Chưa thể tăng vốn cho "Big 4"
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu là kiến nghị của Chính phủ gửi tới Quốc hội về việc bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn cho nhóm “Big 4” ngân hàng có vốn nhà nước.
Tuy nhiên, khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó không có nội dung giải pháp tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank.
Tín dụng đang bị hạn chế
Trong báo gửi đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết các ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống các tổ chức tín dụng.
NHNN giám sát chặt chẽ việc triển khai giải pháp cơ cấu lại của các NHTM nhà nước, kịp thời yêu cầu rà soát, điều chỉnh phương án phù hợp với thực tiễn hoạt động để khắc phục các tồn tại, yếu kém.
Đến cuối tháng 8/2019, vốn điều lệ của 4 NHTM nhà nước là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; tổng tài sản đạt 5.081 nghìn tỷ đồng, tăng 5,29%, chiếm 43,01% toàn hệ thống; cho vay thị trường 1 đạt 3.652 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9%.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết việc mở rộng tín dụng của các NHTM nhà nước đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ của các ngân hàng này chậm tăng trưởng, đặc biệt là đối với Agribank và VietinBank.
Hiện, Agribank còn 100% vốn nhà nước, đang xúc tiến kế hoạch cổ phần hóa. VietinBank đến nay đã sử dụng hết các giới hạn về tăng vốn như tỷ lệ sở hữu nhà nước đã giảm tối đa, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được lấp đầy.
Trong khi đó, Vietcombank và BIDV đã lần lượt tăng vốn điều lệ thành công trong thời gian gần đây; đặc biệt là BIDV vừa thực hiện chào bán xong 15% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và thu về khoản thặng dư lớn cùng vốn điều lệ tăng thêm.
Do đó, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Để tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn, đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II, NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng này theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, NHNN cũng tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan nghiên cứu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank”.
Cũng theo Thống đốc NHNN, việc nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ của NHTM nhà nước nhằm đảm bảo vai trò chủ đạo của các ngân hàng này trên thị trường tài chính tiền tệ thời gian qua gặp nhiều khó khăn.
“Tổng số vốn cần đầu tư, bổ sung cho các ngân hàng này là khá lớn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Basel II trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cho các ngân hàng này cũng hết sức hạn chế”, ông Lê Minh Hưng cho hay.
Chưa có hướng tăng vốn
Từ thực tế hiện nay, NHNN đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa Nghị quyết số 25/2016/QH14, Nghị quyết số 26/2016/QH14, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước.
Theo các nghị quyết trên, trong trung hạn từ 2016-2020 không bố trí ngân sách nhà nước để tăng vốn tại các NHTM nhà nước. Đây cũng là khoảng thời gian mà NHNN cũng như các NHTM nhà nước nhiều lần có kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong tăng vốn điều lệ nhưng chưa được đáp ứng.
Trước khi lấy ý kiến biểu quyết Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã báo cáo về đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước.
Theo ông Thanh, quá trình góp ý dự thảo nghị quyết có ý kiến đề nghị bổ sung giải pháp tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước vào dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết việc tăng vốn điều lệ cho các NHTM có vốn nhà nước là việc hệ trọng, đang được thẩm tra, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo đúng quy trình. Do vậy, xin chưa thể hiện nội dung trên trong dự thảo nghị quyết.
Liên quan đến nội dung này, tại cả hai kỳ họp Quốc hội trong năm nay, NHNN đều kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho 4 NHTM có vốn nhà nước.