Chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Kiên Giang

Ngọc Ánh

Để tiếp tục triển khai hiệu quả và lan tỏa ý nghĩa chính sách khuyến công, Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Kiên Giang thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị. Ảnh: internet
Các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Kiên Giang thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị. Ảnh: internet

Triển khai hiệu quả đề án khuyến công

Nhằm phát huy hiệu quả chính sách khuyến công trên địa bàn, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang đã tham mưu Sở Công Thương ban hành kế hoạch khuyến công để triển khai thực hiện hàng năm; chủ động phối hợp với các ban ngành, nhằm lồng nghép các chương trình có liên quan để phối hợp triển khai có hiệu quả.

Trung tâm cũng thường xuyên theo dõi kiểm tra, khảo sát nhằm đôn đốc các địa phương kịp thời phát hiện và tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn. Việc phối hợp khảo sát, lập đề án khuyến công, tổ chức tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt đề án được thực hiện sớm vào ngày 15/7 hàng năm để chuẩn bị cho năm sau.

Hàng năm, Trung tâm thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp tập huấn công tác nghiệp vụ, văn bản mới về chính sách khuyến công nhằm phổ biến cơ chế chính sách khuyến công đến với đội ngũ cán bộ chuyên trách khuyến công, cộng tác viên khuyến công và các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang để hiểu rõ các quy định về chính sách khuyến công.

Nhờ đó, Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2022-2024 thời gian qua đã được Trung tâm triển khai hiệu quả theo kế hoạch đề ra. Trung tâm đã thực hiện và thanh quyết toán hoàn thành Đề án khuyến công quốc gia điểm “Hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đầu tư phát triển chế biến nước mắm giai đoạn 2022-2024” với tổng kinh phí thực hiện 4,8 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 45 lao động tại địa phương.

Bên cạnh đó, Trung tâm phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số triển khai ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gồc cho 12 cơ sở công nghiệp nông thôn và xây dựng bộ nhận thương hiệu trực tuyến cho 5 cơ sở công nghiệp nông thôn. Đồng thời, triển khai hoàn thành 11 đề án khuyến công địa phương năm 2023 với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 90 lao động tại địa phương. 

Chương trình cũng đã hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn và tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn. Riêng năm 2023, thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, có 100/102 cơ sở với 177/179 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023. Ngoài ra, có 6/12 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023.

Có thể nói, đề án khuyến công tại Kiên Giang đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang triển khai hiệu quả. Thông qua đề án này, các cơ sở sản xuất công nghiệp tại Kiên Giang đã được hỗ trợ, thay đổi tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực

Năm 2024, tổng kinh phí thực hiện chương trình khuyến công tại Kiên Giang là 5,095 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ sữa chữa nâng cấp xử lý môi trường cho 3 cơ sở với tổng kinh phí là 650 triệu đồng; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến cho 04 cơ sở với tổng kinh phí là 1,100 tỷ đồng; tổ chức hội nghị khuyến công các tỉnh khu vực phía nam lần thứ XIV năm 2024 với tổng kinh phí 350 triệu đồng; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía nam 2024 với tổng kinh phí là 2,840 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kinh phí khuyến công địa phương năm 2024 được UBND tỉnh giao là 3,562 triệu đồng. Trong đó bao gồm kinh phí hỗ trợ đề án là 2,590 triệu đồng, còn lại là các hoạt động khuyến công khác.

Đến nay, Kiên Giang đã và đang triển khai 10 đề án; hoàn thành 5 lớp tập huấn chính sách; hoàn thành việc khảo sát và chuẩn bị đưa ra thẩm định các đề án bổ sung 2024 (03 đề án) và các đề án cho năm 2025; hoàn thành cuộc tham gia hội nghị, hội chợ khu vực miền Bắc và trình kế hoạch tham gia chuỗi sự kiện khu vực miền trung tại Quảng Trị. Tiến độ thực hiện kế hoạch khuyến công địa phương năm 2024 cũng được triển khai đúng theo tiến độ đề ra.

Tiếp tục triển khai hiệu quả và lan tỏa ý nghĩa chính sách khuyến công, trong thời gian tới, Kiên Giang sẽ đẩy mạnh hỗ trợ chính sách khuyến công nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng thời, đề xuất những đề án trọng điểm, đề án nhóm có lợi thế về nguyên liệu vùng của địa phương, thúc đẩy các sản phẩm công nghiệp khác phát triển, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về hoạt động khuyến công đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên các địa bàn cũng sẽ được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang chú trọng thực hiện với nhiều hình thức như hội thảo, tập huấn, phát thanh, truyền hình các ấn phẩm tờ rơi, cập nhật thông tin hữu ích lên website của Sở Công Thương...

Trung tâm sẽ tập trung giúp đỡ kịp thời cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong quá trình triển khai đầu tư sản xuất, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, đề án khuyến công phù hợp với thực tế và đảm bảo hiệu quả. Trong đó, chú trọng khuyến khích các đề án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trên cơ sở cải tiến, phát huy công nghệ hiện hữu và tăng cường công tác chuyển giao công nghệ mới; tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm những mô hình hay, cách làm mới của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác khuyến công, tỉnh cũng chú trọng triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn về nghiệp vụ. Đặc biệt là xây dựng lực lượng cộng tác viên khuyến công có tâm huyết, nhiệt tình.