Cục thuế và Công an Khánh Hòa: Tăng cường phối hợp xử lý vi phạm pháp luật thuế

PV.

Mới đây, Cục thuế và Công an tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Hội nghị đánh giá tình hìnhthực hiện quy chế phối hợp giữa hai ngành Thuế và Công an tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2013-2015. Hội nghị đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong phối hợp xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong thời gian qua và đưa ra các giải pháp cụ thể cho thời gian tới...


Những kết quả tích cực ban đầu

Trong 3 năm từ 2013 - 2015, lãnh đạo hai ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp khắc phục tồn tại theo từng vụ việc.

Các đơn vị nghiệp vụ của 2 ngành đã chủ động phối hợp trực tiếp để kịp thời cung cấp thông tin, tài liệu và nghiệp vụ chuyên môn nhằm phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện công tác chuyên môn của đơn vị từ đó đã đạt được những kết quả.

Cụ thể như: Cơ quan Thuế đã chuyển sang cơ quan Công an xử lý theo quy định 14 trường hợp có hành vi trốn thuế, 31 trường hợp có dấu hiệu của hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Qua điều tra, cơ quan Công an đã kết luận và chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đưa ra xét xử 03 hồ sơ trốn thuế với tổng số thuế trốn và tiền phạt là4.346.662.712 đồng.

Kết quả Tòa án đã tuyên án đối 3 bị cáo với mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 15 tháng tù, thu hồi số tiền thuế trốn vào NSNN và phạt tiền với số tiền 1.051.161.000 đồng. Ngoài ra có 04 hồ sơcơ quan Công an kết luận không có dấu hiệu tội phạm và chuyển lại cơ quan thuế để xử lý hành chính. Hiện nay cơ quan Công an các cấp đã và đang tiến hành điều tra để xem xét khởi tố hình sự đối với các hồ sơ còn lại theo quy định của pháp luật.

Qua công tác điều tra, xác minh cơ quan công an đã chuyển sang 04 hồ sơ đề nghị cơ quan thuế xử lý hành chính, kết quả cơ quan thuế đã lập biên bản xử lý truy thu và phạt hành chính với tổng số tiền là 504.997.031 đồng góp phần tăng thu choNSNN.

Trong 3 năm, cơ quan công an đã phối hợp với cơ quan thuế để trực tiếp xác minh, làm việc với các trường hợp doanh nghiệp chây ỳ, nợ thuế kéo dài, đã hỗ trợ ngành thuế trong việc đôn đốc nộp nợ thuế, kết quả thu trên62tỷ đồng vào NSNN.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị chức năng của 2 cơ quan đã chủ động trong việc trao đổi thông tin về nghiệp vụ chuyên môn, thông tin về các doanh nghiệp đang quản lý, thông tin về các thủ đoạn của các loại tội phạm về kinh tế có liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Tổng số lượt phối hợp cung cấp trong 03 năm là 57 lượt.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng đã phối hợp chặt chẽ và kịp thời với cơ quan công an để thực hiện công tác giám định tư pháp theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.

Thêm nhiều giải pháp cho thời gian tới

Để phát huy những kết quả đạt được và tăng cường phối hợp hiệu quả hơn nữa trong công tác phát hiện, ngăn ngừa, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong thời gian tới, Cục thuế và Công an Khánh Hòa đã đề ra các giải pháp cụ thể sau:

+ Tiếp tục thực hiện theo Quy chế phối hợp số 1527/QCPH/TCT-TCCS, ngày 31/10/2007, giữa Tổng cục Thuế và Tổng cục Cảnh sát và Kế hoạch phối hợp số 4816/KHPH/CT-CA ngày 21/12/2007 giữa Cục Thuế và Công an tỉnh Khánh Hòa trongcông tác đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế.

+ Nghiên cứu và đề xuất sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp để đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay, đồng thời kiện toàn bộ phận thường trực tham mưu thực hiện quy chế phối hợp giữa 2 ngành nhằm nắm bắt, cung cấp thông tin kịp thời hơn nữa phục vụ công tác điều tra xử lý.

+ Xử lý kịp thời một số hồ sơ đã phát hiện (đặc biệt là các hồ sơ có dấu hiệu mua bán hóa đơn bất hợp pháp) để đưa ra xét xử nhằm làm gương và tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tính tự giác chấp hành pháp luật của đối tượng nộp thuế, tạo sự đồng thuận chung của cộng đồng trong việc thực hiện tốt nghĩa vụ thu nộp NSNN trên địa bàn tỉnh.

+ Tăng cường hơn nữa việc cung cấp thông tin và phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về thuế, nhất là trong các lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh; Hoạt động của các khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ; Đăng ký, quản lý phương tiện giao thông...

+ Có kế hoạch phối hợp theo chuyên đề nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong các lĩnh vực như: Kinh doanh lưu trú, du lịch lữ hành, kinh doanh đa cấp, hoàn thuế GTGT, gian lận thương mại, khai thác khoáng sản, vận tải, xăng dầu và các hành vi mua bán sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.

+ Phối hợp tốt trong việc đôn đốc, xử lý kiên quyết đối với số doanh nghiệp có hành vi nợ thuế kéo dài hoặc người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trốn tránh, không hợp tác với cơ quan Thuế.

+ Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức giao ban, đánh giá kết quả phối hợp, kiến nghị kịp thời những vướng mắc phát sinh, đồng thời đề ra kế hoạch phối hợp tiếp theo./.