Chuyển đổi sang thẻ chip, ngân hàng phải gánh chi phí tăng tới 20 lần so với phôi thẻ từ

Theo Linh Linh/bizlive.vn

Với việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận một khoản chi phí không nhỏ, có thể cao gấp 15 - 20 lần so với phôi thẻ từ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hôm nay (28/5), 7 ngân hàng gồm  Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, TPBank và ABBank bắt đầu thực hiện chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip nội địa, có tính bảo mật cao hơn.

Việc chuyển đổi bao gồm triển khai hệ thống phát hành thẻ, hệ thống chấp nhận thẻ, hệ thống xử lý giao dịch để kết nối với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas).

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dự kiến đến hết năm 2019 sẽ chuyển đổi được 30% số lượng thẻ từ sang thẻ chip và hết năm 2021 hoàn tất việc chuyển đổi. 

Lợi ích các ngân hàng thu được khi thực hiện chuyển đổi không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, như hạn chế được rủi ro các giao dịch giả mạo, đảm bảo an ninh an toàn thanh toán cho khách hàng.

Đồng thời thẻ chip không tiếp xúc (contactless) còn mở rộng khả năng tích hợp các tiện ích thanh toán với các ngành kinh tế khác, hướng tới chiếc thẻ thanh toán đa năng, thẻ chip có thể tích hợp các ứng dụng thanh toán trong giao thông, bảo hiểm, y tế, giáo dục, thanh toán nhiều dịch vụ công ngay trên cùng một chiếc thẻ.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, khó khăn lớn nhất là quá trình chuyển đổi bị kéo dài, vượt quá lộ trình đặt ra ban đầu, dẫn đến hạ tầng không đồng bộ và không xử lý triệt để được vấn đề bảo mật, chống gian lận trong giao dịch thanh toán. 

Do vậy các bên tham gia cần cam kết việc chuyển đổi bám sát theo lộ trình đã được đưa ra của Ngân hàng Nhà nước.

Theo chia sẻ của ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), Thông tư 41 đã đề ra lộ trình cụ thể trong 3 năm (2019, 2020, 2021) với việc chuyển đổi sang thẻ chip nội địa của các ngân hàng. 

Cụ thể, đến 31/12/2019 ít nhất 30% số thẻ nội địa được các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hành phải chuyển đổi sang thẻ chip; đến 31/12/2020 ít nhất 60% thẻ nội địa phát hành phải chuyển đổi sang thẻ chip; và 31/12/2021, 100% thẻ chip được phát hành bởi các ngân hàng cũng như các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải được chuyển đổi sang thẻ chip.

Gần đây nhất, trung tuần tháng 3/2019, Ngân hàng Nhà nước đã có Công văn số 1524/NHNN-TT đề nghị các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ, chuyển mạch thẻ, bù trừ điện tử giao dịch thẻ chủ động, nghiêm túc tổ chức triển khai áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa theo lộ trình chuyển đổi quy định tại Thông tư 41; yêu cầu các đơn vị nêu trên phải đảm bảo hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn, đồng thời phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi. 

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ hoàn thành triển khai việc áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa trước thời hạn so với quy định.

Chia sẻ về ưu điểm của thẻ chip, ông Nguyễn Quang Minh, Phó tổng giám đốc Napas, cho biết, thẻ chip khác thẻ từ là thông tin nằm trong chip được mã hóa, được khóa, chỉ có ngân hàng phát hành mới đọc được. 

Và khi không đọc được dữ liệu trong thẻ nên không thể làm thẻ giả được. 

Đặc biệt, thẻ chip không tiếp xúc (contactless) sẽ tiện dụng hơn so với thanh toán tiền mặt ở tốc độ giao dịch nhanh chỉ 0,2-0,3 giây là xử lý xong giao dịch, khách hàng khi đưa thẻ thanh toán chạm vào máy POS cũng không cần nhập mã PIN hay ký xác nhận với các giao dịch giá trị nhỏ.

Napas đề xuất ngưỡng thanh toán không xác thực chủ thẻ mỗi lần có giá trị tối đa 1 triệu đồng, lũy kế cộng dồn tối đa 3 triệu đồng. 

Sau ngưỡng này, chủ thẻ phải nhập mã PIN để xác thực lại giao dịch, đảm bảo an toàn, thuận lợi cho chủ thẻ cũng như yêu cầu quản trị rủi ro của các ngân hàng. Tuy nhiên, ngưỡng giá trị thanh toán sẽ do mỗi ngân hàng phát hành thẻ quy định.

Vậy, sự chuyển đổi thẻ này có sự lan tỏa tới các ngành khác? Đại diện Napas cho rằng, khi thiết kế dự án, Napas xác định việc chuyển đổi này sẽ đáp ứng nhu cầu hiện tại và dự trù trước nhu cầu trong tương lai để đáp ứng nhu cầu thanh toán qua di động như dùng thẻ, dùng điện thoại táp lên máy POS để thanh toán.

Hai là sẵn sàng tích hợp đa ứng dụng, con chip bản chất là máy tính thu nhỏ, sẵn sàng ứng dụng cho y tế, giao thông… Xu hướng tới 4.0 sẵn sàng tích hợp con chip lên thanh toán. 

Bản thân bộ tiêu chuẩn chip nội địa thiết kế tối ưu thanh toán trong giao thông. Tốc độ hoàn thành dưới 300mns, thông 150-200mns, đáp ứng tiêu chuẩn trong giao thông công cộng (dưới 300mns).

Việc sẵn sàng thanh toán trong giao thông mang ý nghĩa lớn, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng thẻ phổ biến như: Anh, Úc, Malaysia và các quốc gia khác thanh toán theo xu hướng EMV Open loop (thẻ vòng mở).

Napas cũng cho biết, đang tích cực phối hợp với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tiến tới sẵn sàng ứng dụng thẻ chip nội địa Việt Nam trong giao thông công cộng, từ nay tới cuối năm thí điểm với hai tuyến xe bus tại Hà Nội. 

Việc sẵn sàng thanh toán trong giao thông làm tăng tiện ích chủ thẻ và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong cuộc sống, góp phần tiết kiệm chi phí in thẻ vé.

Chuyên gia chia sẻ, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, các ngân hàng sẽ phải chấp nhận một khoản chi phí không nhỏ, có thể cao gấp 15 - 20 lần so với phôi thẻ từ; phải nâng cấp thiết bị chấp nhận thẻ, hệ thống chuyển mạch nội bộ từng nhà băng để có sự tương thích.

Như vậy, nâng cấp hệ thống phát hành thẻ sẽ phải đi cùng với việc nâng cấp hệ thống chuyển mạch. Ngân hàng phải đầu tư thêm, song họ phải chấp nhận vì đây là nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, ngăn chặn các hành vi gian lận trong hoạt động phát hành và thanh toán thẻ...