Cục Thuế TP. Hải Phòng: Tích cực triển khai nộp thuế điện tử, thu hồi nợ đọng

PV.

Triển khai thực hiện nộp thuế điện tử và thu hồi thuế nợ đọng là hai nhiệm vụ hết sức quan trọng luôn được Cục thuế TP Hải Phòng đặt lên hàng đầu. Công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực và được các cấp, các ngành đánh giá cao...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Nguyễn Đại Trí trao giấy khen tặng Cục thuế TP. Hải Phòng trong công tác thu thuế điện tử
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế Nguyễn Đại Trí trao giấy khen tặng Cục thuế TP. Hải Phòng trong công tác thu thuế điện tử

Tích cực triển khai nộp thuế điện tử

Cục thuế TP Hải Phòng vừa vinh dự đón nhận Giấy khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế do đã có thành tích cao trong công tác triển khai nộp thuế điện tử. Đây là phần thưởng xứng đáng, hết sức có ý nghĩa, động viên kịp thời đối với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức Cục thuế TP Hải Phòng.

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 và Quyết định số 723/QĐ-TCT ngày 15/4/2015 của Tổng cục Thuế giao chỉ tiêu nộp thuế điện tử năm 2015 cho Cục thuế TP Hải Phòng là 11.750 doanh nghiệp, đảm bảo đến ngày 30/9/2015 có tối thiểu 90% số doanh nghiệp đăng ký thực hiện dịch vụ nộp thuế điện tử.

Đây là một thách thức không nhỏ đặt ra cho Lãnh đạo và cán bộ, công chức ngành Thuế TP Hải Phòng khi tính đến ngày 22/9/2015, số doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký nộp thuế điện tử mới chỉ đạt gần 84%;

Nhưng với quyết tâm phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, Ban Lãnh đạo Cục thuế TP Hải Phòng đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, quán triệt chủ trương, chương trình cải cách thủ tục hành chính, khai nộp thuế điện tử tới toàn thể cán bộ, công chức trong ngành.

Đồng thời ban hành kế hoạch hành động cụ thể triển khai đồng bộ từ Văn phòng Cục tới 14 Chi cục Thuế quận, huyện; xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu, phân công nhiệm vụ và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, từng cá nhân có trách nhiệm đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện, đồng thời theo dõi tiến độ và tổng hợp báo cáo kết quả hàng ngày đối với từng đơn vị được giao, qua đó nắm bắt được tình hình, tiến độ và kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Mặt khác, Cục thuế Thành phố cũng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ dưới nhiều hình thức phong phú tới tổ chức, cá nhân kinh doanh thấy được những ưu điểm nổi bật của nộp thuế điện tử, doanh nghiệp có thể nộp thuế mọi lúc, mọi nơi (24/24 giờ và 7/7 ngày trong tuần).

Đặc biệt, không phụ thuộc vào giờ làm việc của quầy giao dịch tại kho bạc và ngân hàng, tính bảo mật cao, nhất là tuyên truyền qua hòm thư điện tử, phối hợp với cơ quan thông tấn, báo trí tại đia phương đẩy mạnh tuyên truyền kê khai, nộp thuế điện tử;

Bên cạnh đó, Cục thuế TP Hải Phòng luôn chủ động tham mưu, báo cáo với Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện phối hợp cùng cơ quan thuế triển khai kê khai, nộp thuế điện tử tới các tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn. Tổ chức tọa đàm với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, với các doanh nghiệp trên địa bàn để đánh giá quá trình triển khai, tổng hợp những khó khăn vướng mắc để bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ doanh nghiệp kê khai, nộp thuế điện tử;

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân Thành phố, cùng với nỗ lực của cán bộ công chức ngành thuế Hải Phòng cộng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành; đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người nộp thuế; đến hết ngày 30/9/2015, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có 12.575 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 94,82% số doanh nghiệp đang hoạt động là 13.262 doanh nghiệp, vượt 4,82% so với chỉ tiêu của Tổng cục Thuế giao.

Quyết liệt thu hồi nợ thuế

Thời gian qua, công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đã được ngành thuế cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng đặc biệt quan tâm. Thu thuế không chỉ để đáp ứng nguồn thu cho NSNN, mà quan trọng hơn là để chấn chỉnh và làm chuyển biến nhận thức về việc chấp hành chế độ chính sách, pháp luật của người nộp thuế trên địa bàn.

