Cơ hội và thách thức phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam


Cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đối với ngành Ngân hàng, các công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại nhiều thay đổi trong mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, cấu trúc sản phẩm, dịch vụ; trước hết là cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng phù hợp nhu cầu người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, phát triển bền vững. Bài viết này khái quát sự phát triển công nghệ trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam, chỉ ra những cơ hội và thách thức đối với quá trình phát triển công nghệ của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quá trình phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng

Nói đến quá trình phát triển công nghệ lĩnh vực ngân hàng, đầu tiên phải kể đến sự ra đời máy ATM vào năm 1967 và Barclays (Anh) là ngân hàng đầu tiên lắp đặt máy ATM trước cửa chi nhánh của mình tại London.

Năm 1973, mạng lưới thanh toán Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) được thành lập thông qua sự hợp tác giữa các ngân hàng và chính phủ các nước. Hàng loạt ngân hàng đã đầu tư mạnh vào hệ thống máy tính để ghi nhận và xử lý các giao dịch ngân hàng, nhờ đó giảm thiểu sai sót và cắt giảm chi phí.

Mô hình ngân hàng trực tuyến đầu tiên xuất hiện vào năm 1983 tại Mỹ và sau đó là tại Pháp, Anh, với giao diện giản đơn, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cơ bản nhất như chuyển tiền, truy vấn tài khoản và thanh toán hóa đơn điện nước. Giai đoạn 1980-2000, các công ty thương mại điện tử như Amazon và eBay ra đời, thúc đẩy các hoạt động thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng khách hàng sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng trưởng tương đối chậm và chỉ thực sự bùng nổ khi internet trở nên phổ biến.

Từ năm 2000 đến nay, mô hình ngân hàng di động ra đời nhờ sự phát triển của công nghệ internet không dây và điện thoại thông minh. Công nghệ tài chính phát triển mạnh vào cuối những năm 2010 dẫn đến việc xuất hiện các mô hình kinh doanh mới như ngân hàng mở, ngân hàng trên nền tảng công nghệ chuỗi khối.

Tại Việt Nam, ở miền Bắc, thời kỳ hoà bình lập lại 1954-1964, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vận dụng các hình thức thanh toán của Liên Xô và các nước Đông Âu cũ để cải tiến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, hầu hết các xí nghiệp, hợp tác xã thủ công và một bộ phận hợp tác xã nông nghiệp đã giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Tuy nhiên, trong thời gian của cuộc chiến tranh chống Mỹ và gần hai thập kỷ sau khi cuộc chiến kết thúc, nền kinh tế rất khó khăn, hoạt động ngân hàng suy thoái.

Vì vậy, những năm đầu công cuộc đổi mới hoạt động ngân hàng trong thập kỷ 80 và nửa đầu 90 của thế kỷ trước, vấn đề phải giải quyết hàng đầu là khôi phục tập quán và lòng tin của khách hàng đối với ngân hàng, đồng thời phải xúc tiến cải cách hệ thống thanh toán cho phù hợp những đổi mới về hệ thống tổ chức ngân hàng hai cấp mới ra đời. Thời gian này, bắt đầu thí điểm và đạt được thành công bước đầu một số hình thức mới như tổ chức Bàn thanh toán bù trừ địa bàn ở tất cả các tỉnh, thành phố; Séc và tài khoản cá nhân; thẻ thanh toán tại Vietcombank và chuẩn bị cho một số dự án hiện đại hoá công nghệ thanh toán.

Về phương diện kỹ thuật, thành công đáng kể là sau 3 năm chuẩn bị, ngày 6/3/1995, khai trương Hệ thống thanh toán SWIFT Việt Nam, hội nhập hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng Việt Nam vào mạng chuyển tiền toàn cầu. Năm 1994, thành lập Hội đồng thanh toán quốc gia với sự tham gia của 5 ngân hàng quốc doanh và 3 ngân hàng thương mại cổ phần, do NHNN chủ trì và được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn, Công ty tư vấn PA thiết kế hệ thống. Đó là chương trình thực hiện các mục tiêu chiến lược về tập trung thanh toán bù trừ và chuyển tiền toàn quốc, tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, triển khai giai đoạn 2 của dự án, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng có những nỗ lực lớn về hiện đại hoá một bước hệ thống thanh toán nội bộ, ứng dụng công nghệ chuyển tiền điện tử và tiếp cận chương trình tự động hoá kế toán khách hàng.

