Luật Thanh tra năm 2022:

Cơ hội nâng cao vai trò thanh tra hoạt động dự trữ quốc gia


Việc sửa đổi, thông qua Luật Thanh tra năm 2022 là cần thiết, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong hoạt động thanh tra. Luật này được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả thanh tra hoạt động dự trữ quốc gia trong tình hình mới.

Việc duy trì tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động của thanh tra tại các Cục DTNN khu vực là cần thiết.
Việc duy trì tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động của thanh tra tại các Cục DTNN khu vực là cần thiết.

Vị thế, tiềm lực dự trữ quốc gia

Vị thế

Dự trữ quốc gia (DTQG) là nguồn dự trữ chiến lược do Nhà nước sở hữu, quản lý, sử dụng, nhằm chủ động đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước.

Luật DTQG đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII ngày 20/11/2012 tạo điều kiện để công tác quản lý DTQG theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, bí mật, an toàn, chủ động, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác quản lý hoạt động DTQG từ nhập, xuất, mua, bán, bảo quản, cho đến thực hiện nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG để hỗ trợ, cứu đói, phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, giúp Chính phủ chủ động điều hành ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Tổng cục DTNN là cơ quan quản lý DTQG chuyên trách có trách nhiệm giúp Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về DTQG; đồng thời, trực tiếp tổ chức quản lý hàng DTQG thuộc danh mục được Chính phủ giao, được tổ chức theo hệ thống dọc, gồm: Cơ quan Tổng cục DTNN, 22 Cục DTNN khu vực, 87 Chi cục DTNN; ngoài ra, còn có các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bộ phận làm công tác DTQG kiêm nhiệm tại các bộ, ngành được giao quản lý hàng DTQG.

Từ năm 2020 đến hết năm 2022, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo thẩm quyền (không kể Bộ Công an, Bộ Quốc phòng) đã ban hành các quyết định xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ Nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID 19, dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, thiên tai, hạn hán, xuất viện trợ, tổng giá trị hàng khoảng 6.944,942 tỷ đồng.

Số lượng hàng DTQG được xuất cấp kịp thời đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, góp phần giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và các nhiệm vụ viện trợ quốc tế.

Tiềm lực

Quản lý nhà nước về DTQG luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, chú trọng xây dựng ban hành chính sách, pháp luật tạo nền tảng pháp lý quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực.

Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị nêu rõ việc quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy các nguồn lực hiện còn hạn chế, bất cập; đặt mục tiêu về nguồn lực DTQG theo các giai đoạn như sau: đến năm 2025, tổng mức DTQG đạt 0,8% - 1,0% GDP; đến năm 2035, tổng mức DTQG đạt 1,5% GDP; đến năm 2045 tổng mức DTQG đạt 2% GDP.

Để khắc phục những hạn chế và đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Chính trị đã đặt ra một trong những giải pháp chủ yếu là rà soát, hoàn thiện và thực hiện các giải pháp đồng bộ, thiết thực, hiệu quả để tăng DTQG và các nguồn lực tài chính khác cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cũng trên tinh thần của Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030; trong đó đề ra mục tiêu tăng cường nguồn lực ngân sách nhà nước cho DTQG.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tăng cường tiềm lực DTQG để sẵn sàng ứng phó nhanh, hiệu quả trong các tình huống đột xuất, cấp bách và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Từ mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể trên, tại Chiến lược đã đề ra giải pháp gồm: Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, điều hành hoạt động DTQG; Tăng cường DTQG đủ mạnh, có cơ cấu hợp lý, chủ động đáp ứng các nhu cầu đột xuất, cấp bách của nền kinh tế; Thúc đẩy xã hội hóa và thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho DTQG; Tập trung dự trữ các mặt hàng chiến lược, thiết yếu, có giá trị kinh tế cao, tần suất sử dụng nhiều để chủ động ứng phó kịp thời trong các tình huống khẩn cấp, đảm bảo quốc phòng, an ninh và thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nâng cao vai trò thanh tra, kiểm tra hoạt động dự trữ quốc gia

