Cổ phiếu công nghệ Trung Quốc lao dốc sau khi Mỹ nêu tên các công ty có khả năng bị hủy niêm yết
Cổ phiếu của các công ty công nghệ nổi tiếng Trung Quốc tại Hồng Kông đã lao dốc sau khi cơ quan quản lý Mỹ nêu tên 5 công ty Trung Quốc có thể bị loại khỏi thị trường chứng khoán Mỹ do không đáp ứng các yêu cầu kiểm toán.
Giá cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Alibaba sau giờ đóng cửa giảm 7,9% |
Cụ thể, giá cổ phiếu của Alibaba (BABA) giảm gần 6% vào phiên giao dịch ngày 11/3 tại Hồng Kông, cổ phiếu niêm yết tại Mỹ sau giờ đóng cửa giảm 7,9%.
JD.com (JD) giảm mạnh gần 17% tại Hồng Kông, sau giờ đóng cửa thấp hơn 16% tại Phố Wall. Baidu (BIDU) giảm 5%, theo sau mức giảm 6,3% tại Mỹ.
Các công ty khác có danh sách kép ở Mỹ và Hồng Kông cũng giảm mạnh.
Các khoản lỗ trên diện rộng xảy ra sau khi Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) xác định 5 công ty Trung Quốc không tuân thủ Đạo luật có trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài (HFCAA) vào ngày 10/3.
Luật cho phép SEC cấm các công ty giao dịch và xóa khỏi sàn giao dịch Phố Wall nếu không cho phép các cơ quan giám sát của Mỹ kiểm tra các báo cáo kiểm toán tài chính trong 3 năm liên tiếp.
Các nhà phân tích của Citi cho biết, giá cổ phiếu internet và công nghệ Trung Quốc - vốn thường được niêm yết ở cả New York và Hồng Kông, giảm trên diện rộng do lo ngại nhiều công ty sẽ bị đưa vào danh sách trong những tháng tới.
HFCAA chính thức được thực thi vào tháng 12/2020 nhằm ngăn các công ty giao dịch trên các sàn chứng khoán tại Mỹ từ chối mở sổ sách cho các cơ quan quản lý giám sát.
Luật áp dụng cho bất kỳ công ty nước ngoài nào, nhưng tập trung nhiều nhất vào Trung Quốc bởi Bắc Kinh từng không hợp tác báo cáo kiểm toán tài chính với các cơ quan quản lý của Mỹ trong quá khứ. Và yêu cầu các công ty giao dịch ở nước ngoài phải giữ giấy tờ kiểm toán ở Trung Quốc đại lục, nơi mà các cơ quan nước ngoài không thể giám sát.
Những cái tên được SEC trích dẫn ngày 10/3 là công ty thức ăn nhanh Yum China Holdings, công ty công nghệ ACM Research, tập đoàn công nghệ sinh học BeiGene, Zai Lab, và công ty dược phẩm Hutchmed.
Đây là những công ty đầu tiên trong số khoảng 270 công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq vì không tuân thủ các quy tắc.
Ngày 11/3, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã phản ứng trước động thái của Mỹ và cho biết Trung Quốc tự tin sẽ đạt được thỏa thuận với các đối tác của Mỹ về giám sát chứng khoán.
CSRC cho biết, các cuộc đàm phán giữa CSRC, Bộ Tài chính Trung Quốc và Ủy ban Giám sát kế toán công ty đại chúng Hoa Kỳ (PCAOB) đã đạt được "tiến triển tích cực".
Trước đó, động thái của SEC đã gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu Trung Quốc tại Hoa Kỳ vào ngày 10/3.
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China – một chỉ số phổ biến theo dõi hơn 90 công ty Trung Quốc đang niêm yếu tại Mỹ, đã giảm 10%, mức giảm trong ngày thấp nhất kể từ tháng 10/2008.
Yum China (YUMC) - công ty sở hữu các thương hiệu KFC và Taco Bell tại Trung Quốc, giảm 11%. ACM Research (ACMR) giảm 22%. Zai Lab (ZLAB), Hutchmed và BeiGene (BGNE) lần lượt giảm 9%, 6,5% và 6%.
Cùng ngày, tại Hồng Kông, Yum Trung Quốc giảm 12%, trong khi BeiGene giảm 8,3%.
Chỉ số Hang Seng (HSI) chuẩn của thành phố đã giảm hơn 3%, chủ yếu do lo ngại của nhà đầu tư về cuộc chiến tranh Ukraine kéo dài sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga bị đình trệ. Nikkei 225 của Nhật Bản (N225) giảm 2,5%, Shanghai Composite (SHCOMP) của Trung Quốc giảm 1,7% và Kospi (KOSPI) của Hàn Quốc giảm 1%.
Chứng khoán Mỹ mất điểm với chỉ số Dow giảm 120 điểm, tương đương 0,4%. S&P 500 và Nasdaq giảm lần lượt 0,5% và 0,7%.