Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục thuế được quy định thế nào?
Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 110/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố và chi cục thuế khu vực trực thuộc cục thuế tỉnh, thành phố (Chi cục thuế).
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 14/01/2019 và thay thế Quyết định số 1700/QĐ-BTC ngày 26/9/2018 của Bộ Tài chính và Quyết định số 503/QĐ-TCT ngày 29/3/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
Theo đó, Quyết định quy định, Chi cục thuế là tổ chức trực thuộc Cục thuế cấp tỉnh, có chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của ngân sách nhà nước thuộc phạm vi nhiệm vụ của cơ quan thuế quản lý thu trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của các Chi cục thuế được phân thành 4 cấp theo các quy định sau:
Thứ nhất, cơ cấu tổ chức của Chi cục thuế có số thu trên 1000 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu và thu từ đất); Quản lý trên 5000 doanh nghiệp được tổ chức các Đội sau: Đội Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế. Đội Kê khai - Kế toán thuế - Tin học. Đội Kiểm tra nội bộ. Đội Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế. Đội Tổng hợp - Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế. Đội Hành chính - Nhân sự - Tài vụ - Quản trị - Ấn chỉ. Đội Trước bạ và thu khác.
Không quá 03 Đội Kiểm tra thuế. Không quá 08 Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường và đảm bảo không cao hơn số lượng Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường hiện có của đơn vị.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức chi cục thuế có số thu từ 300 tỷ đồng/năm đến 1000 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu và thu từ đất); Quản lý từ 5000 doanh nghiệp trở xuống hoặc chỉ đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí theo điểm a, khoản này được tổ chức các Đội sau: Đội Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế - Trước bạ - Thu khác. Đội Kê khai - Kế toán thuế - Tin học - Nghiệp vụ - Dự toán - Pháp chế. Đội Hành chính - Nhân sự - Tài vụ - Quản trị - Ấn chỉ. Không quá 02 Đội Kiểm tra thuế (bao gồm thực hiện nhiệm vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế). Không quá 06 Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường và đảm bảo không cao hơn số lượng Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường hiện có của đơn vị
Thứ ba, Chi cục thuế có số thu từ 50 tỷ đồng/năm đến dưới 300 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu và thu từ đất) được tổ chức các Đội sau: Đội Hành chính - Nhân sự - Tài vụ - Quản trị - Ấn chỉ. Đội Nghiệp vụ Quản lý thuế (Tuyên truyền - Hỗ trợ - Nghiệp vụ - Dự toán - Kê khai - Kế toán thuế - Tin học - Trước bạ và thu khác). Đội Kiểm tra thuế (bao gồm thực hiện nhiệm vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế). Không quá 03 Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường và đảm bảo không cao hơn số lượng Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường hiện có của đơn vị.
Thứ tư, Chi cục thuế có số thu dưới 50 tỷ đồng/năm (không kể thu từ dầu và thu từ đất) được tổ chức 02 Đội: Đội Tổng hợp (Hành chính - Nhân sự - Tài vụ - Quản trị - Ấn chỉ - Nghiệp vụ - Dự toán). Đội Nghiệp vụ quản lý thuế (Tuyên truyền - Hỗ trợ - Quản lý nợ - Kiểm tra thuế - Kê khai - Kế toán thuế - Tin học - Trước bạ và thu khác - Quản lý thuế xã phường/liên xã, phường).
Quyết định số 110/QĐ-BTC nêu rõ, trường hợp tổ chức lại thành Chi cục thuế khu vực, số lượng Lãnh đạo cấp Chi cục thuế khu vực không được cao hơn tổng số lượng Lãnh đạo của các Chi cục thuế trước khi thực hiện việc hợp nhất. Trong thời hạn 03 năm, Cục trưởng Cục thuế có trách nhiệm sắp xếp, bố trí để giảm số lượng cấp phó tại Chi cục thuế khu vực đảm bảo phù hợp, đúng quy định.
Đối với các trường hợp thực hiện hợp nhất thành Chi cục thuế khu vực, trước mắt giữ nguyên tổng số Đội Quản lý thuế xã, phường/liên xã phường của các Chi cục thuế cấp huyện trước khi thực hiện hợp nhất. Trong thời hạn 03 năm, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, thành phố có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh tổ chức bộ máy của các Chi cục thuế khu vực đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định này.
Chi cục thuế thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định của Luật Quản lý Thuế, các luật thuế, các quy định pháp luật khác có liên quan.