Thực trạng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam


Chuyển đổi số đang được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có dịch vụ ngân hàng. Những năm gần đây, các ngân hàng Việt Nam đã và đang chú trọng đầu tư mở rộng các dịch vụ bằng cách tích cực ứng dụng các công nghệ điện tử nhằm đơn giản hóa quy trình phục vụ khách hàng. Sự phát triển của các công ty Fintech cũng góp phần khuyến khích các ngân hàng truyền thống cải tiến công nghệ. Tuy nhiên, bên những kết quả tích cực, chuyển đổi số của các ngân hàng Việt Nam cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đánh giá thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam hiện nay, bài viết kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy xu thế này phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự phát triển ngân hàng số

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng với sự phát triển công nghệ thông tin đã tác động tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), chuyển đổi thành ngân hàng số là hướng phát triển bền vững cho các ngân hàng trên thế giới và tại Việt Nam. Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhận thức và dần thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng của đại bộ phận người dân Việt Nam trên nền tảng số. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các ngân hàng tại Việt Nam trong việc phát triển ngân hàng số.

Theo Gaurav Sarma (2017), ngân hàng số (Digital Banking) là một hình thức ngân hàng số hóa tất cả những hoạt động và dịch vụ ngân hàng truyền thống. Nói cách khác, tất cả những gì khách hàng có thể thực hiện ở các chi nhánh ngân hàng truyền thống được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số duy nhất và thông qua ứng dụng này khách hàng không cần phải đến chi nhánh ngân hàng mà vẫn có thể thực hiện được tất cả các giao dịch, đồng thời các hoạt động của ngân hàng như quản lý rủi ro, nguồn vốn, phát triển sản phẩm, marketing, quản lý bán hàng… cũng được số hóa.

Trong khi E-banking là hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử (bao gồm các dịch vụ như: Internet Banking, SMS Banking, Mobile Banking) được tạo ra để bổ sung cho các dịch vụ trên nền tảng ngân hàng truyền thống thì Digital Banking là một loại hình ngân hàng kỹ thuật số có đầy đủ chức năng của một ngân hàng, từ cơ cấu tổ chức đến quy trình làm việc, sản phẩm dịch vụ, chứng từ và phương thức giao dịch với khách hàng.

Digital Banking đòi hỏi cao về công nghệ, bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng xung quanh các chiến lược về ứng dụng kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thanh toán, RegTech, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối (blockchain), API, kênh phân phối và công nghệ (American banker, 2018). Việc phát triển ngân hàng số giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao tính tuân thủ và minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Đối với khách hàng, ngân hàng số giúp khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn với tiện ích tối đa, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, hỗ trợ phát triển kinh doanh trực tuyến.

Cùng với xu hướng phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đã triển khai và đạt được một số thành công nhất định trong số hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại trong các hoạt động tài chính - ngân hàng như: Digital banking/Digital Lab; Timo Bank, ATM + LiveBank... Một số NHTM đã hợp tác thành công với các công ty Fintech để đưa công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị di động như: Áp dụng sinh trắc học, sử dụng QR code, Tokenization, công nghệ mPOS, ví điện tử... Các NHTM đã thực hiện những bước đầu tiên của quá trình nghiên cứu và áp dụng trí tuệ nhân tạo, tự động hóa bằng robot, Blockchain...

Khái quát xu hướng phát triển ngân hàng số trên thế giới

Các công ty khởi nghiệp và những “gã kinh doanh khổng lồ” ngày nay đều coi mình là các dự án Fintech vì chính sách của họ hướng đến việc cải tiến thường xuyên và tối ưu hóa các dịch vụ tài chính. Đó là cả hệ thống thanh toán trực tuyến và các sàn giao dịch, hỗ trợ thu đổi ngoại tệ trên internet; tất cả các loại hình công ty tài chính thực hiện các giao dịch với tiền điện tử, nơi người dùng có thể mở tài khoản trực tuyến và chuyển tiền; ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động, cũng như các ngân hàng truyền thống đang thực hiện tối ưu hóa và nâng cao chất lượng thông qua ứng dụng các công nghệ hiện đại và tiền điện tử. Ngân hàng số hiện đang dần thay thế các sản phẩm cổ điển.