Về cải cách cơ chế thanh toán, Chính phủ ban hành Nghị định số 91/CP ngày 25/12/1993 về tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định này đã xác định rõ các nguyên tắc, điều kiện, mối quan hệ trong tổ chức thanh toán tiền mặt và không dùng tiền mặt, tạo bước chuyển đổi quan trọng trong quá trình đổi mới hoạt động thanh toán, xoá bỏ cơ chế áp đặt theo mệnh lệnh hành chính; cũng như tạo cơ hội tiếp cận cơ chế thị trường trong tổ chức hoạt động thanh toán của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Đến sau năm 2010, rất nhiều NHTM áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động, điển hình như: Năm 2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ra mắt ứng dụng TPBank LiveBank; năm 2018, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ra mắt ứng dụng OCB OMNI; năm 2018, VPBank ra mắt ứng dụng ngân hàng số Yolo sau mô hình ngân hàng số Timo. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ra mắt thị trường sản phẩm BUNO - chuyển tiền chỉ với số điện thoại của người nhận, không cần nhớ số tài khoản. Kể từ khi ra mắt Không gian giao dịch công nghệ số - Vietcombank Digital Lab của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam vào năm 2016, đến năm 2019, Vietcombank đặt phát triển ngân hàng số là chiến lược trọng tâm.

Xu hướng phát triển sản phẩm mới được hỗ trợ bởi chiến lược đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nghiêm túc trong lĩnh vực ngân hàng. Trong các năm qua, các ngân hàng Việt Nam đã đầu tư mạnh cho hệ thống ngân hàng lõi (core banking) và tăng một phần hoặc toàn bộ tỷ trọng tự động hóa trong quy trình hoạt động. Theo đó, các sản phẩm mới cùng với những cải tiến trong chất lượng dịch vụ đón nhận những dấu hiệu tích cực khi tỷ lệ khách hàng sử dụng sản phẩm số của ngân hàng tăng lên đáng kể.

Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin 2019, các ngân hàng có xu hướng tập trung cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cấp core banking, tăng mức độ tự động hóa nhưng có sự giảm sút trong triển khai các ứng dụng cơ bản quản lý quan hệ khách hàng, quản lý rủi ro, chữ ký số. Dịch vụ Internet Banking dành cho khách hàng cá nhân (tra cứu, chuyển khoản…) ngày càng phổ biến, song mức độ tăng không nhiều do mức bão hòa cao, trong khi dịch vụ này cho khách hàng doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Thực tế, sự chuyển đổi số của ngân hàng phụ thuộc vào mức độ phát triển của ngân hàng và việc ngân hàng định vị chính mình trong hệ sinh thái mới, với ba giai đoạn phản ứng trong quá trình chuyển đổi.

Thứ nhất, phản ứng với hình thức cạnh tranh mới: Ở giai đoạn ban đầu, các ngân hàng phản ứng với sự thay đổi trong cung, cầu dịch vụ tài chính bằng cách phát triển các kênh (tập trung vào các thiết bị di động) và sản phẩm số mới (tập trung vào các thanh toán bán lẻ) để định vị bản thân trong môi trường cạnh tranh mới.

Thứ hai, thích ứng công nghệ: Giai đoạn thứ hai trong quá trình số hóa ngân hàng bao gồm việc thực hiện các thay đổi chuyên sâu nền tảng công nghệ nhằm chuyển đổi các nền tảng này thành cơ sở hạ tầng linh hoạt, theo module, phép đồng bộ các công nghệ mới, cũng như tăng tốc độ phát triển các sản phẩm mới.

Thứ ba, chiến lược định vị: Các tổ chức tài chính có mức độ chuyển đổi số phát triển nhất sẽ cố gắng tạo ra lợi nhuận từ các khoản đầu tư lớn vào công nghệ bằng cách áp dụng các chiến lược số nhằm thay đổi sâu rộng cơ cấu tổ chức của mình.

Hiện tại, quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam chủ yếu đang ở giai đoạn 1 nhưng đã có sự phân hóa giữa các ngân hàng. Trong đó, nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước (VCB, BIDV, VietinBank) với lợi thế vốn có về nguồn vốn đã mạnh tay đầu tư nhằm thích ứng với công nghệ (giai đoạn 2). Với ngân hàng tư nhân, Techcombank đã đầu tư 300 triệu USD cho hạ tầng công nghệ thông tin.

Lợi thế phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam

Sự tăng trưởng về quy mô và số lượng của các Fintech trên thị trường tài chính toàn cầu từ năm 2015 đến nay có khoảng trên 2000 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech so với con số 800 doanh nghiệp của năm 2015, đã buộc các ngân hàng phải thay đổi phương thức kinh doanh, chiến lược phát triển.

Hiện tại, các ngân hàng đang có khuynh hướng chuyển từ phương thức cạnh tranh sang hợp tác với vai trò là đối tác. Về cơ bản mối quan hệ đối tác ở đây được tiến hành theo phương thức win – win, trong đó, các ngân hàng sẽ có thể ứng dụng, cập nhật ngay các công nghệ hiện đại, không cần bỏ ra quá nhiều chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ ban đầu và có thể đáp ứng được yêu cầu cao hơn của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và độ tin cậy, trong khi đó, các Fintech có thể khai thác được mạng lưới khách hàng, dữ liệu và nguồn vốn của ngân hàng.

