng đệm cho nền kinh tế của mình, để khi có những cú sốc về kinh tế thì có thể dựa vào vùng đệm đó và không bị ảnh hưởng quá nặng nề”, ông Sanjay nhấn mạnh. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần lưu ý đến một số vấn đề như cải cách doanh nghiệp nhà nước; cải cách ngành tài chính - ngân hàng; cải thiện năng suất lao động; nâng cao hiệu quả đầu tư công để kích cầu nội địa và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Sanjay Kalra, một đất nước rất giàu, dự trữ ngoại hối lớn, cũng chỉ dùng một ít từ quỹ đó để đầu tư và chỉ đầu tư những khoản có lợi nhất ở trong nước, ở nước ngoài, mua trái phiếu doanh nghiệp. Ông nhận xét, Việt Nam là nước dự trữ ngoại hối không nhiều, nên không thể lập quỹ để đầu tư./.