Chủ động sớm các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng
Theo Bộ Tài chính, trong điều kiện dư địa lạm phát còn tương đối rộng để các cơ quan nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, các bộ, ngành cần tận dụng thời điểm để chủ động sớm các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm...
Lạm phát cơ bản tăng 4,65%
Trong 7 tháng năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Ở trong nước, mặc dù giá điện được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5/2023, nhưng giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần.
Từ đầu năm tới nay, thời tiết tương đối ổn định, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá mặt hàng nông sản không có biến động lớn.
Giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng trong nước có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới, nhưng bình quân chung vẫn giảm mạnh so cùng kỳ năm trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 7 tháng, CPI tăng 3,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,65%.
Nhìn chung, trong những tháng đầu năm, các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Hai kịch bản lạm phát trong những tháng cuối năm 2023
Với dư địa điều hành giá “dễ thở” hơn trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản lạm phát.
Ở kịch bản thứ nhất, trường hợp giá lương thực, thực phẩm tăng 3%; giá nhà ở thuê tăng 8%; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 3%; giá dịch vụ y tế tăng 4%, giá xăng dầu giảm 10%, giá gas giảm 10% thì CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.
Ở kịch bản thứ hai, trường hợp giá xăng dầu giảm thấp hơn (5%), giá lương thực, thực phẩm tăng cao hơn (5%), giá dịch vụ y tế tăng 6%, dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,7% so với năm 2022.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,7%.
Để quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại của năm 2023 theo kế hoạch đề ra, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các bộ ngành cần tận dụng thời điểm để chủ động sớm các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý, tránh dồn vào tháng cuối năm, hoặc dồn vào cùng một thời điểm để hạn chế tác động cộng hưởng; đồng thời, giảm bớt áp lực cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát các năm tiếp theo...