Chuyển biến tích cực trong thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN
Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH ) đã xử lý kịp thời, giảm thiểu tình trạng vi phạm chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Phát hiện hơn 48.500 lao động chưa tham BHXH, BHYT, BHTN
Đánh giá kết quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam cho biết, năm 2018, ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành tại 8.447 đơn vị, doanh nghiệp; kiểm tra tại 11.135 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 5.761 đơn vị, doanh nghiệp.
Cụ thể, cơ quan BHXH các cấp đã phát hiện 48.562 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian, qua đó, truy đóng số tiền 140,7 tỷ đồng; Phát hiện 48.689 lao động tham gia thiếu mức quy định (số tiền phải truy đóng 54,9 tỷ đồng).
Về kiểm tra công tác chi chế độ BHXH, BHTN, cơ quan BHXH các cấp đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 12,1 tỷ đồng, do người lao động tại đơn vị hưởng chế độ BHXH không đúng quy định; 3,1 tỷ đồng do hưởng BHTN không đúng quy định.
Bên cạnh đó, qua công tác quản lý, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, cơ quan BHXH đã yêu cầu thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 164,6 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh BHYT không đúng quy định. Đồng thời, lập 1.054 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị sử dụng lao động, với tổng số tiền xử phạt phải thu là 37,38 tỷ đồng.
Cùng với các nội dung trên, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các địa phương; đồng thời, phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT tại gần 40 tỉnh, thành phố; qua đó, đã phát hiện nhiều nội dung thanh toán sai quy định, kiến nghị thu hồi về Quỹ BHYT hàng trăm tỷ đồng.
Đạt được kết quả trên, theo BHXH Việt Nam là do toàn ngành BHXH đã chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Trong đó, tập trung kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra tại BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố; tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành và giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra năm 2018 (theo Quyết định số 34/QĐ-BHXH ngày 03/01/2018 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam); chủ động thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cũng kịp thời hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động về chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
9 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra, kiểm tra
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác thanh tra, kiểm tra, năm 2019, BHXH Việt Nam và cơ quan BHXH các cấp tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp với các Bộ, Ngành hữu quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT và xây dựng hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, triển khai và đôn đốc, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2019 ban hành kèm theo Quyết định số 1458/QĐ-BHXH ngày 02/11/2018 của Tổng giám đốc BHXH Việt Nam. Đồng thời, thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất theo yêu cầu quản lý.
Thứ ba, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của BHXH Việt Nam để phù hợp với các quy định hiện hành và đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế.
Thứ tư, phối hợp với Trường Cán bộ Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) và các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ.
Thứ năm, tiếp tục kiện toàn tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm làm công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân toàn Ngành.
Thứ sáu, triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, phối hợp với các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố, chủ động nắm bắt và xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo.
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ngành.
Thứ tám, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên rà soát những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, kể cả những vụ việc đã được giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu nại, tố cáo để BHXH Việt Nam tập trung chỉ đạo, tìm biện pháp giải quyết dứt điểm.
Thứ chín, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo; pháp luật về BHXH và BHYT trong nhân dân, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, tôn trọng và thực hiện những quy định của pháp luật.