Kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học - công nghệ:
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đẩy mạnh cải cách trong kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển mạnh các nhóm hàng hóa do Bộ quản lý từ tiền kiểm sang cơ chế hậu kiểm.
Lạm dụng kiểm tra chuyên ngành - gánh nặng cho doanh nghiệp
Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành nhiều Thông tư, tạo hành lang pháp lý cho việc giảm bớt thủ tục cho kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Thông tư 07/2017 được coi là “bước chuyển mạnh” khi chuyển tới 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan.
Cùng với đó, Bộ đã ban hành Thông tư 02/2017 về công bố hợp chuẩn, hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật. Trước đây, có 24 nhóm hàng hóa phải kiểm tra trước khi thông quan, nhưng nay chỉ còn 2 nhóm là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Như vậy, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30.000 lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Linh, trước đây sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn gọi tắt là hàng hóa nhóm 2 đều phải kiểm tra trước khi thông quan. Tuy nhiên, trong thời gian đó chúng ta thấy có nhiều bất cập xảy ra khi thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành này.
Chính vì vậy theo tinh thần của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 cũng như Nghị quyết 75 của Chính phủ, Chính phủ đã có chỉ đạo đến tất cả các Bộ, ngành trong việc rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2, tìm các cơ chế chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm các chi phí, vướng mắc, bất cập, khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Trong thời gian vừa qua, Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng thêm mưu cho lãnh đạo Bộ phối hợp cùng 12 bộ, ngành tổ chức rà soát các danh mục hàng hóa nhóm 2 để xem nên loại bỏ hàng hóa nào ra khỏi danh mục. Qua đó, Cục cũng tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để ban hành cơ chế hậu kiểm thay vì cơ chế tiền kiểm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Hàng hóa nhóm 2 là các sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nên nhiều hàng hóa thuộc danh mục này thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhiều danh mục hàng hóa này hiện đưa vào kiểm tra chuyên ngành hiện quá rộng, gây khó khăn, chi phí tốn kém cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn bày tỏ chia sẻ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là phải bảo đảm sự an toàn, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và những trách nhiệm quản lý nhà nước khác.
Tuy nhiên, nếu lợi dụng việc kiểm tra này thì cũng sẽ tạo ra những gánh nặng rất lớn về mặt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp và tạo ra sự kém cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Nghị quyết 19 cũng nêu rõ nhiệm vụ trung tâm của các bộ, ngành thời gian tới phải giảm danh mục hàng hóa nhóm 2, tức là chỉ tập trung vào nhóm hàng hóa có nguy cơ lớn, có ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng, môi trường, sức khỏe cộng đồng chứ không phải kiểm tra tràn lan như thời gian vừa qua.
Nên thừa nhận kết quả kiểm định của nước có tiêu chuẩn cao
Qua phản ánh của không ít doanh nghiệp, thời hạn để được thông quan đối với hàng hóa nhóm 2 xuất nhập khẩu chưa được tối ưu hóa do chưa có sự thống nhất chứng nhận phù hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa chấp nhận kết quả lẫn nhau, điều này tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp.
Là người tiếp xúc nhiều với doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, thực tế này hiện đang xảy ra với những hàng hóa cần lấy mẫu kiểm định. Có doanh nghiệp phản ánh, nếu tàu về ngày thứ Sáu, phải tính thêm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật.
Trên thực tế doanh nghiệp mất cả tuần, doanh nghiệp cũng băn khoăn với năng lực của các phòng thí nghiệm, hiện tại chỉ có 5-6 tiếng là có kết quả, mặc dù phòng thí nghiệm đã có kết quả, nhưng cơ quan Nhà nước vẫn máy móc đợi cho đủ 42 giờ đồng hồ mới được thông quan. Trong khi mỗi một giờ lưu kho sẽ tạo chi phí không hề nhỏ cho doanh nghiệp. Do đó, để giảm chi phí, nhiều doanh nghiệp khuyến nghị không cần tới 3 ngày kiểm định, thậm chí có thể rút ngắn nửa ngày.
Thực tế cho thấy, việc thừa nhận tiêu chuẩn lẫn nhau cũng là cách để giảm thủ tục hành chính. Cũng theo ông Tuấn, có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, nhập khẩu động cơ mà không lý giải được những sản phẩm động cơ nhập từ châu Âu, Mỹ về Việt Nam vẫn không đủ tiêu chuẩn mà phải đi kiểm định lại.
Không thừa nhận kết quả kiểm định lẫn nhau cũng là câu chuyện đáng bàn. Trong rất nhiều cuộc làm việc của Đoàn Công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đều đề cập đến vấn đề này. Nhiều thành viên cũng đề nghị cần áp dụng những tiêu chuẩn đã được công bố tại các nước phát triển.
Nếu mặt hàng doanh nghiệp nhập về đã được xác nhận bởi những quốc gia có tiêu chuẩn cao, Việt Nam nên chấp nhận và sử dụng. Thông tư 02 cũng đã nhấn mạnh yếu tố này, đó là cách giảm thiểu thủ tục hành chính và giảm chi phí cho doanh nghiệp.