Có nên đầu tư trái phiếu bất động sản thời điểm này?

Theo Phạm Minh/thoibaokinhdoanh.vn

Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có tới 2 tỷ USD trái phiếu lĩnh vực bất động sản được huy động, cho thấy lĩnh vực bất động sản được nhiều nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên với lãi suất cao cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giá trị phát hành trái phiếu của nhóm bất động sản (BĐS) trong 6 tháng qua bỏ xa các lĩnh vực khác như dịch vụ, xây dựng, sản xuất, chứng khoán… và chỉ kém một chút so với các ngân hàng.

Lãi suất cao, thu hút nhiều nhà đầu tư

Thống kê của CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang hút một lượng tiền lớn từ các kênh đầu tư, nhất là tiền gửi. Tổng lượng TPDN phát hành trong 6 tháng đầu năm nay ước tính ở mức 159.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22.700 tỷ đồng TPDN, tương đương 15%, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.

Với lợi nhuận cao, các chuyên gia cảnh báo rủi ro từ thị trường TPDN
Với lợi nhuận cao, các chuyên gia cảnh báo rủi ro từ thị trường TPDN
 

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm 2020 ghi nhận tổng cộng 983 đợt đăng ký phát hành trái phiếu, với giá trị đăng ký 226.000 tỷ đồng. Số đợt phát hành thực tế đạt 818 đợt với giá trị phát hành 156.000 tỷ đồng.

Trong đó, các DN trong lĩnh vực BĐS đã ồ ạt phát hành trái phiếu với tổng giá trị phát hành 45.590 tỷ đồng, tương đương khoảng 2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,16%, đứng thứ hai sau trái phiếu của các ngân hàng.

Đặc điểm của trái phiếu BĐS thường là lãi suất cao, thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân bên cạnh nhà đầu tư tổ chức. Ngoài ra, hiện nhà đầu tư cá nhân có thể tiếp cận TPDN dễ dàng hơn thông qua các quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán.

Một loạt các “ông lớn” trong ngành bất động sản đã huy động được vốn ngay trong mùa dịch, khi lãi suất huy động của ngân hàng xuống thấp, dòng tiền đã đổ vào trái phiếu.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất huy động vốn bằng trái phiếu là Vinhomes. Trong 6 tháng đầu năm, DN này huy động khoảng 12.000 tỷ đồng. Theo sau là TNR Holdings Việt Nam, Tập đoàn Sovico và Địa ốc Phú Long, Tập đoàn Novaland, Sungroup… cũng huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu trong nửa đầu năm nay.

Thương vụ có giá trị lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2020 do Vinhomes phát hành ngày 30/5 với giá trị 3.095 tỷ đồng. Hai đợt phát hành trái phiếu khác có giá trị lớn do các công ty liên quan đến Tập đoàn BRG thực hiện gồm Công ty Phát triển Golf Thiên Đường có giá trị 2.681 tỷ đồng và Công ty Đầu tư và Phát triển Golf Bình Hải giá trị 2.745 tỷ đồng. Công ty Mặt trời Hạ Long, thành viên của Sungroup cũng thực hiện đợt phát hành trái phiếu quy mô 2.000 tỷ đồng.

Cẩn trọng đầu tư

Đánh giá về việc các DN BĐS phát hành trái phiếu, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc kênh thông tin Batdongsan.com.vn nhìn nhận, mọi khoản đầu tư đều tính đến tỷ suất lợi nhuận. Nhiều người quen với trái phiếu chính phủ an toàn, còn TPDN là cho DN vay nợ, đặc biệt đối với BĐS vay nợ càng ngày càng tăng. Nguyên nhân là do Chính phủ siết chặt tín dụng nên DN phải huy động tiền ở ngoài ngân hàng.

Ở góc độ chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, do nhiều DN không vay được ngân hàng đã chuyển qua huy động vốn qua trái phiếu với lãi suất rất cao.

Theo ông Quốc Anh, để đánh giá được đầu tư có an toàn không, khách hàng đầu tư cần nhìn vào khả năng bán hàng thì sẽ biết được "sức khoẻ" của DN đó.

“Việc lựa chọn trái phiếu không khác gì lựa chọn cổ phiếu, bởi người mua cũng phải tìm hiểu công ty, tìm hiểu hoạt động, kết quả kinh doanh của công ty, xem họ có lô đất nào, dự án nào sắp triển khai, dự án họ đã triển khai pháp lý ra sao, uy tín như thế nào, khách hàng phản hồi ra sao, liệu có những rủi ro về pháp lý nào hay không, từ đó sẽ quyết định nên đầu tư hay không”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.

TPDN cũng có độ an toàn nhất định, bởi đây là khoản nợ mà bất kỳ tình huống nào cũng được ưu tiên trả trước so với cổ đông. Tuy nhiên, có trường hợp chủ đầu tư không thể bán được tài sản, không thể tất toán được những khoản tài sản khác thì rõ ràng người mua trái phiếu cũng không thể được trả nợ. Do vậy, yếu tố quyết định nhất là khách hàng phải theo sát DN và hiểu rõ DN.

Theo ông Hiếu, để an toàn cho khách hàng, nên quy định phát hành trái phiếu thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nếu không thông qua thì coi như bất hợp pháp.

“Các nhà đầu tư không nên nhìn vào lãi suất cao, mà phải hiểu bản chất, câu chuyện của DN có khả năng trả nợ hay không, làm ăn có lãi hay không. Hoặc nếu đầu tư trái phiếu thì nên tìm trái phiếu nào có sự bảo lãnh thanh toán của ngân hàng”, ông Hiếu đưa ra lời khuyên.

Trước tình hình thị trường TPDN ngày càng thu hút dòng tiền đầu tư, thậm chí cạnh tranh với tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng, Bộ Tài chính đã nhiều lần đưa ra cảnh báo các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân xem xét kỹ rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.

Chính phủ cũng từng bước ban hành các biện pháp để siết chặt thị trường TPDN. Ngày 1/9 tới, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực, với nhiều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 4/12/2018 quy định về phát hành TPDN được kỳ vọng sẽ an toàn hơn ở thị trường này.