Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế: Thách thức và kinh nghiệm cho Việt Nam

PV.

Ngày 04/11/2015, tại Hà Nội, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với Bộ Tài Chính và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Những thách thức và kinh nghiệm trong việc vận dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) tại Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia chia sẻ những thách thức cũng như kinh nghiệm của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế...

Bàn tròn - Trao đổi những quan điểm chưa sáng tỏ của IFRS 15 đối với các nhà làm luật
Bàn tròn - Trao đổi những quan điểm chưa sáng tỏ của IFRS 15 đối với các nhà làm luật

IFRS trở thành đề tài nóng và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của đông đảo các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp trong hoàn cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn hôi nhập mạnh mẽ với các nền kinh tế trong khu vực. IFRS hiện đang được áp dụng toàn bộ hoặc gần như toàn bộ phổ biến tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới và ở nhiều quốc gia Châu Á trong đó có các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á.

PGS.,TS. Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết: Báo cáo tài chính doanh nghiệp vốn được xem là nguồn tin chủ đạo đáng tin cậy mà nhà đầu tư dựa vào trong quá trình ra quyết định đầu tư. Do đó, khi đầu tư vào Việt Nam dần trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài, IFRS - được ví như “ngôn ngữ tài chính toàn cầu” giúp đảm bảo tính so sánh, thống nhất và minh bạch - sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội tiếp cận nguồn vốn quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của toàn nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Cũng theo ông Hùng, Bộ Tài chính luôn quan tâm vào việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán quốc tế nói chung và IFRS nói riêng để áp dụng vào Việt Nam cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể. Trong bối cảnh đó, Luật Kế toán sửa đổi chuẩn bị được Quốc hội thông qua đã đề cập bổ sung "Nguyên tắc giá trị hợp lý" để làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng IFRS ở Việt Nam.

"Cuộc Hội thảo này - với sự phối hợp của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc và xứ Wales (ICAEW) sẽ tạo cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu ban hành, công bố và đưa vào áp dụng các IFRS tại Việt Nam. Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá cao trách nhiệm và nỗ lực của ICAEW trong việc tổ chức cuộc Hội thảo quan trọng này, đồng thời hy vọng và tin tưởng sẽ tiếp tục có sự phối hợp để có thể áp dụng IFRS vào Việt Nam." ông Hùng nhấn mạnh.

Ở Việt Nam, những khó khăn và thách thức mà các doanh nghiệp đang vấp phải trong quá trình áp dụng IFRS cũng không nhỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ged Allen, chuyên gia tư vấn cấp cao của PWC nói: “Việc Việt Nam đưa ra lộ trình áp dụng IFRS kể từ cho thấy Việt Nam đã hòa nhập rất tốt và đang có hướng đi phù hợp với thị trường khu vực Đông Nam Á nói riêng cũng như thị trường quốc tế nói chung. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra những thách thức và rất nhiều việc cần phải làm để có thể đạt được những lợi ích đầy đủ từ IFRS.”

Ông Eddy James – chuyên gia Ban Báo cáo Tài chính của ICAEW toàn cầu – đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của EU trong suốt quá trình 10 năm chính thức áp dụng bắt buộc IFRS – dựa trên tham khảo ý kiến ​​rộng rãi của các hội viên ICAEW tại Anh và các nước khác trong EU cũng như xa hơn nữa trong cộng đồng kinh doanh, nghiên cứu, thực hành và đầu tư công, thu thập các quan điểm từ những người chuẩn bị, sử dụng và kiểm toán viên về báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS.

Ông James chia sẻ “Bằng chứng cho thấy việc áp dụng bắt buộc IFRS ở cộng đồng Châu Âu đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế có giá trị hơn những chi phí liên quan. Tuy nhiên, như đã dự đoán, những lợi ích như vậy được phân chia không đồng đều giữa các công ty và các quốc gia khác nhau. Hơn nữa, việc áp dụng IFRS đã không đem lại sự thống nhất toàn bộ trong cộng đồng liên minh Châu Âu EU. Những khác biệt trong quản trị doanh nghiệp, kiểm toán và các quy định pháp lý có nghĩa là 100% đồng nhất có thể không bao giờ đạt được. Nhưng những lợi ích của tất cả mọi người nói cùng một ngôn ngữ báo cáo tài chính được thể hiện rõ ngay cả khi “giọng địa phương” trong khu vực vẫn tồn tại.

Trong lộ trình hướng tới việc áp dụng IFRS, các quốc gia có thể muốn sửa đổi các tiêu chuẩn, ban hành diễn giải mang tính địa phương hoặc đơn giản là bỏ qua những phần của các tiêu chuẩn mà họ không thích hoặc có vẻ quá phức tạp.

Tuy nhiên, ông James cũng cảnh báo không nên làm như vậy. Ông giải thích rằng "Những lợi ích đầy đủ của IFRS áp dụng chỉ có thể thu được nếu các tiêu chuẩn của chuẩn mực này được áp dụng đầy đủ. Hầu hết các nhà đầu tư không có thời gian và các nguồn lực để nghiên cứu sự phức tạp của các biến thể địa phương. Họ muốn tự tin rằng thương hiệu IFRS đã được áp dụng triệt để "

Kinh nghiệm của châu Âu cho thấy rằng IFRS mang lại nhiều lợi ích lâu dài. Tôi khuyên bất kỳ quốc gia nào đang cân xem xét áp dụng IFRS nên tập trung vào những lợi ích chứ không phải quá chú trọng đến chi phí ngắn hạn không thể tránh khỏi và những thách thức về mặt thực hiện.

Ở một mức độ nhất định, để chuyển sang áp dụng IFRS sẽ luôn luôn cần đức tin. Nhưng nó là một bước mà nhiều nước trên thế giới - bao gồm cả nhiều nước trong khu vực ASEAN - đã làm. Tôi rất vui mừng khi biết rằng Việt Nam đang trên con đường gia nhập gia đình IFRS.

Bên cạnh việc chia sẻ những bài học kinh nghiệm từ EU, ICAEW cũng đã lần lượt thảo luận từng chủ đề thiết thực với từng đối tượng cụ thể và các bên liên quan, trong đó nổi bật là thảo luận bàn tròn giữa các nhà làm luật trong lĩnh vực tài chính, kế toán với sự tham gia của đại diện Bộ Tài Chính, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chuyên môn, các trường đại học và các doanh nghiệp.

Các giảng viên và sinh viên đại học cũng là những đối tượng mục tiêu mà ICAEW hướng tới khi thảo luận về chủ đề này. Ngoài việc giới thiệu những thông tin cơ bản về IFRS, ICAEW cũng đặt ra những câu hỏi về việc làm thế nào để các nghiên cứu học thuật hiện nay gắn liền với các vấn đề chính sách trong lĩnh vực kế toán, cũng như có thể làm gì để thực hiện các nghiên cứu có liên quan đến các cuộc tranh luận đang rất được quan tâm trong thực tế hiện nay.