Chuyển biến tích cực trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế
Qua triển khai trên thực tế cho thấy, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng đi vào cuộc sống đã giúp cho hàng triệu người dân giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi kịp thời cho người tham gia, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tích cực phát triển đối tượng tham gia và hướng tới hoàn thành chỉ tiêu mở rộng diện bao phủ BHYT.
Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92% dân số
Năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; một số chính sách về BHYT thay đổi đã tác động đến phát triển người tham gia BHYT của ngành BHXH Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, sáng tạo nhiều biện pháp để phát triển đối tượng tham gia BHYT và đạt kết quả tích cực.
Thông tin về kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2022, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho biết, đến nay có trên 91 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số, điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị và thành quả của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, đã giúp cho hàng triệu người dân giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, các sở ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển người tham gia.
Cơ quan BHXH các cấp tăng cường tuyên truyền; phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu triển khai các hình thức như phát động lễ ra quân, tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp với người dân, vận động, khuyến khích 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia BHYT đầy đủ trong năm tài chính để được giảm trừ mức đóng theo quy định.
Cùng với đó, ngành BHXH Việt Nam thực hiện kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ việc chấp hành các quy định tại BHXH các tỉnh, thành phố; thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, xử lý các đơn vị trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT.
Công tác truyền thông chính sách, pháp luật cũng được cơ quan BHXH không ngừng đẩy mạnh, đa dạng về nội dung, hình thức.
Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã phát động phong trào “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng không được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT, người chưa có thẻ BHYT thuộc diện mới thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác…
Đặt kỳ vọng vào việ hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển BHYT, Lãnh đạo BHXH Việt Nam tin rằng, với sự nỗ lực cố gắng, quyết tâm cao của cán bộ, công chức, ngành BHXH Việt Nam sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức những chỉ tiêu mà Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị; đảm bảo quyền lợi cơ bản, chính đáng được quy định trong Luật BHYT cho người dân khi tham gia chính sách BHYT.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT
Bên cạnh thực hiện tốt chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán BHYT, đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, Chính phủ đã có Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Với sự vào cuộc tích cực đó, nhiều vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT thuộc thẩm quyền của BHXH Việt Nam đã được tháo gỡ kịp thời.
Theo Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, trong các vướng mắc thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, một số vấn đề đã được giải quyết nhanh chóng.
Cụ thể, trong các năm 2016 - 2019, chi khám chữa bệnh BHYT hằng năm gia tăng mạnh, tình trạng bội chi quỹ lớn, nhiều cơ sở khám chữa bệnh bị vượt quỹ, vượt trần thanh toán tuyến 2, vượt dự toán. Các văn bản quy phạm pháp luật đều quy định cơ sở khám chữa bệnh phải thuyết minh các nguyên nhân vượt trần, vượt dự toán.
Cơ quan BHXH đã chủ động phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để xử lý các vấn đề còn vướng mắc, đảm bảo việc thanh quyết toán đúng quy định của pháp luật.
Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã cơ bản được giải quyết, kịp thời tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Nhằm đảm bảo bảo kinh phí cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT hoạt động, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau.
Giai đoạn dịch COVID-19, nhiều cơ sở khám chữa bệnh khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết…
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập; từ đó đưa ra các phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám chữa bệnh BHYT.