Cổ đông "lãi lớn"… cổ phiếu
Sau một thời gian đầu tư vào doanh nghiệp, mọi cổ đông đều mong chờ có khoản lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình, nhưng nhìn vào bức tranh cổ tức tại mùa đại hội đồng cổ đông năm 2019, dường như cổ đông ở hầu hết các doanh nghiệp đang "lãi lớn"…cổ phiếu.
Trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng đua nhau trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Là ngân hàng thuộc diện bắt buộc phải chia cổ tức bằng tiền mặt bên cạnh BIDV, Vietcombank cũng ngỏ ý muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc không chia cổ tức để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Chuyện "con gà, quả trứng"
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vừa được tổ chức gần đây, ACB đã quyết định chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%.
Cũng tại ĐHĐCĐ vừa qua, SHB cũng lên phương án tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành 252,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho năm 2017 và năm 2018 với tỷ lệ thực hiện là 21%.
Cùng với lời trần tình của Chủ tịch Đỗ Quang Hiển về mong muốn các cổ đông chia sẻ với những chuẩn mực mà ngân hàng phải đạt được. "Nếu chúng ta chỉ tính đến trước mắt thì lâu dài không phát triển được".
Tương tự, phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 của HDBank cũng là chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 30%, trong đó chia cổ tức bằng cổ phiếu 10%, 20% là cổ phiếu thưởng.
Hiện nay, xu hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu thường tập trung chủ yếu tại nhóm ngành ngân hàng bởi lẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu vừa làm mát lòng cổ đông, vừa giúp các ngân hàng tăng vốn để đảm bảo các yêu cầu quản lý rủi ro của NHNN, nhất là đáp ứng chuẩn Basel II và thông tư 41.
Trước đó, trong lịch sử hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán đã có nhiều doanh nghiệp "bỏ đói" cổ tức tiền mặt cho cổ đông trong thời gian khá dài.
Điển hình có thể kể đến CTCP Tập đoàn FLC, kể từ khi chào sàn hồi tháng 8/2013 tới nay, FLC chỉ trả cổ tức hai lần bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ khá khiêm tốn… 8%
Đổi lại, cổ đông của FLC được nhận thêm một lượng cổ phiếu khổng lồ sau nhiều lần công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng và phát hành thêm để tăng vốn, trong đó có hai lần phát hành tỷ lệ 100%.
Hơn 77 triệu cổ phiếu niêm yết lần đầu đến nay đã "sinh sôi" thành gần 710 triệu cổ phiếu. Trung bình mỗi năm FLC phát hành hơn 61 triệu cổ phiếu mới.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây HĐQT công ty lại tiếp tục thông qua phương án phát hành gần 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Việc các doanh nghiệp lạm chi trả cổ tức bằng cổ phiếu đang khiến các cổ đông dần "mệt mỏi" bởi trên thực tế, việc chi trả này sẽ không mang lại nhiều lợi ích thực sự cho nhà đầu tư, vì bản chất không phát sinh thêm dòng tiền mới.
Vào ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức, thị giá cổ phiếu đó sẽ giảm một khoản tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Bao giờ có cổ tức thực?
Ví dụ như một công ty, trả cổ tức bằng cổ phiếu là 25% và giá cổ phiếu trước đó là 20.000 đồng/ cp, thì sau ngày này, thị giá sẽ được pha loãng chỉ còn khoảng 16.000 đồng/cp. Bù lại, cứ mỗi cổ phiếu đang sở hữu sẽ được nhận thêm 0,25 cổ phiếu mới.
Số cổ phiếu có tăng lên, tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư trước và sau sự kiện không thay đổi: 100 cổ phiếu cũ giá 20.000 và 125 cổ phiếu mới giá 16.000 đều bằng 2 triệu đồng.
Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, tỷ lệ trả cổ tức cổ phiếu càng cao thì nhà đầu tư càng nhận được nhiều "giấy". Số "giấy" này thực sự có giá trị hay không tùy thuộc vào ban lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng số lợi nhuận giữ lại chuyển sang vốn điều lệ kia có hiệu quả hay không.
Có một thực tế là thị giá cổ phiếu sẽ được pha loãng ngay trong ngày giao dịch không hưởng quyền và cổ đông đã phải chấp nhận số tiền trong tài khoản "vơi" đi tương đương nhưng phải chờ 1-2 tháng sau, cổ phiếu mới về tài khoản.
Nếu tại thời điểm chờ cổ phiếu về tài khoản, diễn biến giá cổ phiếu đó cũng như thị trường chung không có nhiều biến động hoặc trong xu hướng tăng lên thì không có gì đáng bàn, nhưng ở chiều hướng ngược lại, nguy cơ thiệt hại sẽ là rất lớn.
Và để thị giá cổ phiếu quay về được mức giá ban đầu sẽ cần rất nhiều thời gian và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chắc hẳn không còn xa lạ với "cổ phiếu Thánh Gióng" ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros đã từng giao dịch với mức giá trên 200.000 đồng/cp nhưng sau rất nhiều lần phát hành chia cổ tức, tăng vốn hiện chỉ còn 31.000 đồng/cp.
Hiện, số lượng cổ phiếu ROS lưu hành đã tăng 32% từ 430 triệu cổ phiếu ban đầu lên 567,6 triệu cổ phiếu.
Đặc biệt, nhà đầu tư còn thiệt hại nhãn tiền khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đang được giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/ cp), nói cách khác, nhà đầu tư mặc nhiên "bị ép" nhận số cổ phiếu với giá cao hơn.
Trường hợp Tập đoàn Hoa Sen trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% khi giá cổ phiếu này ở khoảng 8.000 đồng/cp nhưng vẫn phải chịu mức thuế 5% tại mức giá của cổ phiếu là một ví dụ. Hay như SHB hiện cũng đang giao dịch tại vùng giá 7.500 đồng/cp và câu hỏi bao giờ cổ phiếu về mệnh giá của cổ đông vẫn đang bỏ ngỏ.