Cơ sở hạ tầng của các ngân hàng hiện nay bao gồm các mạng xã hội, các dịch vụ tin nhắn và giao tiếp với khách hàng trên tổng đài chăm sóc khách hàng. Tất cả các hệ thống thanh toán hiện đại đều được bảo mật và đáng tin cậy. Một số có hệ thống mã bảo mật riêng biệt để đọc dấu vân tay và võng mạc. Theo dự báo công bố cuối năm 2018 của Tập đoàn Tư vấn Boston, đến năm 2023, khoảng 30% doanh thu của hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ chỉ đến từ các kênh số hóa.

Theo Báo cáo “Xây dựng ngân hàng số bền vững”, IBM đã giải thích và trình bày khái niệm về ngân hàng số. Đặc điểm của nó là các sản phẩm và dịch vụ do ngân hàng cung cấp đều được thực hiện dưới dạng số hóa, nên người sử dụng thông tin (khách hàng) được tiếp cận miễn phí và đơn giản hóa đáng kể cuộc sống của họ, vì hầu hết con người hiện đại sử dụng tài nguyên điện tử. Nghĩa là, “mô hình ngân hàng như vậy được tối ưu hóa để tương tác trong thời gian thực và khái niệm "số hóa" đảm bảo những thay đổi trong công nghệ số diễn ra với tốc độ cao”.

Nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến sự thành công của số hóa ngân hàng là khả năng mở rộng quy mô hiệu quả. Đó là lý do tại sao có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech không những rất khó để giành được sự tin tưởng của khách hàng, mà còn, về nguyên tắc, rất khó để thu hút họ, vì không có sự hỗ trợ và giúp đỡ từ một thương hiệu nổi tiếng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngân hàng thế hệ mới (Neobank) là một thực tiễn tuyệt vời và là con đường đúng đắn để phát triển. Neobank chỉ tồn tại trực tuyến (không có mạng chi nhánh) và được xây dựng từ con số “không” trên các nền tảng công nghệ. Trong số những lợi thế tiềm năng, có thể bao gồm mức phí thấp hơn (hoặc không có), đồng thời, đòi hỏi một cấp độ phục vụ và hỗ trợ khách hàng mục tiêu hoàn toàn khác. Có nghĩa là, các ngân hàng này không có chi nhánh vật lý trên thực tế, các giao dịch được thực hiện thông qua các trang web và ứng dụng di động.

Tuy nhiên, các ngân hàng không phải lúc nào cũng chỉ đầu tư vào các ứng dụng di động hoặc Internet Banking của riêng họ, đôi khi, họ chỉ đơn giản là mua những ứng dụng đã xuất hiện trên thị trường khởi nghiệp fintech. Một ví dụ về sự kiện này là thương vụ mua Simple của Tập đoàn Tài chính đa quốc gia Tây Ban Nha (BBVA), cũng như việc mua Rocketbank của Otkritie Bank. Để mua một công ty khởi nghiệp của Mỹ (Simple), BBVA đã bỏ ra 117 triệu USD. Mục tiêu theo đuổi ở đây là, tập trung vào giới trẻ Mỹ, đồng thời, mở rộng sự chú ý của người Tây Ban Nha. Chi phí mua Rocketbank của Otkrytie Bank khoảng 300 triệu rúp. Điều này đã mang lại lợi thế về số lượng người dùng di động có sẵn.

Thực trạng phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số, nhiều ngân hàng bắt đầu triển khai các dịch vụ ngân hàng số. Phần lớn các ngân hàng ở Việt Nam đều có chiến lược số hóa và định hướng phát triển ngân hàng số. Các ngân hàng đều coi chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng sống còn, do đó, có đến 96% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược phát triển dựa trên các công nghệ 4.0 và có 92% ngân hàng đã phát triển dịch vụ ứng dụng trên internet và mobile.

Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đã và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số, thành lập riêng bộ phận ngân hàng số tập trung nghiên cứu thực hiện chuyển đổi số. Chẳng hạn, NHTM Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đã cho ra đời không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA; Hay như NHTM Cổ phần Phương Đông (OCB) đã xây dựng kênh OCB OMNI. Theo đó, các kênh giao dịch số được kết nối, đồng nhất cho khách hàng trải nghiệm xuyên suốt khi họ có sự chuyển dịch giữa các kênh, giúp khách hàng có thể sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà không cần đến phòng giao dịch…

