Cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Quan trọng là con người
Ý tưởng về một cơ quan chuyên trách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “manh nha” từ năm 2016. Nếu không có gì thay đổi, ngay trong quý I năm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ được thành lập. Liệu đây có phải là giải pháp hữu hiệu cho những rối ren, bất cập của mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay hay không?
Đại diện chủ sở hữu 21 tập đoàn, tổng công ty
Tại cuộc họp đầu tiên của Tổ công tác của Thủ tướng về thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (ngày 16/1/2018), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, ngay trong quý I năm nay phải thành lập được Ủy ban này.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc thành lập Ủy ban để Chính phủ thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ vào tháng 2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban.
Trong dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Việc thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện các quyền, trách nhiệm của “cơ quan đại diện chủ sở hữu” là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu hiện nay.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức và cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay còn phân tán, dẫn tới vướng mắc và lúng túng trong phối hợp giữa các cơ quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý, gây khó khăn trong việc đổi mới phương thức quản trị. Việc phân chia chức năng chủ sở hữu cho nhiều cơ quan còn dẫn tới hậu quả là không rõ trách nhiệm giải trình, khó xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chính đối với những vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát, mất vốn nhà nước như đã diễn ra trong thời gian qua.
Thêm vào đó, bộ máy thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa chuyên trách, thiếu chuyên nghiệp nên ngày càng không theo kịp với yêu cầu của thực tiễn quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Mô hình Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), dù đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước, nhưng lại chưa thực hiện đầy đủ chức năng đại diện chủ sở hữu. SCIC chủ yếu là thực hiện thoái vốn, bán vốn nhà nước, chưa thực hiện được nhiệm vụ đầu tư phát triển vào những ngành, lĩnh vực có tính chiến lược, dẫn dắt và lan tỏa cho nền kinh tế.
Theo dự thảo Tờ trình, Ủy ban này sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu của SCIC và 20 công ty mẹ, các tập đoàn, tổng công ty thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc có cổ phần chi phối lâu dài. Ước tính, giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại 21 tập đoàn, tổng công ty này tương đương 50% tổng giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.
Cần có nhiều “điều kiện” kèm theo
TS. Đinh Tuấn Minh, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, việc quy về một đầu mối quản lý như vậy là phù hợp. Vì như vậy mới tách bạch được chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp, qua đó tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng cho các khu vực doanh nghiệp.
Một số chuyên gia kinh tế cũng ủng hộ sáng kiến thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo TS. Lê Đăng Doanh, Ủy ban này có thể giúp xóa bỏ lợi ích nhóm của các chủ sở hữu là các bộ hiện nay, để họ chú tâm thực hiện quản lý nhà nước, xây dựng chính sách. Tương tự, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định ủng hộ việc thành lập ủy ban nói trên, do cơ chế này tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ bộ chủ quản.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để Ủy ban này hoạt động thực sự hiệu quả thì cần có nhiều “điều kiện” kèm theo. Cả TS. Đinh Tuấn Minh và nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đều nhấn mạnh: Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa. Ủy ban này chỉ quản lý SCIC và một số doanh nghiệp cực kỳ quan trọng trong giai đoạn tư nhân chưa thể làm được hoặc không muốn làm. Nếu Ủy ban “ôm” quá nhiều doanh nghiệp sẽ khó quản lý tốt.
Trong khi đó, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, nếu muốn ủy ban này hoạt động hiệu quả thì những người trong tổ chức này phải là “nhà kỹ trị chứ không phải là nhà chính trị”, do họ có sự am hiểu về thị trường và các nguyên tắc kinh tế. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, cơ quan quản lý vốn nhà nước phải là một nhà đầu tư chủ động, nắm được các thông tin như có bao nhiêu tài sản công có tính thương mại, nằm ở đâu, cái nào đang sinh lợi, cái nào kém hiệu quả, cái nào cần tiếp tục để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, cái nào cần thoái vốn.
Chia sẻ quan điểm của mình, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thành lập công ty đầu tư theo mô hình Temasek của Singapore, tức là rút vốn ở chỗ không có hiệu quả để đầu tư vào chỗ có hiệu quả. Ngoài ra, không chỉ đầu tư trong nước mà đầu tư ra quốc tế để làm tăng uy tín, tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong mô hình Temasek chú trọng nhất vấn đề con người.
Họ phải là những người kinh doanh thực sự. Hội đồng Quản trị, lãnh đạo và nhân viên đều được tuyển chọn công khai. Những cá nhân xuất sắc sẽ đại diện vốn tại các công ty có vốn nhà nước. Nhà nước là cổ đông thì người đại diện cổ đông nhà nước cũng là cổ đông, lúc này Nhà nước được hiểu là người làm chính sách và giám sát chính sách, cho nên khi đóng vai trò cổ đông, cần phải tách biệt chức năng này. Khi đó, Chính phủ chỉ cần giám sát kết quả kinh doanh của công ty đầu tư đó thông qua các chỉ tiêu định trước.