Cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Huy An

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 133/2015/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việc kiểm soát thanh toán kinh phí NSNN hỗ trợ thuộc nguồn chi thường xuyên đối với VCCI thực hiện theo quy định.
Việc kiểm soát thanh toán kinh phí NSNN hỗ trợ thuộc nguồn chi thường xuyên đối với VCCI thực hiện theo quy định.

Thông tư số 10/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về "Thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN)" (Điều 20) như sau: Việc thanh toán kinh phí NSNN hỗ trợ đối với VCCI thực hiện theo hình thức rút dự toán, Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi.

Mã đơn vị quan hệ ngân sách cấp cho các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan theo quy định tại Thông tư số 185/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.

Cơ quan VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị trực thuộc VCCI và Ủy ban chuyên trách quan hệ với Đài Loan thực hiện thủ tục mở tài khoản, đăng ký mẫu dấu chữ ký tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước và Thông tư số 18/2020/TT-BTC.

Việc kiểm soát thanh toán kinh phí NSNN hỗ trợ thuộc nguồn chi thường xuyên đối với VCCI thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, về tạm ứng: Nguyên tắc là tạm ứng áp dụng đối với khoản chi NSNN chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước. Nội dung tạm ứng theo quy định của hợp đồng (đối với trường hợp thực hiện theo hợp đồng) và theo đề nghị VCCI (đối với trường hợp không có hợp đồng hoặc hợp đồng có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng).

Mức tạm ứng: Đối với khoản chi có giá trị hợp đồng trên 50 triệu đồng, mức tạm ứng theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của VCCI và các bên liên quan. VCCI được tạm ứng kinh phí một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng, nhưng tối đa không vượt quá 50% giá trị phần NSNN hỗ trợ ghi trong hợp đồng tại thời điểm ký kết và không vượt quá dự toán NSNN hỗ trợ của năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho khoản chi đó.

Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng không vượt quá 50 triệu đồng, mức tạm ứng từ NSNN theo đề nghị của VCCI và trong phạm vi dự toán NSNN được giao. VCCI chịu trách nhiệm về mức đề nghị tạm ứng theo quy định.

Thanh toán tạm ứng, VCCI phải thực hiện thanh toán tạm ứng với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch ngay sau khi khoản chi tạm ứng đã hoàn thành có đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán. Kiểm soát thanh toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí khác thuộc nguồn vốn NSNN thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Đối với kiểm soát thanh toán các khoản chi có yêu cầu bảo mật thực hiện theo quy định tại khoản 12 Điều 6 Thông tư số 62/2020/TT-BTC. VCCI chịu trách nhiệm trong việc xác định nội dung chi thuộc yêu cầu bảo mật theo đúng quy định.

Ngoài các quy định trên, Thông tư nêu rõ, thay đổi tên gọi "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam" thành "Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam" theo Quyết định số 1496/QĐ-TTg ngày 30/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ. 

Thông tư số 10/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/3/2023.