Cơ chế quản lý, sử dụng xe công hiệu quả
(Taichinh) - Vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả xe ô tô công được Bộ Tài chính quan tâm trong nhiều năm nay để thực hiện chủ trương thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.
Để tăng cường hơn nữa công tác này vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành.
Không mua xe mới
Số liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước (TSNN) cho thấy, đến nay, cả nước có 36.897 xe ô tô công đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (chưa bao gồm xe của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp Nhà nước), với tổng nguyên giá gần 20 nghìn tỷ đồng, giá trị còn lại khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Trong đó, xe phục vụ chức danh chiếm 2,36%; xe phục vụ công tác chung chiếm 66,29%; xe chuyên dùng chiếm 31,34% tổng số xe.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, trong 4 năm trở lại đây, theo Nghị quyết của Chính phủ các cơ quan, đơn vị hầu như không mua sắm xe mới để phục vụ công tác chung. Số lượng xe công được mua mới chủ yếu là xe ô tô chuyên dùng như xe cứu hỏa, xe cứu thương, xe chở tiền và xe trang bị cho các đơn vị mới được thành lập mà không có xe để điều chuyển.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc triển khai thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty Nhà nước tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg từ năm 2007 đến nay đã được các bộ, ngành địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Công tác quản lý, sử dụng xe ô tô công đã cơ bản được thực hiện nề nếp, tiết kiệm và hiệu quả đồng thời đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn việc điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền quy định; việc thỏa thuận, mua sắm xe chuyên dùng chưa được chặt chẽ; tiêu chuẩn định mức quy định chưa phù hợp với một số cơ quan, đơn vị; chi phí cho việc mua sắm, sử dụng xe khá lớn trong điều kiện ngân sách còn khó khăn; việc sử dụng xe ô tô công vào việc riêng, sử dụng xe sai đối tượng, sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc với các chức danh không đủ tiêu chuẩn định mức vẫn diễn ra, nhất là tại các địa phương (theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì tại địa phương chỉ có các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; tại Trung ương chỉ có các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 1,25 trở lên, tương đương Tổng cục trưởng là có tiêu chuẩn đón bằng xe từ nơi ở đến nơi làm việc).
Những bất cập này dự kiến sẽ được khắc phục trong dự thảo mà Bộ Tài chính đang trình Thủ tướng Chính phủ.
Giảm gần 7.000 đầu xe
Ông Trần Đức Thắng cho biết thêm, trong đề xuất của Bộ Tài chính việc giảm số lượng đầu xe sẽ được ưu tiên.
Chỉ ra một bất cập, ông Thắng cho hay, theo quy định hiện hành, các cơ quan, đơn vị đã trang bị xe trước năm 2007 (thời điểm ban hành Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg) được thay thế xe khi đã đủ điều kiện thanh lý với nguyên tắc không vượt quá số xe hiện có. Quy định này trong thực tế đã dẫn đến bất hợp lý ở chỗ các đơn vị mới thành lập (chưa được trang bị xe) có các chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 được trang bị tối đa 2 xe/đơn vị, trong khi đó, các đơn vị đã được trang bị xe trước khi có Quyết định số 59 phần lớn đều có số lượng nhiều hơn 2 xe/đơn vị vì định mức của các quy định trước đó cao hơn định mức quy định tại Quyết định số 59 dẫn đến việc các đơn vị có số lượng cán bộ, phạm vi hoạt động tương đương nhưng sở hữu số lượng xe khác nhau.
Để giải quyết bất cập này, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thống nhất định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị có đủ tiêu chuẩn được trang bị xe (bao gồm cả các đơn vị đã trang bị xe theo quy định trước đây).
Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN ghi nhận có 14.408 đơn vị kê khai có sử dụng xe ô tô; trong đó có 11.553 đơn vị kê khai xe phục vụ công tác chung với tổng số xe chung là 24.460 xe. Với đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giảm số lượng ô tô phục vụ công tác chung (khoảng 7.000 xe).
Về phương án xử lý số xe ô tô sau khi áp dụng thống nhất định mức trang bị xe theo đề xuất của Bộ Tài chính, ông Thắng cho biết: Căn cứ tiêu chuẩn, định mức, ưu tiên các bộ, ngành, địa phương điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án thuộc phạm vi quản lý mà chưa đủ định mức xe. Sau đó, Bộ Tài chính sẽ thực hiện điều chuyển số xe còn lại (nếu có) cho các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án khác theo quy định của pháp luật. Và trong vòng 6 tháng từ khi đề xuất này của Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc sắp xếp, sử dụng xe theo quy định mới của Thủ tướng Chính phủ.
Xử nghiêm vi phạm
Một đề xuất khác được đưa ra là sửa đổi chế tài xử phạt nhằm phù hợp với quy định của một số chính sách hiện hành như Luật Quản lý, sử dụng TSNN; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Doanh nghiệp; Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 192/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSNN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia, Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, người ra quyết định mua sắm xe ô tô không đúng thẩm quyền, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại phải bồi thường thiệt hại và tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Đối với việc quản lý, sử dụng xe ô tô không đúng quy định, thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm; tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và mức thiệt hại mà phải bồi thường thiệt hại, đồng thời bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Xe ô tô mua không đúng tiêu chuẩn, vượt giá quy định, vượt định mức bị thu hồi để điều chuyển hoặc bán đấu giá nộp ngân sách Nhà nước.
Ông Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Với những chế tài đề xuất cụ thể như thế, tới đây người dân và truyền thông cũng có thể tham gia giám sát, khi phát hiện vi phạm thì thông báo cho Sở Tài chính hoặc Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính để tiếp nhận, làm rõ và kịp thời xử lý vi phạm về quy định quản lý, sử dụng xe ô tô công.