GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN:
Chủ động nhận diện cơ hội và thách thức
(Taichinh) - Chỉ còn khoảng 6 tháng nữa, nước ta chính thức gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Song, dường như ngành tài chính trong nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ những cơ hội cũng như thách thức khi tiến trình mở cửa thị trường tài chính đã hết sức cận kề.
Việc hình thành AEC được kỳ vọng sẽ mang lại tự do hóa đầu tư và dòng vốn. Đây cũng được coi là cơ hội lớn, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tài chính cũng như nền kinh tế.
Theo lộ trình cam kết từ AEC trong lĩnh vực tài chính, trong năm nay, nước ta sẽ phải tiến hành mở cửa, xóa bỏ các giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn.
Theo đó, khu vực tài chính trong nước sẽ phải liên thông, liên kết với thị trường này của các nước AEC. Điều này đồng nghĩa, các doanh nghiệp tài chính cần sớm chuẩn bị để không chỉ đón đầu các cơ hội một cách hiệu quả mà còn có những chính sách phù hợp để đối mặt với những thách thức từ thị trường tài chính chung của AEC.
AEC sẽ mở ra cơ hội đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tài chính, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu vốn. Hiện đã có các tổ chức tín dụng của một số quốc gia trong khu vực ASEAN thiết lập chi nhánh hay văn phòng đại diện ở nước ta.
Hơn nữa, khi AEC chính thức hình thành, sẽ có ngày càng nhiều các nhà đầu tư tài chính nước ngoài tham gia mở rộng hoạt động kinh doanh vào thị trường tài chính trong nước.
Điều này sẽ mang lại sự lựa chọn đa dạng hơn về loại hình sản phẩm, dịch vụ tài chính với chất lượng cạnh tranh hơn cho người tiêu dùng, bởi các tổ chức tài chính trong nước sẽ vừa phải cạnh tranh với trong nước mà còn cả các đối thủ từ các nước thành viên AEC.
Thêm vào đó, tự do hóa đầu tư và dòng vốn trong AEC sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy thị trường tài chính nước ta vừa phát triển về chiều rộng, quy mô vừa phát triển về chiều sâu, được nâng lên tầm cao hơn, theo hướng chuyên nghiệp hơn.
Các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư chứng khoán, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần làm chuyên nghiệp, minh bạch hóa thị trường tài chính trong nước. Từ đó, tăng cường kinh nghiệm và nâng cao tiêu chuẩn về quản trị công ty, quản trị rủi ro, kỹ năng phân tích, đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước.
Sự luân chuyển tự do của các dòng vốn sẽ làm tăng đáng kể quy mô của thị trường tài chính cũng như thị trường chứng khoán và đây thực sự trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, đáp ứng các nhu cầu vốn để phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nhận thấy rõ đi cùng cơ hội luôn có không ít thách thức. Thị trường tài chính trong nước sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn ngày càng tăng từ sự tham gia của các định chế tài chính, các tập đoàn tài chính lớn trong khu vực.
Thêm vào đó, thị trường tài chính vốn dĩ được xem là thị trường nhạy cảm và phức tạp, nhất là trong quản lý điều hành. Bởi vậy, sự gia tăng mạnh của dòng vốn, đặc biệt từ nước ngoài sẽ làm gia tăng mối lo về bong bóng giá tài sản và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ độc lập.
Ngoài ra, nước ta đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường nên việc nhận diện và giám sát rủi ro của hệ thống tài chính còn yếu và thiếu. Khi tham gia vào thị trường chung AEC, việc nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính ở nước ta càng trở nên cần thiết hơn, với những yêu cầu chặt chẽ và cao hơn.
Chuyên gia của Viện Chiến lược chính sách tài chính cho rằng, để thực sự đạt được lợi thế cạnh tranh, trước hết, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin chi tiết cơ hội từ AEC, từ đó, xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và thực hiện quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp nhằm giảm các tác động tiêu cực đối với thị trường tài chính khi dòng vốn đảo chiều đột ngột. Hơn nữa, cần nghiên cứu, khẩn trương ứng dụng các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo sớm, kiểm định rủi ro đối với từng định chế tài chính riêng lẻ cũng như toàn hệ thống tài chính để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát từ xa, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động điều hành vĩ mô và ổn định kinh tế.