Cơ hội phục hồi từ thị trường nội địa
Theo các chuyên gia, với dân số gần 100 triệu dân, thời điểm này rất cần đẩy mạnh vận động ưu tiên dùng hàng nội địa, tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Lạc quan dịp cuối năm
Theo số liệu từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 chỉ đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng 7 và giảm 33,7% so với cùng kỳ.
Sang tháng 9, dịch COVID-19 bước đầu được kiểm soát ở một số địa phương, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại, tình hình chung đã được cải thiện hơn khi doanh thu tăng 6,5% so với tháng 8, nhưng vẫn giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đạt 3,367 triệu tỷ đồng, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,7% (cùng kỳ năm trước giảm 5,1%).
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) Vũ Thị Hậu cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ việc làm trên cả nước giảm dẫn đến thu nhập giảm khiến người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu, chỉ tiêu dùng mặt hàng thiết yếu. Điều này đã tác động lớn đến tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa, những mặt hàng không thiết yếu và dịch vụ giải trí bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở khu vực phía Nam.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh TS. Võ Trí Thành, các doanh nghiệp sẽ phải dựa vào thị trường nội địa như chiếc phao “cứu cánh” trong giai đoạn phục hồi hoạt động kinh doanh sau dịch. Khi các chuỗi cung ứng trên toàn cầu chưa được nối lại hoàn toàn thì doanh nghiệp phải ưu tiên khai thác thị trường trong nước và tận dụng khoảng thời gian này xây dựng lại chiến lược, kế hoạch kinh doanh của mình. Từ đó, củng cố và cải thiện sản phẩm trước khi quay lại với thị trường xuất khẩu.
Nhìn nhận một cách lạc quan, bà Hậu đánh giá cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng mạnh do tập trung nhiều dịp lễ lớn. Do đó, chi tiêu, tiêu dùng tăng cao sẽ giúp thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa, tạo ra động lực tăng trưởng.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi sinh hoạt của người dân dần trở lại bình thường thì ngành bán lẻ nói riêng và các ngành dịch vụ, tiêu dùng nói chung cũng sẽ phục hồi theo để đáp ứng mọi nhu cầu của người dân.
Xu thế bán hàng đa kênh
Tuy nhiên, TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý rằng, quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải dựa vào việc kiểm soát dịch bệnh và chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới để tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thông suốt, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội).
Hỗ trợ và đôn đốc các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Từng bước mở lại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, hộ kinh doanh...
Song song với đó là triển khai các chương trình bình ổn, kích cầu như Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2021 dịp Tết Dương lịch, tết Nguyên đán năm 2022; chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”. Phấn đấu năm 2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 3 - 4% so với năm 2020.
Báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đánh giá, bán hàng đa kênh kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến sẽ là xu thế nổi bật trong thời gian tới. Do đó, bà Hậu khuyến nghị các doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu, tận dụng mọi điều kiện có thể để củng cố lại sản xuất, tối ưu hóa đội ngũ nhân sự, đổi mới phương thức kinh doanh cho phù hợp với xu thế mới của thị trường.
Nếu triển khai bán hàng trực tuyến thì doanh nghiệp phải chú trọng nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cải thiện dịch vụ hậu mãi và xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại có tính pháp lý cao, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất thêm, muốn phát triển thị trường nội địa phải gắn với một hệ thống phân phối đủ mạnh, mở rộng cửa đón hàng hóa, nhất là hàng hóa Việt Nam. Cùng với đó, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng phải làm tốt công tác kiểm soát thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nội địa.