Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Ngành kinh tế quan trọng của Lâm Đồng
(Tài chính) Xác định công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 10/5/2011 nhằm đẩy mạnh và cụ thể hóa mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, đem lại nhiều thành tựu, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Nhìn lại 3 năm nỗ lực
Sau 3 năm đẩy mạnh phát triển, công nghiệp (CN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đã có những bước tiến vững chắc, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh, góp phần thu hút và giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác phát triển nhất là ngành nông nghiệp.
Để có được những thành tựu trên, các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của ngành CN, TTCN đến từng cấp, ngành và nhân dân trong tỉnh. Công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, thu hút đầu tư của ngành công nghiệp nói chung, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng được chú trọng và đã thu hút được nhiều dự án đầu tư vào các lĩnh vực như: Công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc…
Các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm trong lĩnh vực công nghiệp đều được tỉnh triển khai và gặt hái nhiều thành công. Trong đó, phải kể đến lĩnh vực thủy điện, khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác Bauxit, sản xuất Alumin tại Bảo Lâm đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho hơn 2000 lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tiếp tục phát huy ngành kinh tế mũi nhọn
Phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 03 và phát huy vai trò của CN, TTCN, trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp; khai thác hiệu quả TTCN tạo động lực cho ngành du lịch, dịch vụ phát triển đặc biệt là tại địa bàn TP. Đà Lạt. Bên cạnh đó, tập trung phát triển CN điện, khai khoáng góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Đặc biệt, với vị trí là một tỉnh miền núi, cách xa các trung tâm kinh tế lớn cộng thêm chi phí vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa cao gây khó khăn trong việc thu hút đầu tư phát triển ngành CN, TTCN. Do vậy, Tỉnh sẽ có các cơ chế ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất CN, TTCN mà đặc biệt là thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và triển khai dự án; các chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề…
Ngoài ra, tỉnh chủ trương đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, xây dựng và xác lập quyền nhãn hiệu cho các sản phẩm CN, TTCN nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm CN, TTCN của Tỉnh; tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm CN, TTCN. Đồng thời, quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ ngành công nghiệp, đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động.Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014