Chuyển đổi số ngành Tài chính: Vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp

Theo dangcongsan.vn

Với vai trò dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số, ngành Tài chính đang tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, trong đó đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.

Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động - “viên gạch” xây Bộ Tài chính số.
Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài và ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động - “viên gạch” xây Bộ Tài chính số.

Sự kiện khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) ngày 21/3 vừa qua như một minh chứng cho sự quyết tâm của ngành Tài chính khi tạo ra những thay đổi căn bản, chuyển từ phương thức quản lý dịch vụ công dựa trên giấy tờ, giao tiếp trực tiếp sang phương thức quản lý hiện đại, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin. Hiệu quả mang lại không chỉ là tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân và doanh nghiệp mà còn cho thấy rõ tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư  của Việt Nam. Sự kiện này được xem là những “viên gạch” vững chắc xây dựng Bộ Tài chính số.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, ngành Tài chính đặt mục tiêu trở thành Bộ Tài chính số vào năm 2030 với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.

Năm 2021, Tổng cục Thuế đã thực hiện chuyển đổi số quyết liệt, trong đó hóa đơn điện tử (HĐĐT) được triển khai một cách chủ động, nhanh chóng với mục tiêu trên 7 tỷ hóa đơn thuế. Đây là mục tiêu quan trọng với ngành Thuế, mang lại nhiều lợi ích như: chống thất thu, gian lận hóa đơn, tránh trục lợi trong hoàn thuế giá trị gia tăng... bên cạnh đó, ngành Thuế cũng xây dựng hệ thống dữ liệu HĐĐT và kết nối liên thông với dữ liệu dân cư quốc gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: việc khai trương Cổng TTĐT và triển khai ứng dụng eTax Mobile vừa mang lại tiện ích rất lớn cho DN, người dân, vừa tăng cưởng quản lý thuế và tăng thu cho NSNN…
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: việc khai trương Cổng TTĐT và triển khai ứng dụng eTax Mobile vừa mang lại tiện ích rất lớn cho DN, người dân, vừa tăng cưởng quản lý thuế và tăng thu cho NSNN…

Bên cạnh việc yêu cầu Tổng cục Thuế duy trì hệ thống Etaxvn.gdt.gov.vn và eTax Mobile ổn định và thông suốt, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường tuyên truyền với 2 dịch vụ này, đồng thời giúp ngành Tài chính xây dựng phát hành quản lý HĐĐT; phối hợp với ngành Thuế, ngành Tài chính, ngành Hải quan, ngành Kho bạc thực hiện quản lý thuế, thu ngân sách tốt nhất. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cần giúp Bộ Tài chính thực hiện kết nối eTax mobile với các ngân hàng thương mại.

Cũng theo Bộ trưởng, thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh, tác động của dịch COVID-19 cũng dẫn đến việc chuyển sang mua bán online nhiều, xu thế về giao dịch trên môi trường mạng trở thành tất yếu đòi hỏi cơ quan thuế phải chủ động các giải pháp, tăng cường quản lý thu, chống thất thu.. 

Theo GS.,TS Hoàng Văn Cường Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, doanh nghiệp, người dân cũng thấy rõ lợi ích khi ngành Tài chính thực hiện chuyển đổi số. Các chương trình chuyển đổi số nhằm hỗ trợ người dân doanh nghiệp được kết nối được với hệ thống ngân hàng để đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Các thủ tục đã được thực hiện vô cùng nhanh chóng, giúp cho thời gian hao phí trước đây tính bằng giờ, bằng ngày thì nay tính bằng phút. Trong bối cảnh các hoạt động giao tiếp trực tiếp không thực hiện được do dịch COVID-19 thì phương thức quản lý này đã đi trước một bước so với vấn đề quản lý đặt ra.

Đánh giá về chuyển đổi số trong ngành Hải quan, GS.,TS Hoàng Văn Cường cho rằng, ngành Hải quan cũng có sự thay đổi rất lớn khi mà hiện nay có đến 99% thủ tục thông quan đều đã được thông quan điện tử và gần như các doanh nghiệp đều tiếp nhận ngay phương thức này. Ngân hàng Thế giới đã có đánh giá khách quan khi chỉ ra rằng sự cắt giảm thời gian nhờ thông quan điện tử đã giúp tiết kiệm 200 triệu USD/năm.

Ngành Hải quan cũng đang triển khai nhiều giải pháp để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Hải quan số, mô hình Hải quan thông minh, phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau. Cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. Điều này không chỉ để thực hiện “tham vọng” đưa Hải quan Việt Nam phát triển ngang tầm các nước hiện đại trên thế giới, mà cốt lõi để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. 

Trong một cuộc hội thảo về chuyển đổi số, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH khóa XV cho rằng: “Ngành Tài chính vốn đã đi tiên phong trong chuyển đổi thể chế, trong cải cách hành chính, trong cắt bỏ các giấy phép con và bây giờ cũng đang đi đầu trong cuộc cách mạng số trong các cơ quan của Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực này của ngành Tài chính”.

Có thể thấy, để chuyển đổi sang một nền tài chính số hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp cũng như tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đảm bảo sự minh bạch, chuyên nghiệp thì cần sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp…

Những kết quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính, trong chuyển đổi số của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp, xã hội đánh giá cao trong thời gian qua đang khẳng định hướng đi đúng đắn trong chuyển đổi số và quyết tâm xây dựng Bộ Tài chính số vào năm 2030.