Để tăng cường tiềm lực DTQG cần tăng cường hoạt động thanh tra chuyên ngành về DTQG. Điều 11 Luật DTQG quy định: Thanh tra chuyên ngành về DTQG là thanh tra việc chấp hành pháp luật về DTQG và quy định khác của pháp luật có liên quan; Thanh tra chuyên ngành về DTQG gắn liền với chức năng quản lý nhà nước về DTQG. Cụ thể:

Tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Luật Thanh tra năm 2010 không quy định việc thành lập cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực tại các tổng cục, cục thuộc bộ và tương đương. Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành đã quy định bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành được thành lập tại cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quyết định của người có thẩm quyền.

Tổng cục DTNN có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành hoạt động DTQG của các bộ, ngành quản lý, đơn vị bảo quản hàng DTQG.

Vụ Thanh tra - Kiểm tra là đơn vị thuộc Tổng cục DTNN tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoạt động DTQG; kiểm tra nội bộ; thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Với vai trò, nhiệm vụ được giao, từ năm 2020 đến nay, hệ thống Thanh tra Tổng cục DTNN đã thực hiện được 6 cuộc thanh tra chuyên ngành DTQG. Qua các cuộc thanh tra chuyên ngành đã đưa ra nhiều kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng được thanh tra.

Nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong hệ thống Thanh tra, Vụ Thanh tra - Kiểm tra thường xuyên triển khai tuyên truyền các quy định mới của pháp luật về lĩnh vực thanh tra.

Tuy nhiên, hiện nay, Vụ Thanh tra - Kiểm tra không có đầy đủ quyền hạn, điều kiện của cơ quan thanh tra độc lập nên hoạt động còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Việc cho phép thành lập cơ quan thanh tra Tổng cục DTNN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành thông qua việc chủ động, độc lập ban hành quyết định thanh tra, tiến hành thanh tra, kết luận và kiến nghị, xử lý...

Tại các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực

Tại Quyết định số 315/QĐ-BTC ngày 10/3/2020, Bộ Tài chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục DTNN khu vực trực thuộc Tổng cục DTNN.

Theo đó, Cục DTNN khu vực là tổ chức trực thuộc Tổng cục DTNN, thực hiện chức năng trực tiếp quản lý hàng DTQG và quản lý nhà nước về DTQG trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, có 22 Cục DTNN khu vực có phạm vi quản lý từ 1 đến 7 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là các địa bàn chiến lược trong cả nước. Khoản 1 Điều 11 Luật DTQG quy định: Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực DTQG thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về DTQG theo quy định của pháp luật về thanh tra.

Do đó, việc các Cục DTNN khu vực được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, công tác thanh tra chuyên ngành của các Cục DTNN khu vực chưa triển khai thực hiện trực tiếp, mà chỉ phối hợp thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo yêu cầu của Tổng cục DTNN, do gặp nhiều nguyên nhân khách quan.

Tuy vậy, việc duy trì tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực hoạt động của thanh tra tại các Cục DTNN khu vực là cần thiết, để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về DTQG trong bối cảnh tăng cường nguồn lực DTQG tại các địa bàn chiến lược, thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh thuộc quản lý của các Cục DTNN khu vực.

Trong trường hợp bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành của các Cục DTNN khu vực sẽ gây áp lực rất lớn đối với cấp cơ quan ở Trung ương. Đó là, ngoài nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành liên quan tới 9 bộ ngành và các địa phương, còn phải thực hiện nhiệm vụ thanh tra các đơn vị tại cơ quan Tổng cục...

Như vậy, việc bỏ chức năng thanh tra chuyên ngành cấp Cục không đúng với quy định pháp luật và không phù hợp với yêu cầu thực tiễn và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết luận

Nhằm hướng dẫn chi tiết và đầy đủ về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy, việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục DTNN và duy trì chức năng thanh tra chuyên ngành tại các Cục DTNN khu vực là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về DTQG.

Theo Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Chí Hiếu - Vụ Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Dự trữ Nhà nước)