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đang bắt đầu triển khai ngân hàng số ở cấp độ quy trình và kênh giao tiếp, chỉ một số ít ngân hàng chuyển đối số hóa ở nền tảng dữ liệu. Ở khía cạnh quy trình, một số ngân hàng đã hoàn thiện hệ thống giao dịch tự động, ứng dụng một phần dữ liệu lớn như: NHTM Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NHTM Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), NHTM Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), NHTM Cổ phần Tiên Phong (TPBank)… Ở khía cạnh giao tiếp, một số ngân hàng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy và đưa các dịch vụ tư vấn tự động 24/7 thông qua các hội thoại trên website hoặc mạng xã hội của ngân hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng đang thực hiện mô hình hợp tác với doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính hay các công ty công nghệ lớn. Việc hợp tác này mang lại cho khách hàng nhiều trải nghiệm thú vị, cũng như có khả năng tiếp cận được đa dạng hóa dịch vụ với số lần giao dịch ít hơn.

Đồng thời, thông qua sự hợp tác, các ngân hàng đã gia tăng được lượng khách hàng cũng như các chi phí đầu tư công nghệ. Một số thương vụ hợp tác đã diễn ra như VietinBank hợp tác cùng Opportunity Network trong cung cấp nền tảng số cho doanh nghiệp; Vietcombank và M-Service hợp tác trong thanh toán chuyển tiền; hợp tác giữa VPBank và Moca trong cung cấp dịch vụ thanh toán số, hay sự kết hợp giữa VIB và công ty Fintech Weezi cung cấp ứng dụng MyVIB Keyboard giúp khách hàng có khả năng chuyển tiền qua mạng xã hội; Techcombank hợp tác cùng Fastcash đưa ra tính tăng F@st mobile giúp chuyển tiền qua Facebook và Google+…

Thời gian qua, các NHTM ở Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai chuyển đổi số và đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2020, số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016; Tổng lượng thẻ lưu hành đạt 109 triệu thẻ. Mạng lưới ATM, POS phủ sóng đến tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước với 19.541 ATM và 274.539 POS. Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh internet đạt 282,4 triệu giao dịch với 17,4 triệu tỷ đồng (tăng 262,5% và 353,1% so với cùng kỳ năm 2016); Số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động đạt 682,3 triệu giao dịch với gần 7,2 triệu tỷ đồng (tăng 980,9% và 793,6% so với cùng kỳ năm 2016); Thanh toán qua POS đạt hơn 218 triệu món với 382,86 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 176,45% và 139,52% so với cùng kỳ năm 2016); Thanh toán qua ATM đạt 660 triệu món với 1.818,58 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 38,65% và 53,77% so với cùng kỳ năm 2016)…

Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng qua internet mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng về lượng giao dịch trên mobile banking tại Việt Nam là 200%. Giá trị giao dịch tiền với riêng kênh điện thoại di động hiện đạt khoảng 300 nghìn tỷ đồng/ngày.

Một số khó khăn, thách thức đặt ra

Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động phát triển ngân hàng số ở Việt Nam vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý, tạo cơ sở cho hoạt động và phát triển ngân hàng số vẫn còn thiếu. Chẳng hạn, mảng thanh toán số hiện nay đang phát triển rất nhanh theo các tiến bộ công nghệ, nhưng các quy định pháp lý lại chưa theo kịp, khiến các NHTM ngại áp dụng công nghệ, dịch vụ mới ngoài khuôn khổ cho phép...

Thứ hai, các trường hợp gian lận liên quan tới các hoạt động thanh toán số gần đây đang diễn biến ngày càng tinh vi và phức tạp. Năng lực phòng chống gian lận đối với các giao dịch ngân hàng số luôn được các NHTM quan tâm, song vẫn chưa thể tạo sự yên tâm cho khách hàng.

Thứ ba, cuộc chạy đua công nghệ trong ngành Ngân hàng với các dự án ngân hàng số cũng góp phần tạo nên nhiều rủi ro trong vấn đề bảo mật nói chung và mất an toàn thông tin người dùng nói riêng. Năng lực bảo mật thông tin tài chính trong môi trường số còn hạn chế ở Việt Nam.

Thứ tư, nhận thức của người dùng khi chưa ý thức về các rủi ro trong giao dịch ngân hàng trực tuyến, coi nhẹ bảo mật thông tin cá nhân; sinh viên, người lao động… cho thuê thông tin, tạo điều kiện cho tội phạm tạo các tài khoản ma, gây khó khăn trong điều tra; các giao dịch, thủ đoạn gian lận ngày càng tinh vi khó phát hiện…

Thứ năm, người Việt Nam vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Thói quen thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay mới chỉ phổ biến ở các tỉnh, thành phố trung tâm - nơi có các điều kiện hạ tầng công nghệ tốt, trong khi đó, ở các vùng sâu, vùng xa thì thanh toán không dùng tiền mặt vẫn đang nằm ở kế hoạch.