Cục Thuế TP. Hải Phòng: Tích cực triển khai nộp thuế điện tử, thu hồi nợ đọng - Ảnh 1

Hằng năm, Cục Thuế Hải Phòng đã chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thường xuyên thực hiện rà soát, đối chiếu các khoản nợ để phân tích, phân loại và quản lý nợ thuế; thực hiện đôn đốc kịp thời và tăng cường triển khai các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Qua việc áp dụng đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ thuế, như thông báo, đưa tin lên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các trường hợp nợ thuế lớn; phối hợp với ngân hàng, kho bạc nhà nước thực hiện phong tỏa tài khoản và trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế chuyển nộp ngân sách; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; đề nghị thu hồi đăng ký kinh doanh… Gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác thu nợ thuế và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện có hiệu quả các biện pháp cưỡng chế nợ thuế... Do đó, kết quả 9 tháng năm 2015, thu tiền nợ thuế được 500.622 triệu đồng, so với cả năm 2014 (thu được 491.201 triệu đồng) tăng 9.461 triệu đồng. Riêng thu bằng biện pháp cưỡng chế năm 2015 là 63.623 triệu đồng, tăng so với năm 2014 là: 49.523 triệu đồng.

Hình thức cưỡng chế bằng biện pháp trích từ tiền gửi ngân hàng với 600 quyết định thu được 7.546 triệu đồng, so với năm 2014 tăng 100 quyết định và tăng số thu là 4.346 triệu đồng. Cưỡng chế biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với 102 NNT với số tiền thu được 7.077 triệu đồng. So với năm 2014, ban hành được 82 thông báo và thu về được số tiền là 5.900 triệu đồng. Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ là 50.000 triệu đồng (năm 2014, thực hiện biện pháp cưỡng chế thu được 5.000 triệu đồng; thu qua người thứ 3 được 18.191 triệu đồng). Ngoài ra, Cục Thuế còn phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư thu hồi giấy phép kinh doanh của 08 doanh nghiệp nợ thuế.

Năm 2015, để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu nợ theo các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hải Phòng, của Tổng cục Thuế…, Cục Thuế Hải Phòng đã triển khai giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể đến từng đơn vị và chỉ đạo các bộ phận, cá nhân được phân công quản lý nợ thuế, đối chiếu xác định chính xác số tiền thuế nợ của từng người nộp thuế; phân loại các khoản nợ thuế; theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình trạng nợ để xây dựng kế hoạch, biện pháp thu nợ phù hợp đến từng đối tượng nợ thuế; thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Cục kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp chậm nộp, chây ỳ nợ thuế; tiến hành thu thập, xác minh thông tin người nợ thuế một cách linh hoạt, phù hợp với từng đặc điểm doanh nghiệp để có thông tin chính xác; tăng cường kiểm tra các hồ sơ khai thuế sai, nếu phát hiện không đúng, yêu cầu người nộp thuế điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng khi phát hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp không chính xác...

Bên cạnh đó, Cục thực hiện phối hợp giữa các bộ phận trong cơ quan thuế như thanh tra, kiểm tra và kê khai kế toán thuế nhằm xác định đầy đủ, chính xác số tiền thuế còn nợ để kịp thời đôn đốc thu nợ thuế; kiểm tra tình hình tài chính, tài sản công nợ để xác định thông tin chính xác phục vụ công tác cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Cục tiếp tục thực hiện thu tiền thuế nợ bù trừ qua hoàn thuế; phối kết hợp chặt chẽ với kho bạc nhà nước, ngân hàng, Sở Kế hoạch và Đầu tư... trong việc đôn đốc hoặc thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế. Các chi cục thuế tăng cường tham mưu cho UBND quận, huyện chỉ đạo kịp thời các ngành chức năng có liên quan trên địa bàn, phối hợp với cơ quan thuế để thu hồi nợ thuế, đặc biệt triển khai các biện pháp cưỡng chế nợ thuế.

Được biết, khoản nợ thuế khó thu hồi của một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể phá sản, doanh nghiệp bỏ trốn mất tích, bị khởi tố... là 304.420 triệu đồng. Nợ thuế chờ xử lý là 8.545 triệu đồng (gồm số nợ được gia hạn khoanh nợ, giãn nợ, chờ xóa nợ, miễn giảm), chờ điều chỉnh tiến hành đi sâu phân tích chuyển sang khoản nợ khó thu hoặc nợ có khả năng thu để áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Nợ của các doanh nghiệp đang hoạt động là 1.101.747 triệu đồng. Trong đó, nợ được trừ ra khỏi chỉ tiêu giao kế hoạch thu nợ là 366.993 triệu đồng (gồm khoản nợ của khối Vinashine và Vinalines; nợ của khối XDCB thực hiện từ nguồn vốn ngân sách). Doanh nghiệp nợ từ 1 tỷ đồng trở lên, gồm 111 DN và 09 cá nhân nợ thuế thu nhập cá nhân với số tiền 709.104 đồng, chiếm 70,5% của số tiền thuế nợ 1.101.747 triệu đồng. Như vậy, trong 7.502 doang nghiệp nợ thuế trong trạng thái hoạt động, nợ thuế của 7.382 doanh nghiệp còn lại là 392.643 triệu đồng.