Quy định mới về nhãn hàng hóa xuất khẩu

Việt Hoàng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Nghị định này có hiệu lực từ 15/02/2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu. Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân xuất khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình. Việc ghi nhãn phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 12, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa.

Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu.

Nghị định cũng lưu ý, các loại hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định gồm: Bất động sản; hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu; hàng hóa trung chuyển; hàng hóa nhập khẩu gửi kho ngoại quan để xuất khẩu sang nước thứ ba; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển; hàng hóa bị tịch thu bán đấu giá; hàng hóa là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thủy sản, khoáng sản), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh), vật liệu xây dựng không có bao bì và được bán trực tiếp cho người tiêu dùng; hàng hóa là xăng dầu, khí (LPG, CNG, LNG) chất lỏng, không có bao bì thương phẩm đựng trong container, xi tec; hàng hóa đã qua sử dụng; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng; hàng hóa là chất phóng xạ, hàng hóa sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh; phương tiện giao thông đường sắt, đường thủy, đường không.