Giải pháp thúc đẩy phát triển ngân hàng số ở Việt Nam

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng số ở Việt Nam, cần chú trọng các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý cho các dịch vụ ngân hàng mới sẽ nhanh chóng hoàn thiện trong thời gian tới, để các ngân hàng có đầy đủ hành lang pháp lý nhằm phát triển các sản phẩm số mạnh và nhanh hơn nữa. Đặc biệt, việc hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, dữ liệu khách hàng là vô cùng quan trọng trong công tác quản lý dữ liệu lĩnh vực ngân hàng, tài chính; tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hướng tới sự phát triển vững mạnh, hiện đại của ngân hàng trong tương lai.

Hai là, để triển khai ngân hàng số thành công, cần phải loại bỏ những rào cản do dữ liệu phân bố rải rác, tạo những cơ sở dữ liệu lớn nhờ mức độ tích hợp dịch vụ cao trong hệ sinh thái tài chính và thực hiện chuyển đổi dữ liệu vào đám mây giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chuẩn thống nhất về mã QR cho thị trường, xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin liên ngân hàng, hoàn thiện các công nghệ liên quan đến việc sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký điện tử...

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động điều hành quản lý, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực số hóa nhằm hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách và hành lang pháp lý.

Bốn là, thay đổi tư duy, nhận thức của nhà quản trị, người đứng đầu ngân hàng với sự tiên phong dẫn dắt, cũng như theo đuổi chiến lược phát triển công nghệ số đã xác định một cách đồng bộ và nhất quán.

Năm là, bám sát chiến lược phát triển chung của ngân hàng, kết hợp với đánh giá nội tại thực trạng công nghệ của ngân hàng, từ đó hình thành chiến lược ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng. Nghiên cứu việc hợp tác với các công ty fintech để xây dựng mô hình kinh doanh đột phá thông qua ứng dụng công nghệ số nhằm tăng cường sự thuận tiện và tiết kiệm chi phí.

Sáu là, cân đối ngân sách dành cho việc triển khai ứng dụng công nghệ số. Đầu tư cho công nghệ số là một quá trình lâu dài, gồm nhiều công nghệ khác nhau và chi phí đầu tư rất lớn. Do vậy, các ngân hàng cần bám sát vào ngân sách dành cho hoạt động công nghệ của mình để lựa chọn việc triển khai ứng dụng công nghệ nào trong bảy xu hướng ứng dụng công nghệ số ở trên và cho mảng hoạt động nào cho phù hợp.

Bảy là, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an toàn bảo mật giao dịch ngân hàng trực tuyến; xây dựng các kịch bản, quy trình, hướng dẫn ứng phó chi tiết với các sự cố về gian lận trực tuyến... Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-NHNN quy định về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng nhằm cập nhật các quy định mới của Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn; đồng thời, điều chỉnh các yêu cầu về an ninh bảo mật phù hợp với thực tế phát triển nhanh chóng, đa dạng của công nghệ thông tin và tình hình an toàn thông tin mạng trong ngành Ngân hàng...

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thị Hà Thanh, Lê Thành Tuyên (2020), Phát triển ngân hàng số tại Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế, Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 6/2020;

2. Đinh Thị Thanh Vân, Nguyễn Thanh Phương (2019), Phát triển ngân hàng số: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng số 4/2019;

3. Hương Giang (2020), Công nghệ giúp ngân hàng số “vượt ải” gian lận trong giao dịch, Thời báo Ngân hàng điện tử;

4. Thanh Tuyết (2020), Ngân hàng số thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt, Thời báo Ngân hàng điện tử;

5. Hà An (2020), Ngân hàng số: Bắt đầu từ thói quen người tiêu dùng, Thời báo Ngân hàng điện tử;

6. Lê Nhân Tâm (2018), Tái tạo số, góc nhìn của IBM. Báo cáo trình bày Hội thảo Số hoá ngân hàng - cơ hội đột phá, Ngân hàng Nhà nước, tháng 11/2018.

* Lê Thị Thúy Hằng, Hà Quỳnh Mai - Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 11/2021