Có nên tìm kiếm cơ hội theo sóng thoái vốn nhà nước?

Theo Ngọc Điểm/ndh.vn

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉnh đạo bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa trong thời gian còn lại của năm. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh trước thông tin thoái vốn nhà nước như TEL, AFX, PTL...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Việc thoái vốn nhà nước tiếp diễn bất chấp dịch bệnh

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232 đề ra mục tiêu hoàn thành thoái vốn ở 348 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017-2020 nhưng mới được thực hiện tại 92 doanh nghiệp, đạt 26,4% kế hoạch.

Do vậy, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo diễn ra đầu tháng 8, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh hiện nay là thời gian cuối cùng để thực hiện kế hoạch của giai đoạn 2016-2020. Những tháng cuối năm 2020, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty cần phải nỗ lực phấn đấu cao nhất trong công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn...

Phó Thủ tướng Thường trực cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tìm ra những vướng mắc, khó khăn và đưa ra giải pháp để đạt hiệu quả trong việc thực hiện vai trò chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; các giải pháp thúc đẩy việc niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp sau cổ phần hóa và chuyển giao phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp về SCIC, tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán bị chậm.

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng quan điểm của Chính phủ trong việc thoái vốn nhà nước là rõ ràng và quyết liệt. Chính phủ sẵn sàng thoái vốn tại các “con gà đẻ trứng vàng” như Vinamilk, Sabeco để tạo mặt bằng, lượng hàng hóa dồi dào cho thị trường chứng khoán. Ngay cả nhánh các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Viettel cũng đã bắt đầu triển khai thoái vốn nhà nước. Bởi vậy, dù trong năm 2020 dịch bệnh bùng phát có thể khiến nhiều kế hoạch bị đình trệ nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ thì việc thoái vốn nhà nước tiếp tục diễn ra.

Thời gian gần đây các tổng công ty, cơ quan nhà nước đã triển khai thoái vốn tại hàng loạt đơn vị. SCIC thông báo bán vốn Địa ốc Vĩnh Long, Khoáng Sản Tuyên Quang, Nông sản Thực phẩm An Giang… PV Oil thoái vốn Petroland, Vinacomin đấu giá cổ phiếu Vicosa, Hancorp bán vốn Đầu tư và Xây dựng số 4. Tập đoàn Viettel công bố sẽ giảm vốn, thoái vốn tại các đơn vị thành viên như Viettel Post (giảm từ 68,08% xuống trên 50%), Công trình Viettel (giảm từ 73,2% xuống trên 50%), Tư vấn Thiết kế Viettel (giảm từ 68% xuống trên 50%), thoái vốn toàn bộ tại Công ty Vĩnh Sơn.

Danh sách doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn gần đây.
Danh sách doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn gần đây.

 

Nhiều cổ phiếu tăng nóng trước thông tin thoái vốn nhà nước

Cổ phiếu PTL của Petroland đã có 7 phiên tăng trần liên tiếp từ vùng giá 4.870 đồng/cp lên 7.750 đồng/cp, tức tăng 59%. Thông tin hỗ trợ duy nhất cho cổ phiếu này là việc PV Oil quyết định thoái 9% vốn Petroland. Trong khi, hoạt động kinh doanh Petroland nửa đầu năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhiều vướng mắc và hầu như không triển khai thêm được dự án mới. Bởi vậy, công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 104 triệu đồng, giảm so với con số 6 tỷ cùng kỳ năm trước nhờ các giải pháp tiết kiệm chi phí.

Cổ phiếu AFX của Công ty Nông sản Thực phẩm An Giang cũng có chuỗi tăng giá ấn tượng từ 6.000 đồng/cp lên 11.900 đồng/cp cùng thông tin SCIC thoái vốn. Phiên ngày 25/8, cổ phiếu này chốt ở vùng giá 9.900 đồng/cp, điều chỉnh đáng kể so với mức cao trước đó.

Cổ phiếu TEL của Công ty Phát triển Công trình Viễn thông vốn không có giao dịch và đứng giá 7.000 đồng/cp trong thời gian dài. Song, sau khi VNPT công bố thông tin đăng ký bán 2,45 triệu đơn vị thì cổ phiếu này tăng lên 10.800 đồng/cp, tức tăng 54% trong 7 phiên gần đây.

Dù chưa cho thông tin thoái vốn chính thức, cổ phiếu của Vocarimex đã tăng từ vùng 15.000 đồng/cp lên hơn 23.000 đồng/cp, tương đương tăng 53%. Theo thông tin được đại diện SCIC thông báo trước đó thì cổ phiếu VOC nằm trong danh sách triển khai thoái vốn trong quý III năm nay. Tập đoàn Kido, công ty mẹ nắm 51% vốn, có ý định mua lại với mức giá hợp lý để thực hiện kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên.

Tuy nhiên, không phải tất cả cổ phiếu mà nhà nước thoái vốn đều có sóng, như FPT, SMA, KSE, CC4, BMF đều không biến động giá đáng kể.

Có nên tìm kiếm cơ hội theo sóng thoái vốn nhà nước? - Ảnh 1

Nhiều cổ phiếu tăng nóng sau thông tin thoái vốn.

Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam cũng lưu ý nhà đầu tư muốn kiếm lời theo sóng thoái vốn phải cẩn trọng, suy xét từng trường hợp. Theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét với các cổ phiếu có độ nhạy với thị trường cao và được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhóm cổ phiếu Viettel là một ví dụ, do nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, diễn biến giá cũng rất nhạy theo thông tin và thị trường. Ngược lại, những cổ phiếu được định giá cao, tính chất đặc thù như Vinamilk hay Sabeco thì không phù hợp với nhà đầu tư cá nhân mà phù hợp với nhà đầu tư tổ chức hay doanh nghiệp cùng ngành có khuynh hướng M&A.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng điều cốt lõi khi nhà đầu tư muốn kiếm lời theo sóng thoái vốn nhà nước là nguồn thông tin tiếp cận. Việc thoái vốn nhà nước thường có sự trì hoãn, độ trễ tương đối dài. Do vậy, nhà đầu tư phải có nguồn thông tin sớm hơn số đông trước khi đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần xem xét đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, dư địa tăng trưởng của lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, giá trị tài sản giá trị. Những yếu tố này quyết định đến khả năng thành công của thương vụ thoái vốn nhà nước và mức độ tăng trưởng của giá cổ phiếu.