Theo báo cáo Fintech toàn cầu năm 2017 của PwC, hiện nay trung bình 45% số ngân hàng được hỏi trên toàn cầu đã có sự hợp tác với các công ty Fintech trong việc phát triển và cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tăng cao hơn so với mức 32% của năm 2016. Mặc dù vậy, mức độ hợp tác có sự chênh lệch rõ rệt giữa các quốc gia, Đức đang dẫn đầu với tỷ lệ 70% trong khi đó Hàn Quốc ở mức thấp nhất là 14%. PwC dự báo, trong tương lai, xu hướng hợp tác giữa các công ty Fintech và ngân hàng được dự báo tiếp tục gia tăng với ước khoảng trung bình 82% số ngân hàng trên toàn cầu sẽ có sự hợp tác với các công ty Fintech trong vòng 3 đến 5 năm tới…

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngân hàng số nhờ quy mô dân số lớn với 96 triệu dân, cơ cấu dân số vàng, 56 triệu người tham gia thị trường lao động, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh ở mức cao (chiếm 72%), 62 triệu thuê bao 3G, 4G kết nối internet, giới trẻ ưa thích công nghệ. Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng thanh toán di động quý I/2019 tại Việt Nam tăng 232% về giá trị và 98% về số lượng so với quý I/2018. Theo Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của PwC đối với 27 nước/vùng lãnh thổ, Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2019, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở Việt Nam đã tăng lên 61% từ mức 37% của năm 2018.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; 22 công ty làm về Blockchain, Crypto và Remittance. Nhìn chung, Fintech ở Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tập trung ở 3 dịch vụ sau: Thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia.

Mặc dù, mới phát triển ở giai đoạn còn khá sơ khai, nhưng lĩnh vực Fintech tại Việt Nam cũng đang đón đầu làn sóng đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Bắt đầu với thương vụ đầu tư 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư tư nhân Standard Chartered và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Golman Sachs vào Công ty cổ phần M Service, đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử MoMo vào năm 2014, đến nay nhiều khoản đầu tư và các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam đã được hiện thực hóa. Theo thống kê của Tropica Founder Institute cho thấy, trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ đầu tư liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech tại Việt Nam đã lên tới 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ Startups ở các lĩnh vực khác nhau.

Nhận thức được vai trò của các công ty Fintech, cũng như những cơ hội và thách thức mà Fintech mang lại đối với ngành Ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự hợp tác giữa Fintech và các ngân hàng.

Trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, ngày 16/3/2017, NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐNHNN thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính.

Đây là bước đi quan trọng trong việc phát triển khuôn khổ định hướng cho lĩnh vực Fintech phát triển. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Fintech, NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Gần đây nhất, NHNN đã tiến hành triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng để tạo lập nền tảng pháp lý và các điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai các công nghệ mới, thúc đẩy quá trình hợp tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech. Trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng 2030 cũng đã khẳng định việc cần khuyến khích hợp tác trong mối quan hệ cạnh tranh lành mạnh giữa ngân hàng và các công ty Fintech và cần ban hành chuẩn kết nối giữa các tổ chức tín dụng với các tổ chức công nghệ tài chính.

Thách thức đối với phát triển công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam

Lĩnh vực ngân hàng Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển công nghệ nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức như:

Thứ nhất, hành lang pháp lý chưa thực sự đầy đủ, chính xác nhất là đối với những công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi, bổ sung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ.

Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo mật.

Thứ ba, những khó khăn về chất lượng nguồn nhân lực. Những giải pháp mới đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để các giải pháp hiệu quả.

Thứ tư, ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”. Người dân chưa có ý thức trong việc bảo mật những thông tin cá nhân, điều này làm gia tăng nguy cơ rủi ro, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thị Hiền (2018), Xu hướng phát triển fintech trên thế giới, những cơ hội, thách thức đặt ra với ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam, Viện Chiến lược Ngân hàng;

2. Lê Đình Hợp (2006), Nhìn lại quá trình đổi mới của hệ thống ngân hàng việt nam về lĩnh vực thanh toán và những vấn đề của thời kỳ phát triển mới, Tạp chí Ngân hàng Số 10/2006;

3. Nguyễn Thanh Liêm, Trần Hùng Sơn (2019), Đánh giá chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật;

4. KPMG, 2020, Global survey of Fintech activities in financial institution 2020;

5. Fintechnew.sg (2020), Fintech Vietnam market overview 2017;

6. PwC, 2020, Global Fintech Report 2020, FinTech’s growing influence on Financial Services.

* Nguyễn Vũ Thân- Trường Đại học Tài chính – Marketing.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 10/2021.